Theo bác sĩ Phan Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân Phan Hữu Ng. mắc Hemophilia A từ nhỏ, đến năm 26 tuổi bệnh trở nặng, anh nhập Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Anh là bệnh nhân có nhiều kỷ lục tại bệnh viện với số lần phẫu thuật nhiều nhất, chi phí điều trị nhiều nhất (hơn 40 tỷ đồng), thời gian nằm viện điều trị lâu nhất (11 năm) và là ca bệnh Hemophilia nặng nhất đầu tiên của Việt Nam được điều trị thành công đến thời điểm này.
Nằm tại giường bệnh, anh Ng. cho biết, 11 năm nằm viện – cũng ngần ấy thời gian, anh sống trong bi kịch cuộc đời mình. Mắc căn bệnh “máu khó đông” từ nhỏ, thời điểm ấy Ng. chưa thể hình dung căn bệnh mình đang mang, những gì chờ đợi phía trước. Càng lớn, mỗi lần vận động mạnh bị té, cơ thể Ng. lại bầm tím hay mỗi lần đứt tay chảy máu không sao cầm nổi.
Từ một bệnh nhân được kết luận “không xử trí gì thêm”, Ng. đã trải qua một hành trình kỳ diệu khi đã phục hồi 99% và chuẩn bị xuất viện.
Chuẩn bị tư trang cho ngày ra viện, Phan Hữu Ng. cho biết, hôm nay rất hạnh phúc, vui mừng khi được trở về nhà sau hơn 11 năm ở bệnh viện. Lên đây từ năm 2010, Ng. điều trị ở khoa huyết học 7-8 năm, sau đó chuyển qua Khoa phỏng và phẫu thuật tạo hình gần 3 năm đến bây giờ.
Một năm 365 ngày, thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà và chỉ về nhà vào mấy ngày tết. Giờ chuẩn bị trở về nhà, mừng lắm. “Rất nhiều lần bi quan, muốn chết cũng không được nhưng hôm nay rất hạnh phúc và rất vui mừng. Để có động lực chiến đấu 11 năm cho đến ngày hôm nay là nhờ vào sự động viên rất nhiều từ các bác sĩ và mẹ của em. Có lúc em tuyệt vọng muốn buông xuôi, nhưng các bác sĩ ai cũng động viên em phải ráng lên”, Ng. nói.
Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, từ đó đến nay chi phí điều trị cho bệnh nhân này đã lên tới 40,8 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm y tế chi trả 38,3 tỷ đồng số còn lại là tiền của gia đình và mạnh thường quân giúp đỡ.
Tuy nhiên, các bác sĩ điều trị cho biết, bệnh Hemophilia không thể chữa dứt điểm, do đó cuộc sống sau này Ng. phải duy trì điều trị thuốc yếu tố VIII ở mức độ trên 50%. Điều khó khăn với Ng. và nhiều bệnh nhân khác là BHYT chỉ chấp nhận thanh toán chi phí bổ sung cho bệnh nhân điều trị nội trú, chưa chấp nhận chi trả cho bệnh nhân điều trị dự phòng tại nhà.
Bà Đỗ Thu Hà, Trưởng phòng Giám định BHYT (Bảo hiểm xã hội TPHCM) cho biết, đây là bệnh nhân được quỹ bảo hiểm y tế chi trả với số tiền lớn nhất từ trước đến nay, điều đó cho thấy tính ưu việt của bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi tối đa cho bệnh nhân.