Mỹ bắt đầu tiến trình chuyển giao quyền lực

Đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ các thành viên đảng Cộng hòa kêu gọi việc tôn trọng ý nguyện của người dân Mỹ, ngày 24-11, Tổng thống Donald Trump tuyên bố cho phép bà Emily Murphy, người đứng đầu Cơ quan Quản lý dịch vụ tổng hợp (GSA), thực hiện tiến trình chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden. 
Một số ứng viên nội các của ông Joe Biden, hàng trên: Alejandro Mayorkas, Avril Haines, John Kerry; hàng dưới: Linda Thomas-Greenfield, Antony Blinken, Jake Sullivan
Một số ứng viên nội các của ông Joe Biden, hàng trên: Alejandro Mayorkas, Avril Haines, John Kerry; hàng dưới: Linda Thomas-Greenfield, Antony Blinken, Jake Sullivan

Công nhận chuyển giao

Theo luật bầu cử Mỹ, để ông Joe Biden chính thức được công nhận đắc cử tổng thống, người đứng đầu GSA sẽ phải ký giấy tờ để phân bổ hàng triệu USD cho đội ngũ chuyển giao quyền lực. Như vậy, động thái trên là bước đầu tiên cho thấy Chính phủ Mỹ đã công nhận thất bại của ông Donald Trump. Theo đó, người đứng đầu GSA sẽ ký các văn bản xác nhận chiến thắng của ông Biden. Tuy đã tuyên bố chấp nhận chuyển giao quyền lực, nhưng Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ theo đuổi các khiếu nại pháp lý liên quan tới kết quả cuộc bầu cử tổng thống hôm 3-11.

Động thái chuyển giao quyền lực được cho là sẽ giúp dư luận Mỹ tạm lắng những tranh cãi kéo dài sau cuộc bầu cử kết thúc trong 3 tuần qua. Giới chức an ninh bày tỏ lo ngại việc phủ nhận của Tổng thống Donald Trump đối với chiến thắng của ông Joe Biden sẽ gây ra những rủi ro đáng kể đối với an ninh của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19 cũng như các mối đe dọa nghiêm trọng từ các đối thủ toàn cầu, các nhóm khủng bố và các lực lượng khác. 

Sự chậm trễ trong việc cho phép các nhóm chuyển tiếp gặp gỡ và trao đổi với các quan chức đồng nghĩa với việc chính phủ của ông Joe Biden sắp tới sẽ ít có thời gian chuẩn bị hơn khi lên nắm quyền.

Những ứng viên nội các nổi bật 

Sau tuyên bố của ông Donald Trump, ông Joe Biden đã lựa chọn một số nhân vật cho các vị trí hàng đầu của nội các và Nhà Trắng. Trong đó, ông Antony Blinken sẽ là Ngoại trưởng; ông Jake Sullivan là Cố vấn An ninh quốc gia; ông Alejandro Mayorkas giữ chức Bộ trưởng An ninh Nội địa; bà Avril Haines là Giám đốc Tình báo quốc gia và bà Linda Thomas-Greenfield sẽ là Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc. Trong danh sách nội các của ông Joe Biden, còn có 2 chính trị gia nổi tiếng là cựu Ngoại trưởng John Kerry và cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen. Ông John Kerry sẽ được bổ nhiệm làm đặc phái viên đóng vai trò điều phối các chương trình của nhiều cơ quan nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của quốc hội Mỹ để thúc đẩy các ưu tiên chính sách về khí hậu. 

Theo truyền thông Mỹ, nền tảng về ngoại giao của ông Kerry sẽ là một tài sản giá trị cho nội các của ông Biden, người đã cam kết tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của mình và giữ vai trò lãnh đạo về một vấn đề đã bị chính phủ của Tổng thống Donald Trump loại bỏ trong 4 năm qua.

Trong khi đó, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen dự kiến đảm nhiệm chức Bộ trưởng Tài chính. Nếu chính thức được bổ nhiệm, bà Yellen sẽ là nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Bà Yellen (74 tuổi) được nhiều người coi là một lựa chọn “an toàn” về mặt chính trị cho vai trò này, có khả năng theo đuổi thỏa hiệp lưỡng đảng trong một số thời điểm của nền kinh tế. 

Giám đốc điều hành đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Joe Biden, ông Yohannes Abraham, tuyên bố đội ngũ của ông Joe Biden sẽ bắt đầu làm việc với các quan chức chính phủ liên bang. Trước đó, khi Tổng thống Donald Trump liên tục tỏ ra không nhượng bộ và làm trì hoãn tiến trình chuyển giao quyền lực, đội ngũ của ông Joe Biden cố gắng giải quyết bằng cách thuê nhân viên và liên hệ với các cựu nhân viên liên bang từng làm việc cho Tổng thống Barack Obama. Họ cũng đã liên hệ với các quan chức tiểu bang và địa phương.

Trước khi tuyên bố chuyển giao quyền lực, Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã có động thái bất ngờ khi Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận sẽ rút 2.500 quân Mỹ khỏi Afghanistan và Iraq. Tổng thống Donald Trump từ lâu đã kêu gọi quân đội về nước và chỉ trích các hoạt động can thiệp của Mỹ ở nước ngoài. Tuy nhiên, lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell đã gọi kế hoạch này là một sai lầm.

Trong phiên giao dịch ngày 24-11, các chỉ số chứng khoán trên sàn giao dịch Phố Wall của Mỹ đồng loạt tăng điểm sau khi có những thông tin lạc quan và việc ông Joe Biden, người được truyền thông tuyên bố đắc cử Tổng thống Mỹ, chỉ định cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Janet Yellen làm Bộ trưởng Tài chính.

Tin cùng chuyên mục