Mỹ gặp khó trong bình ổn giá dầu

Giá dầu và khí đốt càng cao thì thiệt hại kinh tế đối với các nước công nghiệp và phát triển càng lớn, nhất là với những nước chưa tự chủ được nguồn cung năng lượng. 
Một khu vực khai thác dầu đá phiến tại Mỹ
Một khu vực khai thác dầu đá phiến tại Mỹ

Tạm quên mục tiêu xanh

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét các lựa chọn để giảm giá dầu và khí đốt trên cơ sở không dùng đến dầu khí của Nga do Washington áp đặt các biện pháp cấm vận dầu khí liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, việc thúc đẩy các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông như Saudi Arabia hay Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất gia tăng sản lượng để bù vào sản lượng từ Nga không phải dễ. Với tiềm lực kinh tế ngày càng mạnh, các nước này không còn chịu quá nhiều sức ép từ Mỹ như những năm 1990. Vì vậy, họ không thể tăng sản lượng theo yêu cầu của Mỹ. Ông Joe Biden biết rõ rằng thiệt hại kinh tế do giá dầu và khí đốt tiếp tục tăng cao đối với Mỹ và các đồng minh là rất lớn. Lịch sử cho thấy cứ mỗi thùng dầu tăng giá 10 USD sẽ dẫn đến một gallon xăng ở Mỹ tăng 25-30 cent. 

Rủi ro chính trị đối với giá dầu và khí đốt cao cũng rất lớn khi nước Mỹ đang tiến dần đến cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11-2022. Nếu tình hình lạm phát tiếp tục tăng cao, các nhà phân tích dự báo đảng Dân chủ của ông Biden có thể mất đa số hẹp tại Hạ viện.

Khi các đồng minh Trung Đông không tăng sản lượng đủ để bù vào sản lượng dầu của Nga, Mỹ đang chuyển hướng sang Venezuela. Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki xác nhận rằng an ninh năng lượng là một trong những vấn đề được nêu ra tại các cuộc đàm phán ở Caracas. Washington hy vọng nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ một phần, cho phép Venezuela tiếp tục xuất khẩu dầu, dầu sẽ trực tiếp đến Mỹ để bù đắp cho nguồn cung bị mất từ Nga. 

Xem ra Mỹ không còn cách nào nhanh hơn là tự cứu mình. Theo đó Tổng thống Joe Biden “tạm quên” mục tiêu cắt giảm khí thải theo Hiệp định Paris để tăng sản lượng dầu đá phiến. Theo dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), hiện sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng mạnh nhất từ tháng 3-2020. Ước tính, tổng sản lượng tại 7 lưu vực đá phiến lớn của Mỹ sẽ tăng thêm 117.000 thùng/ngày vào tháng 4, lên 8,708 triệu thùng/ngày. 

Giá dầu còn nhiều ẩn số

Ngày 15-3, giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ đã giảm xuống dưới 100 USD/thùng do lo ngại về nguy cơ kinh tế Trung Quốc suy giảm khiến giới đầu tư cân nhắc lại dự báo về nhu cầu dầu mỏ. Cụ thể, giá dầu WTI đã giảm gần 5,7%, xuống còn 97,13 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent biển Bắc giảm 6%, xuống còn 100,54 USD/thùng. Những tín hiệu tích cực từ đàm phán Nga - Ukraine được cho là đã làm giảm sức ép lên giá dầu thế giới. Bên cạnh đó, việc chính quyền TP Thâm Quyến, trung tâm công nghệ của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, áp đặt lệnh phong tỏa trên diện rộng do Covid-19 được cho là có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, khiến giới đầu tư cân nhắc lại dự báo về nhu cầu dầu mỏ.

Các nhà kinh doanh dầu mỏ cũng đang theo dõi diễn biến cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm cả việc tiếp tục đàm phán giữa Ukraine và Nga. Một lệnh ngừng bắn có thể xoa dịu lo ngại về sự gián đoạn kéo dài trong dòng chảy dầu từ Nga, nhà sản xuất dầu số 2 thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng cảnh báo không nên trông cậy quá nhiều vào cuộc đàm phán này. Ông Robert Yawger, phó chủ tịch phụ trách năng lượng tương lai của Công ty Chứng khoán Mizuho, cho biết ngay cả khi có lệnh ngừng bắn, phương Tây rất khó có thể nhanh chóng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga và vì vậy giá dầu chưa thể phục hồi ngay.

Tin cùng chuyên mục