Mỹ Latinh hành động chống lại biến đổi khí hậu

Ngày 23-10, Tuần lễ Khí hậu châu Mỹ Latinh và Caribe (LACCW) khai mạc tại TP Panama, Panama, nhằm tìm giải pháp giải quyết các thách thức từ biến đổi khí hậu.

Rủi ro ngày càng tăng

Đồng chủ trì tổ chức sáng kiến LACCW với Chính phủ Panama là Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới (WB), cùng các đối tác khu vực là Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe, Cơ quan Phát triển CAF, Ngân hàng Mỹ Latinh và Caribe, Ngân hàng Phát triển liên Mỹ và EuroClima.

Trong 4 ngày diễn ra Tuần lễ Khí hậu châu Mỹ Latinh và Caribe, 3.000 khách mời, bao gồm đại diện đến từ các chính phủ, chính quyền địa phương, chuyên gia khí hậu và tổ chức xã hội trên thế giới, sẽ tham gia hơn 200 sự kiện chính là các phiên thảo luận và sự kiện bên lề cung cấp thông tin về biến đổi khí hậu.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh khu vực Mỹ Latinh và Caribe đang chứng kiến hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan. Liên hợp quốc dự báo rằng khu vực này sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều đợt thiên tai trong 4 thập niên tới và thúc giục các chính phủ trong khu vực thiết lập hệ thống cảnh báo sớm.

Theo ghi nhận của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe đã tăng trung bình 0,2oC mỗi thập niên trong 30 năm qua, tỷ lệ cao nhất được ghi nhận trên toàn cầu. Khủng hoảng khí hậu và gần đây là hiện tượng La Nina (La Nina ngược với El Nino, là hiện tượng lớp nước biển bề mặt ở khu vực ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương lạnh đi dị thường - PV), đang khiến hạn hán kéo dài, dẫn đến giảm sản lượng thủy điện, thu hoạch nông nghiệp giảm sút và cháy rừng “chưa từng có”, sông băng tan chảy và bão lũ gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Bên cạnh đó, mực nước biển dâng cao gây ra rủi ro ngày càng tăng đối với sinh kế, hệ sinh thái và nền kinh tế vùng ven biển.

Một trang trại sản xuất điện năng lượng mặt trời ở Brazil
Một trang trại sản xuất điện năng lượng mặt trời ở Brazil

Thúc đẩy giải pháp

Điểm sáng tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là Mỹ Latinh đang nắm giữ chìa khóa cho nhiều giải pháp khí hậu như rừng ngập mặn và rạn san hô, đóng vai trò là bể chứa carbon và biện pháp phòng vệ tự nhiên chống lại lũ lụt. Khu vực này chiếm 60% đa dạng sinh học của hành tinh, 50% rừng nguyên sinh và 28% đất có tiềm năng cho nông nghiệp.

Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, có tới 37% nhu cầu giảm thiểu biến đổi khí hậu có thể được đáp ứng bằng các giải pháp dựa vào tự nhiên và điều này đặt Mỹ Latinh và Caribe vào một vị trí đắc địa. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng của khu vực, các chuyên gia đều cho rằng cần phải làm việc một cách đồng bộ để bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, nhiều hệ sinh thái trong số đó được chia sẻ bởi một số quốc gia, trong đó có rừng Amazon. Để thúc đẩy các giải pháp chống biến đổi khí hậu, một số quốc gia tại Mỹ Latinh đang triển khai các dự án quy mô lớn.

Theo Tổ chức phi lợi nhuận chuyên giám sát phát triển năng lượng sạch Global Energy Monitor (GEM), tính tới tháng 1-2023, công suất khai thác năng lượng mặt trời tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe cao gấp 4 lần so với châu Âu và gần 7 lần so với Ấn Độ. Với gần 250 dự án và hướng tới công suất kỳ vọng khoảng hơn 19.000 megawatt, trong tương lai, điện mặt trời hứa hẹn sẽ đóng góp phần lớn vào sản lượng điện cung cấp tại Mỹ Latinh và Caribe.

Những nước đi đầu về lĩnh vực năng lượng mặt trời trong khu vực gồm Brazil, Colombia, Mexico, Peru và Chile. Các quốc gia này sản xuất hơn 88% sản lượng điện mặt trời hiện nay cũng như khoảng 97% sản lượng bổ sung trong các dự án đang được tiến hành.

Tin cùng chuyên mục