Lực lượng không thể thiếu
Kế hoạch nói trên không chỉ đề cập đến vai trò mà còn làm rõ trách nhiệm của lực lượng tại chỗ khi địa phương xảy ra sự cố cháy nổ, tai nạn. Cụ thể, UBND TPHCM giao người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương điều hành, chỉ huy công tác chữa cháy và CNCH ban đầu. Người đứng đầu có quyền huy động lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý tham gia xử lý sự cố. UBND TPHCM lưu ý địa phương ưu tiên huy động lực lượng, phương tiện, tài sản ở những cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gần hiện trường. Tổ chức, hộ gia đình hay cá nhân có nghĩa vụ nhanh chóng thực hiện lệnh điều động, phục vụ chữa cháy và CNCH; chấp hành mệnh lệnh người chỉ huy.
UBND thành phố yêu cầu mọi địa phương tiến hành hiệu quả phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”. Khi xuất hiện tình huống cháy nổ, tai nạn, sự cố vượt quá khả năng ứng phó từ công an địa phương, lực lượng chức năng sẽ huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy, CNCH cũng như những phương tiện chuyên dùng khác tại cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn thành phố.
Mới đây, Cục Cảnh sát PCCC-CNCH (Bộ Công an) đưa ra nhiều khuyến cáo liên quan đến công tác phòng chống cháy nổ, tai nạn tại cơ sở. Cơ quan chức năng đánh giá cuối năm là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao hơn những thời điểm khác. Do đó, mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình cần chấp hành nghiêm quy định, bảo đảm mọi điều kiện an toàn PCCC. Tất cả cơ sở tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, công nhân viên, người lao động chấp hành nội quy, quy định về PCCC; tự kiểm tra, kịp thời khắc phục những thiếu sót có thể phát sinh cháy nổ. Bên cạnh đó, hộ gia đình thường xuyên kiểm tra, sử dụng an toàn hệ thống điện, thiết bị điện; quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, đặc biệt lưu ý khi sử dụng than, củi sưởi ấm đề phòng nguy cơ ngộ độc, ngạt khói; chuẩn bị lối thoát nạn thứ 2, thứ 3 đề phòng cháy nổ xảy ra…
Có mặt trên mọi mặt trận
Thực thi nhiệm vụ do UBND TPHCM giao phó, Công an thành phố (nòng cốt là Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH) gấp rút phối hợp khảo sát, đánh giá thực trạng nguồn nước cùng lực lượng, phương tiện chữa cháy và CNCH tại cơ quan, đơn vị. Công an thành phố chủ trì xây dựng kế hoạch, tổ chức diễn tập phương án chữa cháy và CNCH có sự phối hợp giữa nhiều lực lượng, phương tiện tại cơ sở.
Nhiều quận, huyện đặc biệt quan tâm trau dồi kiến thức, kỹ năng chữa cháy và CNCH cho lực lượng tại chỗ. Tại quận 5 (TPHCM), công an quận hướng dẫn, đôn đốc UBND 14 phường phân công công tác quản lý nhà nước về PCCC-CNCH ở cơ sở. Đơn vị mở 2 đợt tập huấn, có lãnh đạo chính quyền, cán bộ phụ trách PCCC-CNCH, công an phường, cảnh sát khu vực tham gia nghiêm túc, đầy đủ. UBND 14 phường thuộc quận 5 đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như kết hợp tuyên truyền trong các cuộc họp tổ dân phố. Qua đó, trách nhiệm từng cán bộ, đảng viên, người dân cư trú tại các phường nâng cao rõ rệt. Năm qua, 16 đơn vị trên địa bàn quận đăng ký trở thành đơn vị điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân tham gia PCCC”, 5 phường cùng 11 doanh nghiệp cam kết luôn giữ vững danh hiệu. Đến nay, 14 phường củng cố và kiện toàn đội dân phòng tại 99 khu phố. Theo đó, gần 1.000 đội viên dân phòng sẵn sàng tham gia chữa cháy và CNCH nếu xảy ra sự cố.
Nỗ lực từ tổ chức cũng như từng cá nhân đã thu về không ít hiệu quả thiết thực. Vụ cháy căn hộ thuộc chung cư Tecco Tower (phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM) là minh chứng. Sáng 24-12, một căn hộ trên tầng cao bốc cháy khiến cả chung cư hỗn loạn. Lúc đó, anh Nguyễn Hoàng Thanh (Trưởng ban quản trị chung cư) cùng nhiều cư dân bình tĩnh phá cửa 2 căn hộ sát bên căn xảy ra cháy. Nhờ đó, mọi người giải cứu thành công 4 người mắc kẹt trong đám cháy, trong đó có một bà cụ không thể đi lại. Không những vậy, anh Thanh cùng cư dân trèo ra ban công, phá cửa sổ, đưa khăn ướt vào cho một bé trai trùm lên đầu để tránh ngạt khói. Đó là một trong những nguyên nhân giúp hỏa hoạn dù diễn biến khó lường nhưng thiệt hại về người không xảy ra, tránh tình cảnh bất an ngay khu vực xảy ra sự cố.