Ngành chế biến gỗ với khó khăn kép: Covid-19 và khả năng bị áp thuế chống bán phá giá

Dịch Covid-19 lan rộng toàn thế giới dẫn đến sự đứt gãy nghiêm trọng các chuỗi cung ứng. Bên cạnh khó khăn về nguồn nguyên liệu, xuất khẩu, ngành gỗ Việt Nam còn đối mặt với khó khăn kép, đó là khả năng bị áp thuế chống bán phá giá gỗ ván xuất khẩu qua Mỹ, Hàn Quốc... 
Chiều 28-4, Hội thảo trực tuyến: “Phục hồi - Tăng tốc - Bứt phá - Phát triển bền vững ngành gỗ giai đoạn hậu đại dịch” do Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA) cùng phối hợp tổ chức tại 4 đầu cầu: Hà Nội, Bình Định, TPHCM và Australia.

Thông tin hội thảo cho biết, dịch Covid-19 lan rộng toàn thế giới dẫn đến sự đứt gãy nghiêm trọng các chuỗi cung ứng. Vì vậy, theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VIFOREST, với mục tiêu đạt 12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đặt ra từ đầu năm, nhưng “tăng trưởng trong xuất khẩu của ngành năm 2020 có thể bằng 0”, doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ đang đối mặt với nhiều khó khăn. 

Khảo sát do các hiệp hội gỗ thực hiện với 124 DN trong ngành vào cuối tháng 3 vừa qua cho thấy, 100% DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Cụ thể, về tác động tài chính, 75% số DN phản hồi cho biết thiệt hại ban đầu đối khoảng hơn 3.000 tỷ đồng. 51% DN tham gia khảo sát cho biết phải thu hẹp quy mô sản xuất. Khoảng 35% DN dù đang hoạt động bình thường nhưng phải sẽ tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới; 7% số DN đã ngừng hoạt động và chỉ có 7% DN vẫn hoạt động bình thường. 

Ngành chế biến gỗ với khó khăn kép: Covid-19 và khả năng bị áp thuế chống bán phá giá ảnh 2 Doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu
Dịch Covid-19 cũng tác động tới khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu và chế biến, tiêu thụ trong nước. Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Phi – nguồn cung gỗ nguyên liệu nhiệt đới lớn nhất của Việt Nam đã dừng hẳn. Lượng nhập từ nguồn gỗ ôn đới giảm 70%. Giá gỗ nguyên liệu và cước vận chuyển tăng. Sản xuất kinh doanh của các hộ tại các làng nghề giảm 80%. Khoảng 50-60% xưởng xẻ sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước dừng hoạt động.

Ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam còn đối mặt với khó khăn kép, đó là khả năng bị áp thuế chống bán phá giá gỗ ván xuất khẩu qua Mỹ, Hàn Quốc, và một số mặt hàng khác như tủ bếp. Mới đây là từ Ấn Độ khởi xướng điều ra sản phẩm gỗ MDF từ Việt Nam.

Theo ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia cao cấp của Forest Trends, phương thức vận hành của ngành đòi hỏi cần phải có những thay đổi mang tính chiến lược, nhằm giảm rủi ro, tạo bứt phá để phát triển. Trước hết, cần có thay đổi căn bản về xác định dòng sản phẩm và thị trường chiến lược.

Dịch Covid-19 cũng cho thấy ngành cần phải dịch chuyển về phương thức bán hàng. Kênh truyền thống (Offline) cần phải thay đổi, nhằm giảm rủi ro trong hội nhập và phù hợp với xu thế thương mại thế giới (Online). Chuyển đổi số cần diễn ra mạnh mẽ và đồng bộ hơn.

Để làm được điều này, theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HAWA, cần có sự thay đổi đồng bộ cả trong cơ chế chính sách của Chính phủ và trong bản thân DN. Qua đó, thúc đẩy thay đổi tư duy, sự thích nghi tạo ra làn sóng chuyển đổi số, 

Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, trong bối cảnh bất định do dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cũng như từ nhiều nguy cơ khác, đây là thời điểm để DN tư duy lại, thiết kế lại hoạt động, học cách quản trị rủi ro. DN không quá bi quan nhưng cũng không quá lạc quan mà cần linh hoạt, bình tĩnh và hướng theo xu thế.  

Tin cùng chuyên mục