Hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép được xem là chủ trương đúng đắn của nhà nước nhằm giúp ngư dân vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, do những tắc trách của một số người, đơn vị được giao trong quá trình quản lý, đóng mới khiến nhiều ngư dân khốn khó vì tàu hoạt động không hiệu quả.
Liên tiếp vỡ nợ
Suốt 1 năm nay, tàu vỏ thép QNg-91131 TS vẫn mòn mỏi đậu bờ ở cảng cá Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi). Chủ tàu là ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết, đến hết tháng 10-2019, ông buộc phải bán tàu để trả nợ ngân hàng. Năm 2016, ông Nguyễn Thanh Hồng vay vốn theo Nghị định 67 để đóng tàu vỏ thép QNg-91131 TS, công suất 803CV, trị giá 17,2 tỷ đồng, với sự hỗ trợ 95% vốn vay từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Tàu hạ thủy tháng 6-2018, vài chuyến biển đầu ra khơi có lãi, trả được nợ ngân hàng khoảng 700 triệu đồng thì tàu bắt đầu phát sinh sự hư hỏng, dẫn đến lỗ liên tục. Nợ nần chồng chất, bị ngân hàng khởi kiện, ông Hồng buộc phải bán tàu để trả nợ.
Xã Tịnh Kỳ có 2 tàu vỏ thép hành nghề lưới rê, lưới chụp, trong đó có tàu ông Hồng, hoạt động không hiệu quả, nằm bờ suốt 1 năm nay. Các chủ tàu cũng lao đao giải quyết kiện tụng từ phía ngân hàng. Chủ tàu phải thế chấp nhà cửa để đổ vốn vào con tàu, nay tay trắng còn đối diện với việc phải thanh lý tàu cá. Ông Phạm Tri Thức, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Tịnh Kỳ, cho biết có nhiều nguyên nhân khiến tàu của các ngư dân phải nằm bờ, nhưng chủ yếu là do sự thiếu chuyên nghiệp trong việc quản lý, sử dụng và đánh bắt trên tàu vỏ thép. Quá trình ấy phát sinh thua lỗ, các ngư dân nản chí dần suy sụp, ngán biển. Ngoài ra, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, tu bổ tàu vỏ thép rất lớn, hiệu quả đánh bắt lại thấp do nguồn lợi thủy sản cạn kiệt... khiến các ngư dân vỡ nợ.
Nhiều ngư dân vay đóng tàu vỏ thép nhưng đến nay họ vẫn phải đi làm thuê cho tàu vỏ gỗ để mưu sinh. Ảnh: NGỌC PHÚC
Tại Quảng Nam, câu chuyện pháp lý tranh chấp giữa ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), chủ tàu vỏ thép QNa-94679 TS với công ty đóng tàu kéo dài nhiều năm nay vẫn chưa ngã ngũ. Đã qua 3 năm kể từ khi con tàu vỏ thép trị giá 16,5 tỷ đồng của ông Liên được đóng theo Nghị định 67 hoàn thành, nhưng ngay lần chạy thử tàu đã gặp sự cố, máy hỏng không thể vươn khơi. Ông Trần Văn Liên bị cuốn vào vòng xoáy kiện tụng liên quan đến con tàu, và giờ trở thành con nợ với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Tương tự, ngư dân Phan Thu (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), chủ tàu QNa 95997 TS, người đầu tiên ở Quảng Nam đóng tàu vỏ thép 822CV, trị giá hơn 12 tỷ đồng vay vốn theo Nghị định 67 nhưng đã 2 năm qua tàu ông Thu phải nằm bờ, gỉ sét bởi cứ ra khơi là lỗ. Nợ gốc chưa trả, lãi hàng năm tăng lên khiến món nợ 12 tỷ đồng vẫn treo lơ lửng không thể nào trả được. Dù có tàu vỏ thép trong tay nhưng hiện tại ông Liên, ông Hồng và nhiều chủ tàu vỏ thép khác phải đi làm thuê cho các tàu vỏ gỗ để mưu sinh.
Sự cố 20 tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 ở Bình Định hư hỏng, kém chất lượng đến nay vẫn còn để lại nhiều hệ lụy cho các ngư dân và ngân hàng. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, trong năm 2019 đa số các chủ tàu đã vươn khơi đánh bắt có thu nhập, dần ổn định. Tuy nhiên, trên thực tế thì còn nhiều chủ tàu làm ăn thất bại đang đứng trước nguy cơ bị ngân hàng khởi kiện vì nợ nần. Bi thảm nhất trong số đó có trường hợp của ngư dân Trần Văn Hạo, chủ tàu vỏ thép BĐ 99029 TS (940CV), trị giá hơn 18,7 tỷ đồng phải bỏ trốn khỏi địa phương vì nợ nần mà Báo SGGP đã có bài phản ánh.
Ngân hàng cũng bế tắc trong thu hồi vốn
Theo thống kê, các ngân hàng thương mại cổ phần Quảng Nam hiện đã cho các ngư dân trên địa bàn tỉnh vay gần 700 tỷ đồng để đóng mới 63 tàu, trong đó có 37 tàu vỏ thép. Đến nay, nợ xấu tính toán được là khoảng 200 tỷ đồng và ngân hàng cũng bế tắc trong việc thu hồi vốn bảo toàn. Bà Vũ Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Nam, cho biết, hầu hết tàu vỏ thép được đóng mới theo Nghị định 67 nhưng đã hết hiệu lực từ tháng 12-2018 nên ngân hàng không có cơ sở nào để giải ngân cho các chủ tàu để đầu tư nâng cấp thêm.
“Nếu ngư dân vẫn bỏ tàu và không hợp tác trong vấn đề xử lý với tài sản mình khai thác không hiệu quả thì chúng tôi sẽ phải khởi kiện ngư dân ra tòa yêu cầu hoàn trả toàn bộ dư nợ vay”, bà Nga quả quyết.
Theo số liệu cập nhật mới đây nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Bình Định, đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại tại tỉnh này đã ký hợp đồng tín dụng với 62 khách hàng, trong đó có chủ 48 tàu vỏ thép, 6 tàu vỏ gỗ, 8 tàu composite với tổng số tiền cho vay là 921 tỷ đồng. Tuy nhiên, dư nợ cho vay hiện tại đã lên đến 869,5 tỷ đồng với 60 khách hàng. Trong đó có 46 chủ tàu dính phải nợ quá hạn số tiền lên trên 208 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 100 tỷ đồng, lãi là 107 tỷ đồng…
Theo ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bình Định, đối với sự cố 20 tàu vỏ thép hư hỏng, kém chất lượng ở Bình Định hồi năm 2017 có nhiều tàu đánh bắt đã có lãi, hoàn thành nghĩa vụ trả nợ và lãi cho ngân hàng. Tuy nhiên, còn rất nhiều tàu báo cáo đánh bắt kém hiệu quả, phát sinh nợ quá hạn rất lớn, khiến các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng theo ông Dương, trên thực tế, mục đích của nguồn vốn tín dụng trong Nghị định 67, không phải cho vay để thu hồi tài sản, bán để trả nợ hay khởi kiện mà là cho vay để phát huy tính hiệu quả, vừa có lợi cho người đi vay và phát huy được hiệu quả của vốn tín dụng. Trong trường hợp các ngư dân cứ làm ăn kém hiệu quả lại đòi trả tàu thì ngân hàng cũng phải gánh chịu nhiều thiệt hại.
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam, thừa nhận, tàu vỏ thép hoạt động không hiệu quả nên kiến nghị Chính phủ phải sửa đổi Nghị định 67 để làm thế nào đó có sự thông thoáng giữa chuyển nhượng của chủ tàu cũ và mới nhanh nhẹn, gọn gàng nhằm giải phóng nợ cho ngư dân để tiếp tục tìm hướng mưu sinh, vươn khơi bám biển.
Tiếp sức cho ngư dân vươn khơi
Ngày 25-10, đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước cùng với các lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Định đã trao tặng hàng trăm thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cho 100 ngư dân Bình Định trị giá hàng chục tỷ đồng.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết, ngành khai thác thủy hải sản xa bờ của Bình Định đứng “tốp” cả nước, với 6.118 tàu, trên 43.000 lao động. Trong những năm qua, nghề khai thác đánh bắt thủy sản xa bờ của Bình Định cũng như cả nước đang gặp nhiều khó khăn, nhất là việc khắc phục thẻ phạt của châu Âu vì các tàu cá không được trang bị đầy đủ thiết bị giám sát hành trình nên không thể truy xuất được nguồn gốc hải sản khai thác…