Người chọn lối khó

Để có gần 15 năm theo đuổi công việc bảo tồn động vật hoang dã, Trang Nguyễn phải vượt qua rất nhiều khó khăn. Đầu tiên chính là sự phản đối của gia đình khi hay tin cô muốn làm ngành bảo tồn. Bởi không nói ra cũng biết, việc “đi vào rừng” luôn tiềm ẩn nguy hiểm, nhất lại là với phụ nữ.

Ghi lại hành trình trải nghiệm

Trang Nguyễn tên thật là Nguyễn Thị Thu Trang, sinh năm 1990 tại Hà Nội. Bắt đầu tham gia các hoạt động về bảo tồn động vật hoang dã từ năm 16 tuổi, sau đó cô thành lập và điều hành tổ chức WildAct - tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã và môi trường tại Việt Nam từ năm 2013.

Ở tuổi 23, Trang đã nhận được học bổng toàn phần của Đại học Cambridge, ngành Bảo tồn động vật hoang dã. Tháng 11-2017, Trang có mặt trong top 5 hạng mục Cống hiến xã hội của giải thưởng The Women of Future khu vực Đông Nam Á. Năm 2018, Trang Nguyễn nhận giải Chiến binh xanh do Elles Vietnam bình chọn. Năm 2019, cô hoàn thành xuất sắc luận án tiến sĩ ngành Bảo tồn động vật hoang dã tại Anh.

Mới đây, Trang Nguyễn vừa ra mắt cuốn sách Chang hoang dã - Gấu (NXB Kim Đồng), được thực hiện theo thể loại artbook, là cuốn đầu tiên trong sê-ri tranh truyện Chang hoang dã sẽ được cô lần lượt ra mắt trong thời gian tới. Với hơn 120 bức tranh vẽ tay hoàn toàn bằng màu nước của họa sĩ Jeet Zdung, cuốn sách kể về hành trình của Chang - cô gái nhỏ bé nhưng có ước mơ cháy bỏng được bảo vệ sự sinh tồn cho những loài động vật hoang dã đang bị đẩy tới bờ vực tuyệt chủng. Trước đó, vào năm 2018, Trang ra mắt bút ký Trở về nơi hoang dã (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn), ghi lại chân thực hành trình 5 năm trải nghiệm, tham gia các hoạt động bảo tồn động vật hoang dã ở Nam Phi, Campuchia và Việt Nam.

Người chọn lối khó ảnh 1 Trang Nguyễn trong một chuyến vào rừng

Theo chia sẻ của Trang Nguyễn, mối nhân duyên với bảo tồn động vật hoang dã bắt đầu khi cô lên 8 tuổi, lúc còn là học sinh tiểu học. Ngoài chủ đề về phim ảnh, hoạt hình, Trang và người bạn của mình chiều nào đi qua căn nhà cùng xóm cũng tò mò đoán xem chiếc chuồng sắt hẹp và cao được dựng lên trong sân nhà này nhốt con gì. Âm thanh lạ, lúc gầm gừ, lúc rên rỉ càng thôi thúc sự hiếu kỳ của cô gái 8 tuổi. Một lần tình cờ, Trang và người bạn của mình biết được con vật bị nhốt trong lồng là một chú gấu.

“Chưa bao giờ tôi nhìn thấy chú gấu ở một cự ly gần đến vậy. Tôi thấy chú gấu nằm ngửa ra sân, 4 chân bị trói chặt. Hai người đàn ông lúi cúi gần đó, một người đeo găng tay cao su, người còn lại đang dò dẫm trên ngực chú gấu”, Trang chia sẻ.

Trong trí óc non nớt của cô bé 8 tuổi vẫn chưa thực sự hiểu họ làm những hành động đó với chú gấu để làm gì. Nhưng tiếng rên rỉ và gào thét trong đau đớn, hình ảnh chú gấu bị trói nằm giữa sân ngày hôm đó, cho đến tận bây giờ vẫn luôn hiện lên trong tâm trí Trang.

Lời hứa của cô bé 8 tuổi

Cho đến tận bây giờ, bố mẹ vẫn muốn Trang đổi ngành. “Khi đi rừng, sức khỏe của mình cũng không bằng các bạn nam. Tâm sinh lý của phụ nữ khi “đến tháng” cũng là một vấn đề. Có lần tôi ở trong rừng liên tục hơn 3 tháng, để giữ vệ sinh sạch sẽ là chuyện không dễ dàng”, Trang Nguyễn tâm sự.

Ngoài ra, việc thiếu đi những vật dụng cần thiết, đôi khi là những điều cơ bản trong cuộc sống hiện đại như toilet, nhà tắm, giường chiếu, tivi, Internet… cũng là điều khó khăn nếu sống lâu ở trong rừng vài tháng. Nhưng cũng nhờ những thiếu thốn đó mà Trang nhận thấy hạnh phúc thường đến từ những điều giản dị và con người chúng ta vẫn có thể sống mà không cần quá nhiều tiện nghi. Mặc dù vậy, theo Trang Nguyễn, là nữ giới cũng có lợi thế riêng, đôi khi sẽ được các bạn nam nhường nhịn, giúp đỡ. Đặc biệt, khi cần cải trang để tiếp cận tội phạm buôn bán sản phẩm từ động vật hoang dã, nữ giới thường ít bị nghi ngờ và lấy được nhiều thông tin hơn.

Khó khăn vẫn còn, nhưng công việc cũng đồng thời mang lại cho Trang Nguyễn những kỷ niệm khó quên. Trang kể, khi ở Madagascar, khi được đưa đến nơi làm nghiên cứu, cô phát hiện ra mình để quên một hộp bơ đậu phộng trên xe ô tô. Sau chuyến trở về, anh lái xe đưa hộp bơ đậu phộng này cho một người dân làng và nhờ họ đem hộp bơ quay trở lại cho Trang. Nhưng từ ngôi làng ấy đến chỗ cô phải đi qua 8 ngôi làng khác và sẽ mất khoảng 3 ngày đi bộ, nếu đi liên tục. Người đầu tiên được anh lái xe nhờ đã đem hộp bơ đậu phộng sang một ngôi làng khác, rồi nhờ người dân ở làng đó đem đến cho Trang. Cứ thế, hộp bơ đậu phộng được chuyền tay từ người này sang người kia, thế rồi sau gần một tháng thì hộp bơ ấy cũng đến được Trang, khi ở trong rừng.

Những kỷ niệm này chính là sợi dây kết nối Trang với công việc hiện tại. Cô chia sẻ: “Thực sự tôi rất cảm động, vì tất cả những người đã giúp hộp bơ đậu phộng ấy đến tay tôi không hề biết tôi là ai, họ cũng không biết rõ tôi ở đâu, là người như thế nào. Họ hoàn toàn có thể lấy hộp bơ ấy để ăn, hay thậm chí vứt nó đi. Nhưng họ đã rất tốt bụng, rất chân thật và đưa nó về với tôi”.

“Buổi tối ngày chú gấu bị hút mật, tôi đứng trên sân thượng nhà mình, lặng nhìn về phía căn nhà nuôi giữ chú gấu ấy, thầm xin lỗi chú gấu vì tôi đã không biết phải làm gì và không thể làm được gì. Lời hứa khi lớn lên nhất định sẽ không để con người hành hạ gấu hay bất cứ loài động vật nào theo tôi từ đêm đó”, Trang nhớ lại. Và đó là câu chuyện bắt đầu cho hành trình bảo vệ động vật hoang dã của cô gái bé nhỏ này.

Tin cùng chuyên mục