Người dân Việt Nam chi phí khoảng 120.000 tỷ đồng tiền thuốc chữa bệnh/năm

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, hàng năm chúng ta chi phí khoảng 120.000 tỷ đồng tiền thuốc, BHYT thanh toán chỉ khoảng 36-37%. Giải pháp để khắc phục tình trạng này là tăng tỷ lệ bao phủ BHYT (hiện là 90,7%) và phải tăng mệnh giá đóng BHYT...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Ảnh: VGP

Chiều 9-11, Quốc hội tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp toàn thể.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được dành hơn 20 phút để trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về vấn đề tự chủ đại học, một bộ phận người lao động về hưu có mức lương thấp; tình trạng người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) nhưng khi đi khám bệnh thì vẫn phải bỏ tiền mua thuốc; hiện tượng xuống cấp của đạo đức xã hội...

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) phản ánh các bệnh nhân chữa bằng BHYT nhưng vẫn phải ra hiệu thuốc mua theo đơn của bác sĩ điều trị. Trả lời về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đam xác nhận có tình trạng này. Nguyên nhân là do chính sách thanh toán của BHYT không phù hợp. Hiện nay, mệnh giá một người đóng trung bình BHYT mới đạt 1,1 triệu đồng/người/năm (so với các nước trong khu vực như Philippines, chúng ta chỉ bằng 1/3, so với Thái Lan chỉ bằng ¼).

Trong khi giá thuốc cao, dù Việt Nam sản xuất được nhiều thuốc nhưng hơn 90% nguyên liệu vẫn phải nhập từ nước ngoài nên giá thuốc phải theo mặt bằng quốc tế. Việt Nam đã cố gắng giảm giá thuốc rẻ hơn 10-15% so với các nước trong ASEAN, nhưng BHYT không thể thanh toán tất cả các loại thuốc. BHYT chỉ thanh toán những loại thuốc thông thường, còn những loại thuốc đắt tiền, thuốc phát minh (thường gọi là biệt dược gốc) thì rất nhiều loại thuốc người bệnh phải bỏ tiền túi.

Hiện nay, hàng năm chúng ta chi phí khoảng 120.000 tỷ đồng tiền thuốc, BHYT thanh toán chỉ khoảng 36-37%. Giải pháp để khắc phục tình trạng này theo Phó Thủ tướng là tăng tỷ lệ bao phủ BHYT (hiện là 90,7%) và phải tăng mệnh giá đóng BHYT. Đây là một quá trình dài hơi, liên tục, chúng ta phải tiếp tục cố gắng, vừa nâng cao thu nhập của người dân, vừa nâng tỷ lệ hỗ trợ đóng BHYT của nhà nước.

Người dân Việt Nam chi phí khoảng 120.000 tỷ đồng tiền thuốc chữa bệnh/năm ảnh 1  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn của ĐB tại phiên họp, chiều 9-11-2020. Ảnh: QUANG PHÚC

Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, có nguyên nhân từ sự tiêu cực, móc nối giữa bác sĩ điều trị và các trình dược viên, các công ty thuốc, nhà thuốc, kê đơn ra để ăn hoa hồng.

“Có hiện tượng đó nhưng không phải là tất cả, trong nhiều năm ngành y tế cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt để chấn chỉnh việc này. Để khắc phục chúng ta phải công khai, minh bạch việc khám chữa bệnh bằng ứng dụng công nghệ thông tin. Có hơn 20.000 loại thuốc và dịch vụ, hàng triệu lượt khám, chữa bệnh/năm thì không thể nào kiểm soát được nếu không tin học hóa. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế và những năm vừa rồi đã làm rất tốt”, Phó Thủ tướng cho biết.

Hiện nay, ngành y tế đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp 4, triển khai nền tảng khám chữa bệnh từ xa, từng bước công bố tất cả những thông tin liên quan đến quản lý ngành y tế… Tới đây Bộ Y tế sẽ kết nối toàn bộ hệ thống quản lý của các cơ sở y tế, nhà thuốc, làm hóa đơn điện tử, bệnh án điện tử, đẩy mạnh liên thông xét nghiệm để giảm lãng phí.

Người dân Việt Nam chi phí khoảng 120.000 tỷ đồng tiền thuốc chữa bệnh/năm ảnh 2  ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phát biểu tại phiên họp, chiều 9-11-2020. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) chất vấn về lương hưu cho những người nghỉ hưu trước năm 1993, vì hiện nay họ hưởng lương hưu rất thấp. Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây là vấn đề được nhiều ĐBQH, nhân dân, các cán bộ lão thành nêu nhiều năm. Vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã bàn về nội dung về lương hưu cho những người nghỉ hưu trước năm 1993.

Phó Thủ tướng cho biết, hiện có khoảng 600.000 người nghỉ hưu trước năm 1993; bên cạnh đó còn 400.000 người nghỉ hưu ở những thời điểm khác nhau nhưng lương rất thấp, dưới 3 triệu đồng/tháng, trong đó có những trường hợp như công nhân cao su chỉ 1 triệu đồng/tháng. Bộ LĐ-TB-XH đã tính toán phương án ngân sách nhà nước bù thêm (không phải do bảo hiểm xã hội chi trả). 

Theo đó, đã tính ra được trong 400.000 đối tượng cần bù thì với mức bù khoảng 500.000 đồng/người/tháng, sẽ mất khoảng 2.400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc này mới chỉ là tính  toán trong nội bộ. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ảnh hưởng đến nguồn thu, các cơ quan có thẩm quyền cấp trên đã quyết định lùi thời điểm thực hiện chính sách cải cách lương, chính sách người có công, kể cả việc áp dụng tiêu chuẩn nghèo mới đa chiều thay sang 1-7-2022 thay vì đầu năm 2021. Riêng đối với những người nghỉ hưu trước năm 1993, thu nhập thấp, Bộ LĐ-TB-XH sẽ báo cáo với Thủ tướng để nghiên cứu, xem xét.

Trong nội dung trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên), ĐB  Dương Minh Ánh (Hà Nội) về vấn đề tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập đến vấn đề của Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Phó Thủ tướng cho biết đã trao đổi thẳng thắn với Bộ Tư pháp nhiều lần và khi chưa rõ ràng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn luôn hết sức trách nhiệm, không hề lơ là nhưng phải rất cẩn trọng, đúng quy định. 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lập một đoàn công tác, có sự tham gia của Bộ Tư pháp, vào xem xét, phân tích, báo cáo về Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Tinh thần là Chính phủ rất công minh, ủng hộ tự chủ, tạo điều kiện cho trường phát triển.

Tin cùng chuyên mục