Người dân vùng sạt lở núi Cấm khắc phục hậu quả

Trên 100 đoàn viên, thanh niên từ các cơ sở đoàn tỉnh Bình Định được huy động để chung tay giúp đỡ người dân vùng sạt lở núi Cấm khắc phục nhà cửa, tài sản... sớm nối lại cuộc sống mới.

Sáng 19-11, trời nắng ráo, vết sạt trên đỉnh núi Cấm (thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, Bình Định) vẫn còn rỉ rả chảy tràn đất đá đỏ ngầu. Sau nhiều ngày sơ tán, hàng chục người dân thôn Chánh Thắng ở sát vách núi sạt lở trở về nhà dọn dẹp núi bùn sạt lở để khắc phục nhà cửa, tài sản, thóc lúa, gà vịt…

Bộ đội, dân quân và thanh niên giúp người dân vùng sạt lở núi Cấm dọn dẹp bùn đất trong sáng 19-11

Từ sáng 19-11, Tỉnh đoàn Bình Định đã huy động trên 100 đoàn viên, thanh niên từ các cơ sở đoàn công an tỉnh, các đại học, cao đẳng ở TP Quy Nhơn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh… đến để giúp người dân vùng sạt lở núi Cấm dọn dẹp hàng tấn bùn đất sạt lở.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Bình Định cho biết, vụ sạt lở núi Cấm tuy không gây thiệt hại về người song khối lượng bùn đất tràn vào khu dân cư, nhà dân thôn Chánh Thắng rất lớn.

Lực lượng đoàn viên, thanh niên, công an hỗ trợ người dân
Lãnh đạo Tỉnh đoàn Bình Định trao quà cho người dân khó khăn bị ảnh hưởng từ sạt lở núi Cấm

“Trong ngày hôm nay và ngày mai (20-11), chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì lực lượng đoàn viên, thanh niên hỗ trợ người dân dọn dẹp bùn đất, khắc phục nhà cửa, tài sản để sớm ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Thành Trung cho hay. Bên cạnh đó, đại diện Tỉnh đoàn Bình Định cũng có 3 phần quà trao cho người dân bị thiệt hại lớn sau vụ sạt lở núi và người già neo đơn…

Trước đó, đêm 14-11, khi trời mưa lớn, núi Cấm bắt đầu sạt lở nặng. Trong đêm khuya hàng chục hộ dân dắt díu nhau cả người già, trẻ nhỏ chạy đến trường tiểu học cách xa chân núi để trú ẩn. Đến sáng 15-11, đất đá trên núi lùa xuống phủ lấp hàng chục nhà dân.  

Nhà cửa, tài sản, thóc lúa, gà, vịt...của người dân thôn Chánh Thắng bị bùn đất vùi lấp, làm hư hại

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh cũng đã có chỉ đạo huyện Phù Cát khẩn trương thống kê các thiệt hại, khảo sát, đánh giá lại vụ sạt lở núi Cấm để có chính sách, cơ chế hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống…

Cần "nuôi" lại rừng cho núi Cấm

Theo phản ánh của một số cao niên ở thôn Chánh Thắng, trước kia núi Cấm còn rừng xanh phủ kín, được dân làng truyền đời gìn giữ, cấm không được chặt bỏ, xâm hại cây rừng. Tuy nhiên, từ khoảng hơn 1 thập kỷ trở lại đây, khi phong trào trồng keo tràm phát triển mạnh thì núi Cấm bắt đầu bị cạo từng khoảnh để trồng rừng keo.
Người dân vùng sạt lở núi Cấm khắc phục hậu quả ảnh 6 Vết sạt lở kéo dài hàng trăm mét chảy như thác từ đỉnh núi Cấm xuống khu vực dân cư thôn Chánh Thắng

Cứ thế, thảm rừng cây thấp, thực vật ngàn năm ở núi Cấm bị tàn phá thay thế là những khu rừng keo tràm thuần loài khô khốc. Về sau, nhiều người còn huy động máy móc đào cắt, xẻ núi mở đường lên đỉnh để thu hoạch, vận chuyển cây keo tràm. Núi Cấm bị xâm hại, tác động mạnh nên khi mưa lớn nước xói sâu, phá vỡ kết cấu đất đá dẫn đến sạt lở…

Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định nhìn nhận, đợt mưa lũ kèm theo sạt lở núi vừa qua ở địa phương đã báo hiệu những chuỗi thiên tai cực đoan trong những năm tới. Trước mắt, bên cạnh giải pháp ngắn hạn là khắc phục các sự cố sạt lở trong đó có núi Cấm, đã đến lúc chúng ta nên thực sự quan tâm vào việc phục hồi sinh thái rừng phòng hộ tại các đồi núi ven biển và khu vực miền núi. Trong đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc trồng rừng gỗ lớn bền vững, giữ được tán rừng để làm chức năng giữ lòng núi.

Tin cùng chuyên mục