Nhà văn Kiều Bích Hậu: Văn học Việt Nam vẫn còn là ẩn số với thế giới

Nhà văn Kiều Bích Hậu là một tên tuổi thuộc thế hệ 7X nổi bật của văn chương đương đại. Ngoài các tác phẩm đã xuất bản, chị còn gặt hái được khá nhiều giải thưởng danh giá như: Giải nhì cuộc thi truyện ngắn do Báo Văn nghệ tổ chức năm 2007; Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn do Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao tặng năm 2009… Mới đây, chị vừa ra mắt thêm tập truyện ngắn Mũi tên đỏ vút bay (NXB Dân Trí), đồng thời xuất bản tập thơ song ngữ Anh - Italy Ẩn số (The Unknown).
Nhà văn Kiều Bích Hậu
Nhà văn Kiều Bích Hậu

Văn chương xoa dịu nỗi đau tự kỷ

PHÓNG VIÊN: 12 truyện ngắn trong tập truyện vừa ra mắt đều tập trung vào khai thác đề tài tự kỷ. Đây dường như là chủ đích của chị?

Nhà văn KIỀU BÍCH HẬU: Đúng vậy. Tôi bắt đầu quan tâm đề tài tự kỷ trong 5 năm và có điều kiện thực tế nơi chăm sóc, giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ, biết những hoàn cảnh vô cùng thách thức của các gia đình có con tự kỷ, nên tôi hình thành ý định sáng tác đề tài này và bắt tay vào viết trong năm 2019.

Vì sao vấn đề tự kỷ lại là mối bận tâm của một nhà văn? Chị có một trải nghiệm cá nhân nào về vấn đề này không?

Khi tôi ngoài hai mươi tuổi, tôi có đến thăm gia đình một người quen, chứng kiến cảnh vợ chồng ấy có đứa con không bình thường. Hồi đó, tôi cũng như nhiều người, thậm chí là cả vợ chồng ấy, chưa hiểu khái niệm tự kỷ. Nỗi đau vượt cạn chưa qua, khi đứa con vừa lọt lòng, trên bàn sinh, tôi cũng như hầu hết các bà mẹ khác đã gắng nhỏm dậy nhìn xem con mình có đủ đầy chân tay, trên người có vết gì không, con có khóc được không…Nhưng các khuyết tật về thần kinh, ngay lúc đó làm sao người mẹ nào nhìn ra được?

Thấy cảnh gia đình có con tự kỷ, tôi thực sự ám ảnh về nỗi đau và thách thức triền miên không chỉ về kinh tế, mà còn về sức chịu đựng, năng lực yêu thương, bản lĩnh trong lựa chọn… và chứng kiến những đau đớn, dằn vặt tinh thần không cách gì chữa lành của họ. Tôi thấy rằng, nỗi đau nhân gian lạ lùng đó cần ngòi bút nhà văn khai tỏ, thấu thị và bằng cách nào đó, nâng đỡ tinh thần cho người trong cuộc.

Trong khi y học vẫn còn loay hoay trong việc tìm kiếm liệu pháp chữa trị chứng tự kỷ, văn chương liệu có thể làm gì hay có tác động như thế nào đến vấn đề này?

Văn chương, với sức mạnh riêng, có thể mở lối nơi y học tạm dừng chân. Nhà văn, với sức mạnh của tưởng tượng, dám tin vào những năng lực phi thường, có thể dự đoán và nhìn thấu tương lai, có thể giúp người trong cuộc nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, truyền động lực để họ tiếp tục dấn bước và vượt qua giới hạn của chính mình, cho con mình được sống một cuộc đời khác biệt mà hạnh phúc. Bên cạnh đó, văn chương có thể gần gũi, cảm thông và xoa dịu nỗi đau tự kỷ, thay đổi cái nhìn khắc nghiệt của xã hội đối với những người sinh ra đứa con tự kỷ.

Tin vào sức mạnh của văn chương như vậy, hẳn là văn chương có ý nghĩa rất nhiều với chị?

Văn chương là cách sống của tôi. Tôi yêu cách sống này và luôn biết ơn văn chương. Văn chương mở cho tôi một lối đi mà tôi liên tục hào hứng khám phá ngày qua ngày. Mỗi một điều xảy đến trong cuộc đời, mỗi một câu hỏi đều dẫn tới một phát hiện thú vị thể hiện trong trang viết. Giống như bạn đi tìm kho báu vậy và kho báu này lại vô cùng vô tận…

Góp sức “xuất khẩu” văn chương Việt

Mới đây, chị gây bất ngờ khi công bố tập thơ song ngữ Anh - Italia Ẩn số. Câu chuyện này đã được chị chuẩn bị như thế nào?

Hơn mười năm nay, tôi đã suy nghĩ đến việc làm thế nào để các nhà văn Việt Nam “xuất khẩu” tác phẩm của mình ra ngoài biên giới quốc gia. Tôi nghĩ, muốn thế giới hiểu được tinh thần riêng biệt của người Việt, không cách gì hay hơn là để họ đọc văn học Việt Nam. Nhìn theo hướng tích cực, tôi nghĩ, với bạn đọc thế giới, văn học Việt Nam hoàn toàn còn là một “ẩn số”. Họ hẳn tò mò về những gì họ chưa được biết. Với cách nhìn đó, khao khát đó, tôi muốn góp sức trong việc “xuất khẩu” văn chương Việt Nam. Và tôi âm thầm tìm kiếm phương pháp, chuẩn bị nội lực, cùng các điều kiện để khao khát đó có thể thành kế hoạch, thành hành động và cho kết quả.

Đa phần các tác giả khẳng định tên tuổi của mình trong nước, rồi sau đó mới giới thiệu thơ ra nước ngoài. Còn chị thì “đùng một cái” có hẳn một tập thơ được xuất bản tại Italy…

Tôi muốn mình hôm nay khác hôm qua. Tôi là người vốn không thích theo một phép tắc hay khuôn khổ đã thành lề thói trong cuộc sống bình thường. Thế cho nên, trong việc đưa tác phẩm thơ của mình ra với bạn đọc, tôi cũng không theo con đường quen thuộc.

Tôi không định dịch ngược Ẩn số để tiếp cận bạn đọc trong nước mà muốn dành riêng cho bạn đọc Italy nói riêng và châu Âu nói chung, bởi nó có màu sắc, hương vị Việt nhưng tinh thần lại đậm chất Âu. Với bạn đọc Việt, tôi có tác phẩm tiểu thuyết, được viết và xuất bản theo cách riêng mà tôi bắt tay thực hiện từ năm 2019: mỗi chương tiểu thuyết hoàn toàn là một truyện ngắn độc lập, có thể đứng riêng, được đọc riêng, nhưng khi ghép chung lại, chúng kết nối linh hoạt với nhau thành một tiểu thuyết. Tôi đã thử nghiệm cách này với 2 cuốn tiểu thuyết mới, đang xuất bản dần trên báo.

Vấn đề “xuất khẩu” văn chương Việt Nam ra thế giới được nói đến suốt nhiều năm nay nhưng vẫn như chưa có nhiều chuyển biến. Chị có quan tâm đến câu chuyện này không?

Như đã nói ở trên, văn học Việt Nam vẫn còn là một ẩn số với bạn đọc thế giới. Hầu hết là vì các nhà văn Việt Nam còn thiếu ngoại ngữ để tiếp xúc với thị trường quốc tế và còn dựa dẫm vào tổ chức nào đó tự đến với mình, tự giúp mình. Từ trải nghiệm cá nhân, tôi thấy rằng, mình phải tự thân vận động, các tổ chức chỉ cho mình cơ hội tiếp cận với các nguồn nước ngoài. Các việc còn lại, mình phải chủ động thực hiện, kiên trì, dám vượt lên cái cũ và thụ động của chính mình, không chờ đợi người khác làm cho mình điều mình muốn. Không nên hỏi ta có xứng đáng hay không. Khi ta chưa dấn thân thì mọi câu hỏi đó chỉ là suy đoán cản trở mình mà thôi.

Tin cùng chuyên mục