Nhân lên yêu thương từ bữa "mì Quảng 0 đồng"

“Cô/ chú ăn cái này không con lấy cho?”, “để con gửi thêm chai nước cam cho nghe?”, “mời cô/ chú, ăn trưa, chiều mới có sức làm việc” … là những lời quan tâm của các thành viên tại điểm phát mì Quảng 0 đồng tại số 39 đường Cách Mạng Tháng 8 (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Cứ tầm 10 giờ 30 phút vào mùng một và ngày rằm âm lịch hàng tháng, họ bắt đầu đón những vị khách đầu tiên.

Trao bữa trưa đến một người lao động giữa trưa nắng gắt. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Trao bữa trưa đến một người lao động giữa trưa nắng gắt. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Nhân lên yêu thương từ mì Quảng 0 đồng

Tiếp sức cho những người mưu sinh

Sau nửa ngày chạy xe công nghệ dưới thời tiết oi bức, ông Phạm Văn Hùng (63 tuổi, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) dừng chân tại một điểm phát mì Quảng 0 đồng. Trên chiếc bàn, những những hộp mì chạy đã được đóng gói ngăn nắp. Ông Hùng lẳng lặng chờ những người bạn trẻ phụ xếp hộp mì chay cùng gói nước lèo với chai nước cam vào chiếc túi bóng và cảm ơn trước khi rời đi.

IMG_3301.jpg
Điểm phát mì Quảng 0 đồng hoạt động vào ngày 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Sau dịch Covid-19, trở thành tài xế công nghệ là một cơ duyên đối với ông Hùng. Hàng ngày, cuốc xe đầu tiên của ông là chở con đến trường. Sau khi lo xong cho con, ông Hùng mới bắt đầu một ngày làm việc của mình. Mỗi ngày, ông rong ruổi qua các tuyến phố để mưu sinh dù trời mưa hay nắng gắt. Bởi vậy, có những bữa ăn như này, ông Hùng vừa mừng vừa cảm thấy ấm áp.

"Phải gồng gánh để nuôi 3 đứa tuổi ăn tuổi học trong khi vợ đang ốm nên tôi chẳng dám mua thức ăn ngon. Thỉnh thoảng, có ai đi phát cơm từ thiện thì tôi đến xin một phần, nhưng đâu phải ngày nào cũng có. Ở đây được ăn món ngon thế này, tôi cũng có động lực hơn từ giờ đến đêm", ông Hùng cười nói.

IMG_3312.JPG
Cận cảnh những suất mì quảng 0 đồng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Quán cơm chay nơi tuyến phố này không chỉ giúp những người Đà Nẵng khó khăn mà còn là nơi lui tới của nhiều phận người tứ xứ về đây mưu sinh. Bà Nguyễn Thị Bích (56 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) ra Đà Nẵng bán vé số dạo. Mỗi ngày đi bán rong ruổi, cứ chừng 11 giờ vào ngày rằm và mùng 1 âm lịch hàng tháng, bà và những người hành nghề vé số khu vực Hải Châu lại ghé điểm phát cơm này.

Phần cơm miễn phí giúp bà dằn bụng để tiếp tục bước chân chào mời những tấm vé số đến tận tối muộn. Ngồi bên lề đường nơi có bóng mát, cầm hộp mì chay nóng hổi, bà Bích nghẹn ngào: “Làm cả ngày, đi rã cả chân cũng chừng được hơn 100.000 đồng. Có được phần bữa trưa, bớt chừng 30.000 đồng là đỡ tiền dữ lắm!”.

Lan tỏa yêu thương

Cứ đến ngày rằm và mùng 1 âm lịch hàng tháng, nhiều thành viên “Đà Nẵng ấm áp tình người” có mặt thật sớm, cùng nhau chuẩn bị những phần mì Quảng dành tặng người khuyết tật, người già, trẻ em và người lao động nghèo. Mỗi người mỗi việc, người rửa rau, người cắt gọt củ quả, người nấu cơm, người sơ chế thực phẩm... tất cả đều chú tâm, làm thoăn thoắt để nấu kịp 150 suất trước 10 giờ 30 trưa.

z5420376858015_2addebee6c8f6d48631c6b2d2c5b8d55.jpg
Anh Nguyễn Phú Trung chở những suất mì Quảng đến nơi tập trung người mưu sinh để trao tận tay. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Anh Nguyễn Phú Trung (26 tuổi, trưởng nhóm) tâm sự, cũng chính cái tâm và hết mình với bà con mới thấy được tình cảm bà con dành cho mình. Trong quá trình hoạt động, anh từng chứng kiến nhiều hoàn cảnh đáng thương nhưng họ muốn góp chút của để điểm phát mì chay tiếp tục hoạt động.

“Nhiều cô chú bán vé số tuổi đã cao, tuy biết là cơm 0 đồng nhưng họ vẫn muốn quyên góp nơi góc bếp tờ 2 ngàn, 5 ngàn khiến ai nhìn cũng thấy xúc động”, anh Trung bộc bạch.

Là một thành viên thường xuyên, công việc của chị Lê Thị Kim Ngân (27 tuổi, trú đường Phạm Nhữ Tăng, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) là quản lý thu chi cũng như đi chợ khi điểm phát mì Quảng hoạt động. Từ số tiền quyên góp, chị Ngân lên thực đơn cùng mọi người bàn bạc đi chợ mua thực phẩm nấu đủ suất ăn.

Đề cập đến hoạt động này, theo chị Ngân, đây là thói quen từ khi còn nhỏ. Trước đây, mỗi khi có hoạt động từ thiện, mẹ thường dắt chị Ngân đi cùng. Lúc đó, chị đến xem hoặc được giúp mọi người từ những việc nhỏ nhất. Đến khi trở thành sinh viên, chị Ngân vận dụng những gì học được để phụ giúp mọi người.

IMG_3337.jpg
Chị Lê Thị Kim Ngân chuẩn bị những suất mì Quảng. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Với anh Trung, chị Ngân, họ là một mắt xích nhỏ kết nối những tấm lòng thơm thảo đến với những người khó khăn. Mỗi lần giúp đỡ được ai đó, họ đều cảm thấy hạnh phúc, thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn và có thêm động lực để tiếp tục trên hành trình làm thiện nguyện, lan tỏa yêu thương.

Tin cùng chuyên mục