Những liều ''vaccine ý thức''

Phòng chống dịch vẫn tiếp tục nhưng các hoạt động kinh tế, xã hội phải vận hành, trạng thái “bình thường mới” là điều nhiều người chờ đợi, nhất là các bạn trẻ vốn đã quen với nhịp sống năng động. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, hình thức làm việc trực tuyến cùng những liều “vaccine ý thức” được người trẻ ở TPHCM chú trọng cho sự trở lại.
Bạn trẻ sẵn sàng trở lại làm việc, học tập trong “bình thường mới” (ảnh chụp ở thời điểm dịch chưa bùng phát trong cộng đồng)
Bạn trẻ sẵn sàng trở lại làm việc, học tập trong “bình thường mới” (ảnh chụp ở thời điểm dịch chưa bùng phát trong cộng đồng)

Hành trang trở lại

Công ty vừa rục rịch thông báo trở lại “bình thường mới” vào tháng 10 với một số quy định khắt khe, Đặng Thị Thái An (27 tuổi, nhân viên quảng cáo, ngụ quận Gò Vấp) vội vàng mở màn hình nhóm chat với đồng nghiệp để bày cho nhau về hành trang đi làm tới đây. Nước khử khuẩn, khẩu trang, vài cái găng tay và kính chống giọt bắn được Thái An chuẩn bị sẵn vào các túi xách và ba lô thường mang đi làm.

Vừa lướt một ứng dụng trên điện thoại, Thái An kể: “Bao nhiêu đồ nghề đây chưa đủ đâu, còn phải có thêm app để khai báo y tế và xác nhận đã tiêm vaccine nữa. Trước khi công ty có thông báo là tôi chuẩn bị sẵn hết rồi, bây giờ tôi cũng cài thêm app ghi chú lịch trình làm việc, tiếp xúc trong một ngày. Vừa làm việc vừa tự bảo vệ sức khỏe cho mình, để rủi lỡ có tình huống không hay thì không quá hoang mang và không gây ảnh hưởng cho nhiều người xung quanh”.

Trong hành trang chuẩn bị trở lại làm việc, “vaccine ý thức” và 5K cùng các giải pháp công nghệ luôn song hành với những biện pháp phòng chống dịch khác. Hủy 2 vé du lịch phía Bắc vào tháng 12, cập nhật lại ứng dụng sức khỏe trên điện thoại và chuẩn bị thêm phần mềm nội bộ của công ty, Trịnh Thành Danh (30 tuổi, ngụ quận Tân Phú) chia sẻ: “Trong điều kiện này, tôi nghĩ mình chấp nhận mất tiền vé và tạm không đi du lịch năm nay là giải pháp tốt, vừa an toàn cho mình, vừa an toàn cho người thân. Nhiều nơi bắt đầu kế hoạch làm việc, công ty tôi cũng vậy, nhưng vẫn ưu tiên giải pháp làm việc trực tuyến cho một số bộ phận và thay đổi phần mềm hỗ trợ làm từ xa liên tục để nhân viên không gặp nhiều khó khăn, hệ thống không bị tấn công bảo mật”.

Công nghệ vừa là giải pháp hỗ trợ mùa dịch, vừa là xu hướng làm việc 4.0, việc kịp thời ứng dụng tiện ích các phần mềm giúp người trẻ chủ động hơn khi làm việc và tìm việc.

“Tôi cũng vừa thử nghiệm thêm 2 phần mềm cho công ty, để sắp tới sẽ triển khai song song, làm việc trực tiếp và nếu có tình huống phải nghỉ dịch tiếp thì các bộ phận làm online đều có phần mềm hỗ trợ tốt nhất. Gần 4 tháng nghỉ dịch vừa rồi, tôi đảm bảo việc công ty, nhưng vẫn kiếm được vài hợp đồng bên ngoài về cung cấp phần mềm hỗ trợ làm việc từ xa, xu thế bây giờ là vậy”, Thành Danh chia sẻ thêm.

Tự tin đối mặt và tìm giải pháp

Chuẩn bị những túi quà nhỏ gồm mì ăn liền, cà phê hòa tan, trà và đặt mua thêm bình đun nước để gửi vào công ty chia cho các phòng làm việc, chị Nguyễn Hoài Huê (33 tuổi, ngụ quận Tân Bình), cho biết: “Trong tháng 10 tới, công ty tôi quay lại “bình thường mới”, nhân viên đều đã được tiêm vaccine, khai báo y tế trong phần mềm nội bộ. Tôi chuẩn bị trà và cà phê để mỗi phòng làm việc nhân viên có nhu cầu sẽ pha ngay tại chỗ, tránh tụ tập quá đông trong phòng ăn của công ty”.

Chị Huê chia sẻ thêm: “Trong tình hình này, chuyện đi làm và đảm bảo an toàn là ưu tiên cao nhất, nên công ty lên kế hoạch chi khen thưởng để thay cho khoản tổ chức tiệc tùng và du lịch cho mọi người. Công ty cũng đưa ra quy định phạt, nếu bộ phận làm việc nào tập trung đông người không cần thiết. Tôi nghĩ, mình tìm giải pháp thay thế thích hợp thì mọi người đều vui vẻ làm việc hết mình thôi. Một năm trong công ty không tiệc tùng hay du lịch cũng không phải là vấn đề quá lớn”.

Những đợt dịch bùng phát trong cộng đồng, ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi, nhưng ở một góc nhìn khác, đây cũng là tác động đủ mạnh để người trẻ tập thích nghi với những biến động của cuộc sống và nhận ra nhiều giá trị nền tảng cho chính mình. Từ khi tốt nghiệp và đi làm, Trần Tuấn Hoàng (28 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) đều lựa chọn an toàn, không nhảy việc.

“Nhảy việc, tìm kiếm thêm cơ hội bên ngoài công ty, kể cả học thêm kỹ năng nâng cao chuyên môn, tôi đều không quan tâm. Những lần dịch trước, lương của tôi bị giảm không quá đáng kể, nhưng lần này thì khác, lương giảm gần một nửa, làm online mỗi người kiêm luôn 2-3 đầu việc, tôi áp lực kinh khủng. Càng áp lực thì càng không làm được việc gì, phải học cách giải quyết từng thứ một và muốn có thêm thu nhập phải tìm kiếm hợp đồng bên ngoài. Giờ thì tôi tự tin hẳn, nếu có rủi ro hay phải nghỉ dịch tiếp, tôi vẫn thích nghi được”, Tuấn Hoàng bày tỏ.

Ảnh hưởng của dịch là điều không tránh khỏi, nhưng bài học và kinh nghiệm đi qua những ngày nhiều biến động là do chính mỗi người quyết định. Bạn trẻ tự tin để trở lại và sẵn sàng đối mặt với những rủi ro cũng là một năng lực cần thiết để bắt đầu với “bình thường mới”… 

Tin cùng chuyên mục