Sự việc đầu tiên liên quan đến câu chuyện kiểm duyệt và gắn nhãn. Chính thức ra mắt khán giả từ ngày 7-12, Mặt trời con ở đâu là dự án phim hướng đến đối tượng là thiếu nhi và gia đình. Nhưng tại buổi ra mắt, đại diện nhà sản xuất (NSX) phải ngậm ngùi chia sẻ thông tin phim của mình bị gắn mác C13 (cấm trẻ em dưới 13 tuổi) mà không rõ lý do. NSX đã có công văn gửi Cục Điện ảnh với mong muốn có câu trả lời xác đáng.
Sự việc thứ hai, liên quan đến bộ phim hợp tác Việt - Hàn: Thiên đường với sự góp mặt của đạo diễn Park Hee Jun, đồng đạo diễn Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân; nam diễn viên Han Jae Suk, Lý Nhã Kỳ… Những tưởng đây sẽ là dự án hợp tác gây tiếng vang nhưng khi bộ phim đã hoàn thành 70% tiến độ, mọi chuyện lại “đứt gánh giữa đường”. Theo thông tin được phía Hàn Quốc gửi đi cũng như tâm thư của đạo diễn Park Hee Jun, Công ty TNHH phim Ivonk - đơn vị sản xuất Việt Nam do bà Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân là giám đốc, đã có những hành vi vi phạm hợp đồng. Vi phạm cụ thể được nêu ra là khả năng yếu kém cả về năng lực tài chính và khả năng quản lý vận hành dự án làm phim. Đó là lý do dẫn đến thiếu hụt tài chính và thất bại trong việc điều hành sản xuất khiến phim không còn cách nào khác là phải thông báo rã đoàn hôm 25-11. Trước khi đoàn Hàn Quốc có thể trở về nước, họ đã bị khách sạn nơi cư trú tịch thu hộ chiếu với lý do NSX Nguyễn Hoàng Hạnh Nhân nợ tiền khách sạn tại Đà Lạt gần 500 triệu đồng. Cho đến nay, phía Hàn Quốc đã ủy quyền cho công ty của Lý Nhã Kỳ và luật sư giải quyết sự việc, còn bà Hạnh Nhân vẫn giữ im lặng tuyệt đối.
Sự việc thứ 3 liên quan đến câu chuyện bản quyền. DID TV vừa có đơn khởi kiện Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) vì đã sao chép, lưu trữ và khai thác toàn bộ 76 tập của bộ phim Gạo nếp gạo tẻ dưới hình thức xem phim theo yêu cầu (VOD) trên hệ thống dịch vụ truyền hình trả tiền IPTV của FPT Telecom mà không có bất kỳ thỏa thuận nào. Mặc dù phía DID TV từng gửi công văn đến FPT Telecom nhưng không nhận được sự hợp tác cho đến khi cả hai bên làm việc trực tiếp. FPT Telecom đã ghi nhận hành vi vi phạm cùng thiệt hại từ hành vi vi phạm này, đồng thời đưa ra đề nghị khai thác bộ phim này với mức phí bản quyền là 250 triệu đồng. Sau khi DID TV có công văn đề nghị FPT Telecom trả phí bản quyền cho 76 tập phim đã khai thác, với số tiền hơn 9 tỷ đồng (120 triệu đồng/tập) mà không nhận được phản hồi, đơn khởi kiện đã được Tòa án nhân dân quận 3 thụ lý.
3 sự việc nói trên mặc dù tính chất khác nhau nhưng có một điểm chung là những vụ việc điển hình, bộc lộ sự thiếu chuyên nghiệp của điện ảnh Việt. Từ câu chuyện sản xuất, phát hành cho đến bản quyền phim Việt vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề. Một điều trùng hợp, trong cả 3 vụ việc, sự im lặng, chậm trễ là điều không thể lý giải.
Là người chịu trách nhiệm trực tiếp, từ khi bộ phim rã đoàn (ngày 25-11) NSX, đạo diễn Hạnh Nhân gần như trốn tránh và chưa một lần lên tiếng. Sự việc của Gạo nếp gạo tẻ trước khi đơn kiện được thụ lý, phía FPT Telecom cũng nhiều lần im lặng. Trong khi đó, với Mặt trời con ở đâu, ê kíp vẫn đang chờ câu trả lời từ Cục Điện ảnh mặc dù bộ phim chỉ còn những suất chiếu ít ỏi tại các cụm rạp. Trong cả ba trường hợp, sự im lặng hoặc chậm trễ trả lời dù với bất cứ lý do nào đặt ra dấu hỏi lớn.
Những thiệt hại từ sự thiếu chuyên nghiệp có thể được đong đếm bằng tiền. Đại diện DID TV cho biết vi phạm của FPT Telecom gây ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số người xem cũng như doanh thu quảng cáo cả trên truyền hình và online, giảm cơ hội khai thác bản quyền online… Với Thiên đường, Lý Nhã Kỳ chia sẻ cô đã bỏ ra 6 - 7 tỷ đồng để cứu đơn vị sản xuất, chưa bao gồm thù lao đóng phim. Nhiều thành phần trong đoàn phim của cả Hàn Quốc và Việt Nam hiện cũng lên tiếng họ chưa được thanh toán đầy đủ thù lao của mình. Trong khi đó, dù không phải là lý do duy nhất nhưng việc gắn nhãn C13 cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến doanh thu Mặt trời con ở đâu.
Nhưng sự thiệt hại đó còn là câu chuyện của niềm tin. Tổn thất cho đoàn phim là điều hiển nhiên nhưng có ai đảm bảo liệu nó không có ảnh hưởng nào đến hình ảnh của các nhà làm phim Việt nói chung, đặc biệt trong những dự án hợp tác sắp tới. Đó còn là niềm tin về tính công bằng, minh bạch trong việc thẩm định, gắn nhãn với các bộ phim. Là niềm tin về việc những sản phẩm được thực hiện rất tâm huyết với chi phí lớn có được trân trọng, bảo vệ về mặt bản quyền trong thời đại số hóa hiện nay.
Cả 3 câu chuyện nói trên đều đang chờ cái kết. Nhưng nó cũng là bài học thấm thía, không chỉ với những người trong cuộc mà bất cứ ai đang hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh tại Việt Nam. Những nỗi buồn kiểu này sẽ ít đi nếu chúng ta thật sự chuyên nghiệp và thị trường luôn minh bạch, công bằng.