Nông sản chinh phục thị trường tỷ USD

Theo Bộ Công thương, 9 tháng năm 2023, nông sản là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ổn định, chạm mốc hơn 19 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Với đà tăng trưởng này, nông sản được đánh giá đóng góp tích cực cho hồi phục của nền kinh tế.

Nhiều thị trường tiềm năng

Khi Ấn Độ ngưng xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước vào thời điểm tháng 7, đã tạo đà cho xuất khẩu gạo Việt Nam bứt phá. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt thời cơ này để không chỉ nâng cao sản lượng mà cả giá trị gạo xuất khẩu. “Gạo mang thương hiệu Việt Nam cũng nhờ vậy có thể gia nhập sâu, rộng hơn tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ghi nhận tại các hệ thống phân phối của Singapore, Nhật Bản, Australia và Hoa Kỳ cho thấy, giá mặt hàng gạo đóng gói mang thương hiệu Việt Nam dao động từ 1.600-1.800 USD/ tấn, cao hơn rất nhiều so với gạo xuất khẩu thô chỉ ở mức khoảng 500-600 USD/tấn”, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ. Kết quả là trong 9 tháng năm 2023, Bộ Công thương cho biết xuất khẩu gạo đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%.

Không chỉ gạo mà nhiều loại dược liệu quý như đẳng sâm, sâm Ngọc Linh, quế, hồi, tam thất hoa, sâm Lai Châu… cũng có giá trị xuất khẩu lớn. Đơn cử như sản phẩm quế, hồi có giá trị xuất khẩu tăng nhanh theo từng năm và ước đạt 300 triệu USD vào cuối năm nay. Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho biết, hiện quế, hồi Việt Nam đang được sử dụng khá phổ biến trong sản phẩm có giá trị gia tăng cao như tinh dầu, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, sản phẩm chức năng, cà phê… tại thị trường Hoa Kỳ. Kim ngạch xuất khẩu quế, hồi vào thị trường Hoa Kỳ đạt 50 triệu USD, chiếm 35% tổng thị phần nhập khẩu quế, hồi của nước này. Một thị trường cũng được đánh giá là tiềm năng khác, chính là thị trường xuất khẩu sản phẩm Halal (sản phẩm thực phẩm dựa trên tiêu chuẩn Hồi giáo).

Gạo mang thương hiệu Việt Nam được bán trực tiếp tại thị trường châu Âu

Gạo mang thương hiệu Việt Nam được bán trực tiếp tại thị trường châu Âu

Theo đánh giá, hiện quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt tới 7.000 tỷ USD và dự kiến tăng lên khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Thị trường sản phẩm Halal phân bổ rộng khắp trên thế giới với các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường. “Doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá có nhiều thuận lợi để khai thác thị trường Halal, do là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới”, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại đầu tư TPHCM, phân tích.

Hướng đến chế biến sâu

Tiềm năng thị trường đa dạng nhưng nông sản Việt phần lớn được xuất khẩu thô dưới dạng nguyên liệu. Theo ông Trần Phú Lữ, thực tế xuất khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp vào thị trường Halal mới chỉ là bước đầu khai phá. Mỗi năm, nước ta có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm. Do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động tăng tốc trong chuyển đổi sản xuất, tiếp cận tiêu chuẩn mới và không ngừng đổi mới sản phẩm để “bắt nhịp” xu hướng tiêu dùng đang thay đổi từng ngày trên thị trường.

Trong khi đó, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, cho biết, tại Ấn Độ sản phẩm quế, hồi chiếm 80% kim ngạch nhập khẩu của nước này. Tuy nhiên, do là xuất khẩu nguyên liệu thô nên thay vì có thể chi phối được thị trường thì ngược lại, bị đối tác nhập khẩu ép giá. Do vậy, nếu nguồn nông sản, dược liệu của Việt Nam được đầu tư chế biến thành sản phẩm tinh, mang thương hiệu Việt Nam thì không những gia tăng giá trị mà có khả năng chi phối thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp đã phát triển được thị trường thì phải giữ vững thị trường. Muốn làm được điều đó thì cần chú trọng đến yếu tố bí mật công nghệ chế biến sản phẩm.

Đại diện Công ty TNHH Hương Việt Xưa cho biết, trước đây rất nhiều sản phẩm của Việt Nam được Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc… nhập khẩu như điều rang muối, tinh dầu quế, ngũ vị hương, gia vị các loại…, thế nhưng đến nay các sản phẩm này gần như rất ít xuất sang thị trường các nước này do doanh nghiệp của nước họ đã tự sản xuất. Nhiều chuyên gia các nước sau thời gian qua học tập tại Việt Nam đã về đầu tư nhà máy sản xuất trong nước, thậm chí đầu tư tại Việt Nam để sản xuất và xuất khẩu ngược trở lại, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Việt.

“Sự dễ dãi trong chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp trong nước đã khiến chúng ta đánh mất thị phần của mình. Doanh nghiệp cần chủ động tái đầu tư công nghệ, nghiên cứu chế tạo sản phẩm mới, năng lực cạnh tranh trên thị trường để đảm bảo đầu ra sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, khuyến nghị.

Tin cùng chuyên mục