- PHÓNG VIÊN: Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo để tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp một số cơ quan nhà nước với một số cơ quan của Đảng, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; phân định rõ tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Ông có thể nói rõ hơn?
>> Ông PHAN TRUNG TUẤN: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã định hướng các nhiệm vụ, giải pháp để sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong đó có những vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, nghị quyết của Trung ương định hướng thực hiện theo lộ trình từ nay đến năm 2021 và từ năm 2021 đến năm 2030. Vì vậy, dự thảo luật lần này chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự bất cập, vướng mắc trong quy định của luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, đã có đủ cơ sở thực tiễn vững chắc.
Theo đó, trong dự thảo luật đề xuất sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm đẩy mạnh phân quyền, phân cấp hiệu quả giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; làm rõ các nội dung liên quan đến thực hiện cơ chế phân quyền, phân cấp, ủy quyền; sửa đổi, bổ sung một số vấn đề liên quan đến cơ cấu bên trong của chính quyền địa phương như đề xuất giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp, giảm số lượng phó chủ tịch HĐND cấp huyện; đề xuất quy định lãnh đạo của HĐND cấp tỉnh có 2 người hoạt động chuyên trách. Đồng thời, sửa đổi một số nội dung khác nhằm cụ thể hóa định hướng của Trung ương nêu trên như để phân định rõ hơn chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, hải đảo thì trong dự thảo luật đã đề xuất các quy định: ‘‘Chính quyền địa phương ở quận là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND quận và UBND quận, trừ trường hợp khác do Quốc hội quy định’’…; “Trường hợp đơn vị hành chính cấp huyện ở hải đảo chia thành các đơn vị hành chính cấp xã thì tại đơn vị hành chính cấp xã tổ chức cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND, trừ trường hợp khác do Quốc hội quy định”.
- Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, trong dự thảo mới nên trao quyền cho chủ tịch và các ủy viên UBND để bảo đảm sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của UBND?
Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành ngoài việc quy định các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND thì luật đã có các điều riêng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND ở từng đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã với vị trí, vai trò là người đứng đầu UBND từng cấp. Trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND giao thông qua các nghị quyết của HĐND và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của UBND đều được phân công cho các phó chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực và các ủy viên UBND khác thực hiện.
Trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, chủ tịch và các thành viên của UBND đều chịu sự giám sát quyền lực của HĐND, bên cạnh đó còn có sự giám sát của các đại biểu Quốc hội, cơ chế giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương và đặc biệt là vai trò giám sát của nhân dân và các cơ quan báo chí. Cơ chế như vậy đã bảo đảm tránh được sự lạm quyền của cá nhân, nhất là lãnh đạo UBND các cấp trong thực thi nhiệm vụ được giao.
- Để chính quyền địa phương hoạt động linh hoạt và hiệu quả hơn, ông suy nghĩ như thế nào về đề xuất mỗi tỉnh có 2 phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách, không phụ thuộc vào chủ tịch HĐND tỉnh?
Dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 có đề xuất 2 phương án quy định về số lượng phó chủ tịch HĐND, trong đó phương án 1 đề xuất giữ nguyên như quy định của luật hiện hành là HĐND cấp tỉnh có hai phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách. Phương án 2 đề xuất theo hướng trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có một phó chủ tịch HĐND. Trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh không hoạt động chuyên trách thì có 2 phó chủ tịch HĐND. Phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách. Qua thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội tán thành phương án 2. Việc quy định như vậy nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND với tính chất là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương. Đồng thời bảo đảm lãnh đạo của HĐND cấp tỉnh có 2 người hoạt động chuyên trách, tạo thuận lợi, linh hoạt trong bố trí nhân sự lãnh đạo của HĐND cấp tỉnh tùy thuộc vào điều kiện, đặc điểm của mỗi địa phương.
- Trong dự thảo quy định, xã loại 3 chỉ có một phó chủ tịch UBND xã, tuy nhiên, trong thực tế công việc ở cơ sở ngày càng nhiều, trong khi phó chủ tịch UBND xã phụ trách văn hóa - xã hội khó giải quyết tốt việc của phó chủ tịch phụ trách đất đai, xây dựng. Dự thảo mới cần xử lý vấn đề này như thế nào?
Việc quy định số lượng phó chủ tịch UBND các cấp nói chung, cấp xã nói riêng phải căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính. Theo quy định của luật hiện hành thì UBND cấp xã loại 2 và loại 3 chỉ có một phó chủ tịch UBND. Qua tổng kết quá trình thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, khảo sát thực tiễn và lấy ý kiến các địa phương cho thấy, khi thực hiện quy định của luật hiện hành về số lượng phó chủ tịch UBND các cấp theo phân loại đơn vị hành chính đã làm giảm đáng kể số lượng phó chủ tịch UBND cấp xã loại 2, 3 trong cả nước xuống chỉ còn một phó chủ tịch, tác động khá lớn đến hoạt động chỉ đạo điều hành và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã.
Chính phủ chỉ đề xuất tăng số lượng phó chủ tịch UBND cấp xã loại 2 có không quá 2 phó chủ tịch, không tăng số lượng phó chủ tịch UBND đối với cấp xã loại 3 nhằm đáp ứng yêu cầu kiện toàn cơ cấu tổ chức phù hợp, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động chỉ đạo điều hành của UBND cấp xã loại 2.
- Có một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi lần này chỉ là sửa đổi về nguyên tắc, trong khi cái cần là có quy định cụ thể hơn việc phân quyền, phân cấp, tránh sự chồng chéo, trùng lắp?
Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định mang tính nguyên tắc về phân quyền, phân cấp, ủy quyền. Trên cơ sở các quy định mang tính nguyên tắc đó của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các luật chuyên ngành khi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp sẽ quy định cụ thể về phân quyền, phân cấp, ủy quyền trong các lĩnh vực chuyên ngành. Vì vậy, các nội dung cụ thể về phân quyền, phân cấp, ủy quyền trong từng vấn đề, vụ việc cụ thể trong từng lĩnh vực phải do các luật chuyên ngành theo quy định.
Đồng thời, để bảo đảm hơn tính khả thi khi áp dụng các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về phân quyền, phân cấp, ủy quyền, khắc phục một số bất cập, vướng mắc từ thực tiễn triển khai thực hiện ở các địa phương trong 3 năm qua, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã đề xuất theo hướng quy định rõ khi thực hiện phân quyền, phân cấp phải gắn phân quyền, phân cấp với cơ chế kiểm tra, thanh tra; bảo đảm các điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác cho các địa phương; quy định cụ thể hơn các chủ thể được thực hiện ủy quyền; trách nhiệm của các cơ quan khi thực hiện ủy quyền và các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được ủy quyền. Đồng thời, bổ sung quy định cụ thể để tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm hiệu lực quản lý trong thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.