Là một người rất quan tâm đến việc đào tạo, sử dụng và phát triển đội ngũ trí thức, Giáo sư Phạm Phụ, thành viên Hội đồng Giáo dục quốc gia, đã có nhiều ý kiến với góc nhìn khá mới mẻ về vấn đề này. Xin giới thiệu đến bạn đọc những ý kiến trao đổi của ông dành cho Báo SGGP.
* Phóng viên: Thưa GS, vừa qua có nhiều trí thức rời bỏ đơn vị công. Môt số người cho rằng, đây là một hiện tượng bình thường, công – tư đều đóng góp cho đất nước. Ý kiến của GS?
* GS PHẠM PHỤ: Nếu xem đây là sự dịch chuyển lao động trong thị trường lao động thì rõ ràng là một hiện tượng bình thường. Nhưng trong trường hợp của ta, có thể đây là dấu hiệu cảnh báo của một loại “xung đột xã hội”.
* Vậy “xung đột” cụ thể ở đây là gì thưa giáo sư và nguyên nhân của nó?
* Có 2 loại xung đột, xung đột lợi ích (XĐLI) và xung đột giá trị (XĐGT). XĐLI ở đây là lương bổng, thu nhập thực tế…, có thể do mất công bằng ở cả 3 đỉnh của “tam giác công bằng lương bổng”. Ở đỉnh thứ nhất là mất công bằng so với đồng nghiệp. Hai trí thức cùng trình độ nhưng thu nhập có thể chênh nhau rất lớn. Ở đỉnh thứ hai là mất công bằng so với “mức độ hoàn thành nhiệm vụ”.
Và, ở đỉnh thứ ba là mất công bằng so với “thị trường bên ngoài” (Equity with external market). Có lẽ đây là đỉnh quan trọng nhất của XĐLI ở Việt Nam hiện nay. Còn XĐGT là do mất công bằng về thang giá trị, liên quan đến đánh giá, bồi dưỡng, đề bạt… và cả về môi trường làm việc, cung cách quản lý của người lãnh đạo…
* Thưa GS, có người dự báo rằng, nếu tình hình cứ tiếp diễn, rồi đây trong các đơn vị công sẽ chỉ còn lại những trí thức thuộc loại trung bình trở xuống?
* Thế giới ngày nay cho rằng, “xung đột xã hội” là tất yếu của cuộc sống. Và khi có xung đột thì có những cách giải tỏa xung đột để tiếp tục phát triển và giữ vững mối liên kết cộng đồng, tránh những căng thẳng không cần thiết. Việc các trí thức rời bỏ đơn vị công là một cách xử lý ôn hòa. Nhưng cần xem đây là một dấu hiệu cảnh báo tốt để nhà nước tiến hành đổi mới chính sách nhằm hiệu chỉnh lại cả thang lợi ích cũng như thang giá trị.
* Ý GS muốn nói, nhà nước cần xây dựng lại chính sách lương bổng ở các đơn vị công?
* Trước hết là như vậy. Nhưng với trí thức có lẽ vấn đề XĐGT, thang giá trị còn quan trọng hơn nhiều. Nhưng đây là chuyện rất khó khăn, cần nhiều thời gian.
* Sẽ khá khó khăn ngay cả chính sách lương bổng vì khu vực công hiện đang quá “cồng kềnh”?
* Cần phân biệt 2 loại đơn vị công. Thứ nhất là các cơ quan quản lý thực hiện chức năng “cai trị” của Nhà nước như hành chính, an ninh, thiết kế chính sách… Với khu vực này (hiện nay có lẽ chỉ khoảng trên 300.000 người, chưa đến 20% của tổng số “cán bộ nhà nước”) thiết nghĩ chưa là “cồng kềnh” mà có lẽ là chưa đúng chức năng và thiếu hiệu quả. Do vậy cần tuyển chọn cán bộ kỹ hơn song song với việc tăng lương cho họ.
Thứ hai là các đơn vị cung cấp dịch vụ công như giáo dục, y tế, cấp nước… thực hiện chức năng “làm” của Nhà nước (hiện nay có khoảng 1,5 triệu người). Với khu vực này có lẽ cần có một cuộc cải cách thực sự trong cả quan niệm, tổ chức và quản trị.
Trước hết, bên cạnh chính sách “xã hội hóa” nguồn lực hiện nay, có lẽ nhà nước nên nghiên cứu để áp dụng phương thức “thuê bên ngoài làm” (như ở các doanh nghiệp), song song với việc giao quyền tự chủ cho một “hội đồng quản trị” để cho họ có thể hoạt động gần như một doanh nghiệp về mặt tài chính (tuy phần lớn vẫn là “không vì lợi nhuận”). Từng bước, xem người lao động ở khu vực này không còn là “công chức” nữa.
* Xin cảm ơn GS!
KIM LIÊN (thực hiện)
Thông tin liên quan:
Vì sao nhiều trí thức rời khỏi đơn vị công?
* Bài 2: Những lo ngại sau cuộc chia tay
* Phản hồi loạt bài “Vì sao nhiều trí thức rời bỏ đơn vị công?”: Tâm và tầm của người lãnh đạo