Cơ hội đến với công chúng
“Phim ra rạp - suốt bao nhiêu năm qua vẫn là một gạch đầu dòng trong phần dự định tương lai và kế hoạch lâu dài, trong các bài luận, các cuộc phỏng vấn từ tập dượt đến chính thức, trở đi trở lại trong những lần trà đá vỉa hè… đến hôm nay đã thành sự thật”, một thành viên trong ê kip đã để lại lời chúc trên Facebook cá nhân đạo diễn Lê Mỹ Cường, khi thông tin bộ phim Đoạn trường vinh hoa có các suất chiếu giới hạn tại cụm rạp BHD Star.
Trước đó, sau các suất chiếu tại Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, đạo diễn Lê Mỹ Cường tin bộ phim xứng đáng có cơ hội để đến gần hơn với công chúng, sau khi nhận được những phản hồi tích cực trên mạng xã hội, cũng như thông tin báo chí. Như vậy, Đoạn trường vinh hoa là bộ phim tài liệu thứ 2 có cơ hội ra rạp trong năm 2020, sau Sky Tour Movie - phim tài liệu âm nhạc đầu tiên của Việt Nam.
Mang phim tài liệu ra rạp là giấc mơ của bất kỳ nhà làm phim độc lập nào. Từ cuối năm 2014, sau Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm), gần như đều đặn mỗi năm có 1 phim tài liệu ra rạp. Phải kể đến: Lửa Thiện Nhân (đạo diễn Đặng Hồng Giang - 2015), chùm phim ngắn Đáng sống (đạo diễn Đặng Hồng Giang - 2016), Đi tìm Phong (đạo diễn Trần Phương Thảo, Swann Dubus - 2018), Những cánh én đầu tiên (đạo diễn Lê Nguyên Bảo - 2019)…
Số phim ra rạp dù chưa đủ đếm hết đầu ngón tay, nhưng không phải là phiến diện khi nhìn nhận một bộ phận khán giả vẫn luôn sẵn sàng đón nhận thể loại này. Dẫn chứng cho luận điểm trên, những con số là câu trả lời thuyết phục. Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng thu hút khoảng 30.000 lượt xem. Phim Lửa Thiện Nhân có 15.000 lượt xem. Vào tháng 6 vừa qua, Sky Tour Movie dù đặc biệt hơn các phim tài liệu còn lại, nhưng chỉ trong 3 ngày đầu ra mắt đã đạt doanh thu 5,8 tỷ đồng và là phim tài liệu âm nhạc có doanh thu cao nhất tại Việt Nam. Sau 10 ngày công chiếu, bộ phim khép lại với tổng doanh thu 11,6 tỉ đồng.
“Tôi không trông chờ vào một tương lai gần hay xa, mà chỉ biết, ngay hôm nay hay bất kể lúc nào tôi có câu chuyện hay, có đủ điều kiện chuyển hóa thành phim, đủ tự tin đưa ra rạp là “chơi” thôi. Và tôi hy vọng các đồng nghiệp khác cũng thế”, đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ.
Cùng thay đổi
“Đối với những người theo đuổi và thực hiện dự án, cái quý giá của việc làm phim tài liệu là có thể đồng hành trong đời sống của nhân vật một cách tự nhiên, biến bản thân mình từ một người xa lạ trở thành một phần trong thế giới vốn kín đáo và bí mật vô cùng của họ…”, đồng tác giả dự án Đoạn trường vinh hoa Thanh Nguyễn chia sẻ. So với phim tài liệu truyền thống, tài liệu điện ảnh được đón nhận chính bởi tính chân thực, sống động và khiến khán giả cảm nhận, họ là một phần của câu chuyện.
Theo đạo diễn Đặng Hồng Giang, những năm gần đây đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực về phương pháp thể hiện cho phim tài liệu, nhất là với các nhà làm phim trẻ. Anh cho biết: “Thời nay, chúng ta có nhiều phương tiện tiếp cận hơn với những cách làm phim mới, hay và sinh động hơn. Mặc dù những tác phẩm thể hiện theo phương pháp, phong cách mới chưa nhiều trên truyền hình, đặc biệt là phim ra rạp còn hiếm hoi, song dù sao chúng ta cũng đã có hy vọng. Để qua đó, có những bước cải tiến dần cho cách làm phim khô khan truyền thống”.
Để có những thước phim giàu cảm xúc, các ê kíp đều trải qua quá trình khổ công. Đoạn trường vinh hoa được quay trong hơn 100 giờ, với thời gian 18 tháng đồng hành cùng nhân vật. Đạo diễn Mỹ Cường cho biết, anh mất 4 tháng đầu tiên để làm quen và thuyết phục nhân vật, biến mình trở thành một phần của gánh hát với mục tiêu “có thể kể lại câu chuyện về cuộc đời của họ gần nhất với cách họ đã sống”. Với Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã ở cùng và ghi hình nhân vật suốt 13 tháng. 3 năm là quãng thời gian đạo diễn Đặng Hồng Giang và bộ đôi Trần Phương Thảo - Swann Dubus thực hiện những tác phẩm của mình.
Một số phim tài liệu ra rạp đã được khán giả đón nhận, thậm chí có phim được đón nhận nhiệt tình, hào hứng từ tâm ý khán giả. Đó không phải sự thay đổi từ khán giả, mà trước hết, những nhà làm phim đã thay đổi chính mình từ tư duy đề tài đến cách làm phim, cách thức phát hành. “Tôi có niềm tin là khán giả thời nào cũng cởi mở đón nhận phim tài liệu khi ta biết chọn đề tài và biết cách làm cho tác phẩm hòa quyện vào cuộc sống”, đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ. Còn theo đạo diễn Mỹ Cường: “Cá nhân tôi nghĩ, không phải công chúng thay đổi và cởi mở, mà họ cần có thêm nhiều cơ hội để tiếp xúc, được xem, được lựa chọn, được biết có sự tồn tại của một phong cách, thể loại như vậy”.