Quảng Nam bứt phá từ "cú huých" quy hoạch - Bài 3: Dược liệu, sản phẩm mang thương hiệu quốc gia

Tỉnh Quảng Nam được Chính phủ định hướng trong quy hoạch chung xây dựng hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp mang tầm quốc gia. Trong đó, xây dựng và phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y – dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia. 

quy-hoach-quang-nam-duoc-lieu-1-2133-7101.jpg
Rừng quế sản xuất của người dân vùng sạt lở Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam)

Kho báu dược liệu

Theo đánh giá, ở Quảng Nam, ngành công nghiệp hóa dược rất có lợi thế phát triển do tỉnh có tiềm năng và lợi thế vượt trội với 832 loài dược liệu phân bổ từ dưới biển đến vùng núi. Đặc biệt, cây sâm Ngọc Linh đã được phê duyệt là sản phẩm quốc gia, là “quốc bảo” của Việt Nam. Thời gian qua, tỉnh đã chú trọng bảo tồn và phát triển các loài cây dược liệu quý như: Sâm Ngọc Linh, quế Trà My, đảng sâm, ba kích, nấm lim xanh…

quy-hoach-quang-nam-duoc-lieu-6-6129.jpg
Nhân viên Vườn Quốc gia Sông Thanh bảo vệ loài nấm lim xanh để nghiên cứu phát triển sinh kế cộng đồng người dân bản địa

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế đặc thù nhằm bảo tồn và phát triển cây dược liệu mang tính hiệu quả, bền vững. Điều này đã khuyến khích người dân chuyển đổi từ sản xuất nương rẫy sang trồng các loại cây dược liệu phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp và các nhóm hộ dân chuyên canh dược liệu tập trung. Và nhờ đó, đã hình thành được một số vùng cây dược liệu quy mô lớn.

Tỉnh Quảng Nam cũng chủ động đặt hàng, khuyến khích thực hiện các đề tài nghiên cứu liên quan phát triển các cây dược liệu để từ đó tạo tiền đề phát triển ứng dụng trong công tác tạo giống, trồng và chế biến cây dược liệu. Và không chỉ các huyện phía Tây của tỉnh Quảng Nam có nguồn dược liệu dồi dào, đa dạng mà các tỉnh vùng Tây Nguyên, Nam Lào. Đây là những địa phương, vùng có gắn kết thuận lợi với tỉnh Quảng Nam cũng có có nguồn nguyên liệu dược liệu dồi dào phục vụ ngành công nghiệp dược liệu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Việc đầu tư cây dược liệu làm thay đổi đời sống nhân dân địa phương không thể không nói đến huyện Nam Trà My nơi được xem là thủ phủ sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam. Đầu những năm 2000, đời sống ở huyện Nam Trà My thuộc dạng đặc biệt khó khăn, cuộc sống chủ yếu dựa vào nương rẫy. Nhưng sau đó, nhờ phát triển cây dược liệu mà nhiều xã vùng cao của huyện Nam Trà My trở nên khấm khá, số hộ nghèo giảm rõ rệt.

quy-hoach-quang-nam-duoc-lieu-4-2886.jpg
Những ngôi nhà bê tông kiên cố tiền tỷ giờ không phải chuyện hiếm ở xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) khi người dân bắt đầu giàu lên nhờ cây sâm Ngọc Linh

Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, đối với việc thực hiện định hướng phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu trong các năm qua phát triển khá toàn diện. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm rất nhanh, đời sống nhân dân được nâng cao. Họ mua sắm, trang bị, xây dựng nhà cửa rất khang trang.

“Giờ người dân không đốt phá các rẫy cũ mà giờ họ đã trồng rừng, dựng lại rừng, từ những rừng sản xuất đó sẽ sản xuất các loại dược liệu ngắn ngày để có kinh tế trồng sâm Ngọc Linh. Còn tuyệt đối người dân không tác động đến rừng tự nhiên, họ giữ rất kỹ để phát triển sâm Ngọc Linh. Và phải khẳng định để phát triển sâm Ngọc Linh thì phải giữ rừng, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu là cách tốt nhất để giữ rừng bền vững”, Phó Chủ tịch huyện Nam Trà My khẳng định.

Đầu tư chế biến sâu dược liệu

Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Nam đặt ra mục tiêu trong quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2030 tỉnh hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu, chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp mang tầm quốc gia. Đồng thời tỉnh Quảng Nam cũng đã xây dựng đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với cây sâm Ngọc Linh là cây chủ lực.

quy-hoach-quang-nam-duoc-lieu-3-4157.jpg
Một mô hình sản xuất sâm Ngọc Linh ở quy mô công nghiệp dưới tán rừng theo hướng dẫn GACP-WHO tại xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam)

Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương, giao Bộ Y tế và các địa phương nghiên cứu xây dựng. Hiện tỉnh Quảng Nam đã gửi dự thảo đề án, Bộ Y tế đang gửi các đơn vị địa phương lấy ý kiến tham gia để hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện việc trồng dược liệu đặc biệt gặp nhiều khó khăn do thủ tục pháp lý vướng ở Luật Lâm nghiệp. Có 1 điều đáng mừng là Luật Đất đai 2024 ban hành, đã mở đường để trồng dược liệu dưới tán rừng. Sắp tới, khi sửa đổi Luật Lâm nghiệp, Chính phủ sẽ trình Quốc hội để sửa đổi luật phù hợp Luật Đất đai theo hướng tạo cơ hội để mở rộng phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng, kể cả khu vực rừng tự nhiên.

1-183.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (bìa trái) kiểm tra cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô tại một đơn vị nuôi trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vào cuối năm 2022

“Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam sẽ có các cơ chế để cùng với các bộ, ngành đưa vào trong đề án Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu và cũng đã có trong quy hoạch tỉnh, tỉnh cùng với Bộ Y tế cùng các bộ ngành liên quan xây dựng và trình chính phủ. Khi đề án được phê duyệt thì có những cơ chế, những căn cứ thu hút các nhà đầu tư lớn đến để đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến sâu ở Quảng Nam và hình thành trung tâm chế biến công nghiệp dược liệu”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin.

Tin cùng chuyên mục