Ngày 11-10, trước diễn biến phức tạp của thời tiết trên địa bàn, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo khẩn về việc ứng phó với bão số 6 và tình hình thời tiết nguy hiểm.
Nhiều nhà dân bị ngập sâu trong nước
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu lãnh đạo các địa phương, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro đã được phê duyệt. Đặc biệt lưu ý các khu vực nguy hiểm ven sông suối, khu vực từng xảy ra sạt lở, các tuyến đường cầu cống, ngầm, tràn thấp hoặc kém an toàn. Đảm bảo tránh trú an toàn cho người dân và cảnh báo không ra ngoài khi không cần thiết.
Nhiều nhà dân nằm trên quốc lộ 14B thuộc huyện Đại Lộc bị ngập sâu
Nước lũ chia cắt tuyến quốc lộ 14B đi Đại Lộc
Theo ghi nhận của phóng viên, đến trưa 11-10, mưa rất to, tình trạng ngập lụt sâu diện rộng ở vùng trũng thấp thuộc địa bàn các huyện, thành phố như: Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An và Tam Kỳ; Nhiều tuyến đường bị chia cắt, nhiều địa phương bị cô lập trong nước lũ; Giao thông ách tắt nghiêm trọng; Quốc lộ 1 đoạn qua các xã Tam Đàn, Tam An (Phú Ninh) và Bình An (Thăng Bình) bị ngập nặng, các phương tiện bị cấm không qua lại.
Người dân các vùng trũng thấp phải di chuyển bằng thuyền
Quốc lộ 40B lên huyện Nam Trà My cũng như tuyến đường Hồ Chí Minh đi các huyện miền núi bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều tuyến đường đi các xã của các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang bị sạt lở nghiêm trọng, chính quyền địa phương đã và đang túc trực khắc phục nhằm đảm bảo giao thông cho người dân vùng cao.
Chính quyền địa phương lập rào chắn những nơi nguy hiểm nghiêm cấm các phương tiện qua lại
Ngoài ra, Quốc lộ 14B bị chia cắt nhiều đoạn, hiện tuyến giao thông đi huyện Đại Lộc, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang không thể lưu thông. Chính quyền địa phương đã lập rào chắn nghiêm cấm người và các phương tiện lưu thông qua lại nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Phố cổ Hội An bị ngập sâu
Nhiều nhà trong khu phố cổ Hội An ngập sâu, nước sông Hoài tràn lên các tuyến đường, chính quyền TP Hội An cũng đã di dời hàng nghìn hộ dân trên phố cổ đến nơi an toàn.
Hiện nước lũ vẫn tiếp tục lên, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã chuẩn bị ca nô, thuyền để ứng cứu, giúp đỡ người dân khi cần thiết.
Gió mạnh nhiều cây ngã đổ, một số nhà dân bị tốc mái
Sáng cùng ngày, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà cho biết, tàu cá QNa-90499 TS bị chìm khi đang neo đậu trên sông thuộc thôn Xuân Mỹ, xã Tam Hải (Núi Thành), 2 người trên tàu mất tích.
Thông tin ban đầu cho biết, khoảng 19 giờ ngày 10-10, ông Nguyễn Diệp (47 tuổi) cùng con trai là anh Nguyễn Phúc Đạo (23 tuổi) lên tàu QNa-90499 TS để trông coi. Hiện, chưa tìm thấy 2 cha con ông Diệp.
Chính quyền địa phương chuẩn bị ca nô để hỗ trợ người dân khi cần thiết
Trước đó, ngày 10-10, anh Lê Tự Quốc (26 tuổi, thôn Thanh Quýt 3, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn) cùng vợ là Lưu Thị Hoài Sương (23 tuổi) đến xã Duy Hòa (Duy Xuyên) dự đám cưới. Đến chiều cùng ngày cả 2 vợ chồng về lại nhà, khi đến cầu Giao Thủy, khu vực xã Đại Hòa (Đại Lộc) thì gặp nước lũ đang dâng cao. Mặc dù lực lượng chốt chặn can ngăn không cho qua nhưng vợ chồng anh Lê Tự Quốc gửi xe tại nhà dân và tự ý lội bộ qua khu vực nước đang chảy xiết, sau đó cả 2 bị nước cuốn trôi. Đến 7 giờ sáng 11-10, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể hai vợ chồng và bàn giao cho gia đình mai táng.
Hiện các thuỷ điện vẫn đang xả lũ, mực nước các con sông đang lên, một số tuyến đường trước nguy cơ bị chia cắt