Quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh

Quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh

(SGGPO).- Sáng nay, 18-5, Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã được Văn phòng Chính phủ, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với USAID Việt Nam tổ chức. TS Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, TS Nguyễn Đinh Cung, Viện trưởng CIEM và ông Michael Trueblood, Giám đốc Phòng Phát triển kinh tế và Quản trị nhà nước USAID Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ảnh VGP 

Nhấn mạnh điểm khác biệt của Nghị quyết 19/2016 so với các Nghị quyết 19/2015 và 19/2014 về cải thiện môi trường kinh doanh, TS Nguyễn Đình Cung cho biết: “Nghi quyết 19/2016 không chỉ được bổ sung nhiều nội dung mới mà còn có sự khác biệt về tổ chức thực hiện. Điều dễ nhận thấy trước tiên là sự đồng hành, theo dõi, đánh giá sát sao của Chính phủ. Cam kết của Thủ tướng đã “thấm” xuống bộ máy, từ Văn phòng Chính phủ đến tất cả các cơ quan, cấp ngành có liên quan với tinh thần theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm”.

TS Nguyễn Đình Cung nêu yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động tham gia tích cực hơn vào hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh; chủ động đề đạt, kiên quyết đòi hỏi bộ máy công quyền thay đổi, lấy người dân làm đối tượng phục vụ chứ không coi ngưới dân là đối tượng kiểm tra, kiểm soát.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) đã tóm tắt những kết quả đạt được thông qua việc triển khai các nghị quyết 19/2014 và 19/2015.

Theo đó, về chỉ tiêu khởi sự kinh doanh, Việt Nam đã cải thiện thứ hạng được 6 bậc; thời gian tiếp cận điện năng giảm được 56 ngày, cải thiện 27 bậc (dù thứ hạng vẫn thấp so với các nước ASEAN 4 gồm 4 nước Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines); nộp thuế và bảo hiểm xã hội giảm 102 giờ, tăng 4 bậc (song thứ hạng còn thấp)…

Đáng lưu ý, giao dịch thương mại qua biên giới giảm 1 bậc do những bất cập trong quản lý chuyên ngành, thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu dài hơn nhiều so với Singapore, Malaysia và Thái Lan. Cấp phép xây dựng kéo dài thêm tới 52 ngày, trong khi hầu hết các chỉ số khác đều giảm thời gian hoặc cải thiện thứ bậc. đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản cũng tăng thêm 1 thủ tục, tốn nhiều thời gian (57,5 ngày), nhiều hơn đáng kể so với các nước ASEAN 4 và còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu của Nghị quyết 2016 (14 ngày). Tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư chưa có sự cải thiện về điểm số và thứ bậc; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng chưa được rút ngắn (vẫn là 400 ngày), còn cách khá xa mục tiêu của Nghị quyết 19/2016 là 200 ngày. Việc giải quyết phá sản doanh nghiệp cũng ở thứ hạng thấp (123/189), thời gian chưa được rút ngắn (vẫn là 5 năm), nhiều hơn đáng kể so với các nước ASEAN 4 và cách xa mục tiêu của Nghị quyết 19/2016 (2 năm)…

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo cũng đã trình bày tại Hội nghị về mục tiêu và những nội dung cơ bản của Nghị quyết 19/2016; những nhiệm vụ, giải pháp và cách thức triển khai thực hiện đối với từng bộ, ngành cụ thể. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao 8 nhiệm vụ, Bộ Tài chính được giao 10 nhiệm vụ, Bộ Công Thương được giao 8 nhiệm vụ…

ANH PHƯƠNG

Quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh ảnh 2

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục