Rừng Phú Yên liên tục “chảy máu”

Những tháng qua, tỉnh Phú Yên liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ phá rừng nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn. Đặc biệt, các vụ phá rừng có tính chất phức tạp, liên quan trực tiếp đến nhiều cán bộ, đảng viên tại địa phương. Thậm chí, xảy ra trường hợp đơn vị đi kiểm tra rừng lại “để lọt” rừng bị tàn phá, rồi trở về báo cáo không đúng với thực tế. 
Cây bị chặt phá vô tội vạ ở rừng Phú Yên
Cây bị chặt phá vô tội vạ ở rừng Phú Yên

Phá rừng hàng loạt

Mới đây, thông tin với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết, UBND huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên) vừa có báo cáo chính thức về tình hình lấn chiếm, phát dọn đất rừng và rừng phòng hộ ở địa bàn xã Phú Mỡ (Đồng Xuân). Bước đầu, đơn vị chức năng xác định các vụ lấn chiếm, phá rừng diễn ra trong vòng 1 tháng (tháng 7 đến 8-2020) với sự tham gia của trên 40 người, trong đó, có 13 cán bộ đảng viên tại nhiều đơn vị trong xã Phú Mỡ trực tiếp tham gia phát dọn, lấn chiếm đất rừng.

Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, hàng chục người ở xã Phú Mỡ đã đồng loạt đổ xô đến các tiểu khu 59, 67, 72, 73, 74, 75 thuộc sơn phận của xã Phú Mỡ để phát dọn, đốt phá, lấn chiếm rừng. Qua kiểm tra, đo đạc thực địa, đơn vị chức năng xác định có 53,64ha rừng bị lấn chiếm, tàn phá. Trong đó, có 11,48ha rừng phòng hộ, còn lại thuộc rừng lá thấp, cây gỗ tái sinh và rừng sản xuất.

Theo ghi nhận tại hiện trường, các đối tượng phá rừng có quy mô, với kiểu phá sạch, đốt sạch để lấy đất trồng rừng sản xuất. Nhiều vùng rừng, cây gỗ đường kính từ 10 đến 20cm, thậm chí 30cm bị cắt hạ, đốt cháy hàng loạt; rừng đang tái sinh cây tự nhiên cũng bị các đối tượng phát dọn, đốt trắng khoanh thành từng khoảnh với diện tích khá rộng để trồng keo tràm. 

Liên quan đến vụ phá rừng tại vùng giáp ranh huyện Tây Hòa và Sông Hinh (Phú Yên) xảy ra hồi tháng 5-2020 mà Báo SGGP đã phản ánh, hiện vụ phá rừng đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên khởi tố vụ án, khởi tố và thi hành lệnh bắt tạm giam một số đối tượng liên quan. Tuy nhiên, quá trình mở rộng điều tra và thu thập từ lời khai của các bị can, cảnh sát phát hiện quy mô rừng bị tàn phá tại thực địa lớn hơn rất nhiều, so với báo cáo trước đó của Sở NN-PTNT (báo cáo số: 232/BC-SNN ngày 11-5-2020). Cụ thể, CSĐT Công an tỉnh Phú Yên phát hiện một khu rừng khác bị phá với quy mô lớn hơn tại sơn phận xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa). Tại hiện trường, lâm tặc tự mở một đường lớn khoảng 3m, chiều dài 1km để vào rừng đốn hạ 195 cây gỗ lớn. 

Việc này, ông Trịnh Lâm Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây, thừa nhận có thiếu sót trong việc kiểm đếm, thống kê rừng bị tàn phá. “Sau khi bị bắt, các đối tượng phá rừng khai nhận thêm thì địa phương mới phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra rừng. Thực tế cho thấy, quy mô phá rừng tương đối lớn, số lượng cây rừng bị cưa hạ là trên 200 cây”, ông Hải nói.

Không đủ sức giữ rừng

Phú Mỡ là một xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Xuân. Đây là xã có 100% dân số đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Không phải mới đây, mà từ trước năm 2015, Phú Mỡ đã xảy ra phá rừng hàng loạt, tổn thất trên 110ha rừng, có nhiều cán bộ, đảng viên ở xã này bị kỷ luật, khởi tố. Tuy nhiên, trải qua nhiều năm, các ngành chức năng vẫn chưa thể đưa ra giải pháp căn cơ nên rừng vẫn tiếp tục “chảy máu” hàng loạt.

Làm việc với báo chí, ông La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ thừa nhận về thực trạng rối rắm, mù mịt trong quản lý rừng và đất rừng trong nhiều năm tại địa phương. Trong đó, lằn ranh giữa rừng phòng hộ, rừng tái sinh, rừng sản xuất ở Phú Mỡ vẫn chưa được phân định rõ ràng. Còn nữa, với 1 xã như Phú Mỡ, song nhiều năm qua, Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân vẫn bàn giao đến 21 tiểu khu rừng với diện tích khoảng 15.000ha (chủ yếu rừng phòng hộ) khiến xã này không đủ sức để giữ rừng.

Tương tự, ông Mai Ne, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tây Hòa, cho biết, diện tích rừng rộng lại tiếp giáp giữa nhiều địa phương nên công tác quản lý không được chặt chẽ. Đối với lực lượng giữ rừng ở cơ sở và các xã thì quá mỏng nên khi xảy ra phá rừng, việc kiểm tra còn thiếu sót. 

Trao đổi với PV Báo SGGP liên quan đến tình trạng tái lấn chiếm, phá rừng ở Phú Mỡ, ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, mấu chốt của vấn đề là chưa thể xây dựng được phương án giao đất rừng cho người dân. Ngoài ra, việc chuyển đổi 3 loại rừng ở các địa phương phía Tây tỉnh Phú Yên vẫn chưa được thực hiện. Còn nữa, hiện các địa phương vẫn không có tiền để đo địa chính hiện trạng, ranh giới rừng để làm phương án giao đất rừng cho dân.

Tin cùng chuyên mục