Sách hè cho thiếu nhi: Khẳng định vị thế sân nhà

Sách nội thua trên sân nhà, sách ngoại lấn lướt sách nội… là những cụm từ mà người làm sách cho thiếu nhi vẫn thường nghe những năm trước. Tuy nhiên, chính điều này đã “kích thích” sách nội, như một lời thách thức với các nhà văn và những người làm sách cho thiếu nhi trong mùa sách năm nay.
Bạn đọc thỏa thích lựa chọn sách tại Đường sách TPHCM
Bạn đọc thỏa thích lựa chọn sách tại Đường sách TPHCM

Cuộc đổ bộ của “nhà Kim”

Mùa sách hè năm nay diễn ra vào đúng dịp Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng kỷ niệm 65 năm ngày thành lập. Các tác phẩm được lựa chọn giới thiệu lần này gồm cả sách mới lẫn tái bản được chọn lọc và đầu tư mạnh về khâu mỹ thuật. Nhờ đó, độc giả sẽ được gặp lại những tác phẩm văn thơ đã gắn bó với tuổi thơ của mình trong một diện mạo mới, cùng những tác phẩm đặc sắc lần đầu ra mắt độc giả. 

Hai ấn phẩm đặc biệt 65 truyện ngắn hay dành cho thiếu nhi và 65 bài thơ hay dành cho thiếu nhi do nhà văn Trần Đức Tiến và nhà thơ Cao Xuân Sơn tuyển chọn, giúp độc giả điểm lại những dấu ấn của nền văn học thiếu nhi Việt Nam suốt hơn 6 thập kỷ qua.

Những cuốn sách về văn hóa, địa lý, phong tục Việt Nam như Kể chuyện những dòng sông Việt Nam, Kể chuyện những ngọn núi Việt Nam, Đất nước gấm hoa, Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương giúp bạn đọc thêm hiểu, thêm yêu đất nước giàu truyền thống, đậm đà bản sắc. Những cuốn sách khoa học, kiến thức thú vị và truyền cảm hứng như: Chang hoang dã - Voi, Sự hình thành trái đất, Những bài diễn văn thay đổi thế giới từ năm 1945 đến nay, Một nửa của thế giới - 21 dấu ấn truyền cảm hứng... là những ấn phẩm dành cho mọi đối tượng bạn đọc. 

NXB Tổng hợp TPHCM mang đến tác phẩm Nuốt hạt mọc cây của tác giả Lam Linh, đưa người đọc về những năm tháng thời bao cấp, trong một xóm nhỏ ở Hà Nội. Tại đó, rất nhiều câu chuyện lẫn hồi ức nghèo khó nhưng cũng đầy yêu thương mà có lẽ nhiều người vẫn chưa quên như đặt gạch chờ nước, tem phiếu, chương trình Những bông hoa nhỏ, rạp chiếu bóng…

Trẻ em đọc sách trong một nhà sách ở TPHCM.  Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trong khi đó, Nguyễn Khắc Cường, cây bút được nhiều bạn đọc tuổi mới lớn yêu thích, gắn liền với Bút nhóm Vòm Me Xanh, bất ngờ tung ra truyện dài Toni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch (NXB Trẻ). Tác phẩm thuộc thể loại đồng thoại, viết về con mèo tên là Toni, đến từ nước Nga, vì lý do đặc biệt nên phải sống ở TPHCM. 

Từ quan sát cá nhân, TS Nguyễn Thụy Anh cho rằng, mùa hè năm nay thị trường sách thiếu nhi sẽ bùng nổ với rất nhiều đầu sách cũng như các hình thức ra sách khác nhau.

Nhiều tác giả cùng tham gia

Một trong những tín hiệu dễ nhận thấy thời gian gần đây là sách nội đang dần lấy được vị thế trên thị trường xuất bản. Bằng chứng là rất nhiều tác phẩm hay ra đời, được chăm chút về hình thức mà dễ nhận thấy nhất ở mảng sách tranh, thu hút nhiều tác giả tham gia.

Đang thành công với thể loại tản văn và truyện ngắn dành cho thiếu nhi, gần đây, nhà văn Trương Huỳnh Như Trân theo đuổi thêm thể loại sách tranh. Sau Chuyện ở rừng Vi Vu 1, mới đây chị vừa ra mắt Chuyện ở rừng Vi Vu 2 với 5 tập khác nhau.

“Tôi nhận thấy với lứa tuổi mầm non, sách tranh là thể loại tiếp cận các bé nhanh và hiệu quả nhất. Lứa tuổi này cần sự thu hút ban đầu để có thể làm quen. Màu sắc sinh động, tranh vẽ đáng yêu đảm nhận tốt phần việc này”, nhà văn Như Trân chia sẻ. Cùng với đó, sự tham gia đông đảo từ các tác giả trong nước cũng tạo ra luồng sinh khí mới cho thị trường sách thiếu nhi trong nước. Nhà văn Trương Huỳnh Như Trân bày tỏ: “Đây là một tín hiệu vui. Sự đồng cảm và chung tay của các nhà làm sách là một trợ lực tinh thần cho tác giả, khiến chúng tôi không cảm thấy đang ở bên lề sân chơi văn chương khi chọn viết cho thiếu nhi”. 

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thụy Anh cũng cho rằng: “Trước đây, nhiều người cho rằng đội ngũ viết cho thiếu nhi càng ngày càng mỏng và không có những tác giả mới chú tâm với văn học thiếu nhi so với những người đi trước. Tuy nhiên, tôi thấy đã có một số người có xu hướng dành nhiều tâm huyết hơn cho mảng thiếu nhi như Văn Thành Lê, Bùi Tiểu Quyên, Dương Hằng, Vũ Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Kim Hòa…”. 

Những giải thưởng dành cho sách thiếu nhi gần đây như giải Dế Mèn, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam hay năm ngoái, giải thưởng Sách Quốc gia đã trao giải A cho sách thiếu nhi cũng tạo không khí khích lệ mới mẻ với các tác giả thiếu nhi.

Là người làm báo cho thiếu nhi lâu năm, nhà báo Nguyễn Khắc Cường cho rằng thị trường sách thiếu nhi chưa có sự cân đối giữa các lứa tuổi. Sách dành cho lứa tuổi mầm non đến tiểu học khá phong phú nhưng đến lứa tuổi lớn hơn một chút, khoảng chừng 12-15 tuổi lại ít. Lứa tuổi lớn hơn nữa thì lại nhiều. “Muốn thực sự có sách hay, nuôi dưỡng phong trào viết sách cho thiếu nhi, Nhà nước nên có sự đầu tư dài hơi. Có thể đầu tư bằng giải thưởng hay nguồn kinh phí dành cho tác giả, cũng có thể bằng đầu ra cho các đơn vị xuất bản”, anh Nguyễn Khắc Cường nói thêm.

“Tôi vẫn mong những người làm sách lưu ý cân đối giữa sách kỹ năng và sách văn học. Với các bạn nhỏ, câu chuyện và câu chữ phù hợp được cân nhắc, để tạo được một phông văn hóa và phông cảm xúc cho các em”, TS Nguyễn Thụy Anh cho biết.

Tin cùng chuyên mục