Hạnh phúc khi có thể sẻ chia
90 bạn trẻ của nhóm thiện nguyện Bụi kết nối (TPHCM) cùng các thầy cô Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã không quản ngại đường xa, đến xã Phan Sơn (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) thăm, tặng quà, tổ chức các chương trình vui chơi cho các em nhỏ và khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo dân tộc Raglai. Các thành viên của nhóm là những bạn trẻ năng động, nhiệt huyết, đến với đồng bào Raglai không chỉ nhằm mang đến nụ cười chia sẻ, mà còn với thiện chí cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Để có thể tổ chức thực hiện chương trình ý nghĩa này, nhóm đã phân công các thành viên đi khảo sát, làm việc với chính quyền địa phương và vận động các nhà hảo tâm ủng hộ, đồng thời tự bán hàng gây quỹ vào những ngày nghỉ cuối tuần suốt trong 3 tháng trước đó.
Tại xã Phan Sơn, nhóm đã trao tặng quà cho 475 em nhỏ và 120 hộ dân nghèo (trị giá 500.000 đồng/phần); tổ chức nhiều hoạt động vui chơi hào hứng, giúp các em nhỏ có một ngày vui, và cùng nhau dọn vệ sinh môi trường, tổ chức tuyên truyền cách phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, khám sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho hơn 400 người.
Các bạn trẻ Hội Đắk Lắk tại TPHCM (tập hợp những người quê Đắk Lắk vào TPHCM học tập, sinh sống) cũng quan tâm hướng đến đồng bào dân tộc thiểu số ở quê nhà bằng nhiều hoạt động thiện nguyện. Mới đây, các bạn đã cùng với nhóm Sống an nhiên và các bác sĩ Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai về với buôn làng Vụ Bổn (huyện Krông Pắk) tặng quà, tổ chức các chương trình vui chơi cho các em nhỏ và khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo dân tộc thiểu số H’Mông ở địa phương.
Ở Vụ Bổn, đất đai cằn cỗi, chỉ trồng được khoai mì, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống đồng bào H’Mông rất khó khăn. Nhiều người không có đất canh tác, chủ yếu đi làm thuê, làm mướn sống qua ngày. Các em nhỏ thiếu thốn về mọi mặt. Hiểu hoàn cảnh đồng bào như vậy nên các bạn trẻ quê Đắk Lắk tại TPHCM rất tâm huyết với việc tổ chức chương trình từ thiện xã hội ở đây. Nhóm đã mất 2 tháng để chuẩn bị, từ việc khảo sát, xin giấy phép của chính quyền địa phương, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ. Những ngày cuối tuần các thành viên trong nhóm còn cùng nhau lượm ve chai, bán đồ cũ… để gây quỹ. Để đến được Vụ Bổn, các bạn phải mất 10 giờ đi đường, băng qua nhiều đoạn đường sỏi đá gập ghềnh, có những đoạn đường phải đi bộ mới vượt qua được.
Tại Vụ Bổn, các bạn đã trao tặng 285 phần quà cho hộ nghèo (250.000 đồng/phần), tặng 395 phần quà cho học sinh nghèo (200.000 đồng/phần), tổ chức cho các em nhỏ tham gia các trò chơi bổ ích, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí, cắt tóc, giao lưu văn nghệ với đồng bào ở đây.
Hoạt động ý nghĩa
Khi đón các bạn trẻ nhóm Bụi kết nối từ TPHCM về Phan Sơn, anh K’Bảy, Chủ tịch UBND xã Phan Sơn, cho biết: “100% cư dân ở đây là người dân tộc Raglai, hiện nay đời sống còn bấp bênh, do thu nhập chủ yếu dựa vào nương rẫy, trình độ dân trí còn thấp. Khi bệnh hoặc ốm đau, người dân chỉ mời thầy cúng chứ không đi khám bệnh ở các cơ sở y tế. Do vậy, các hoạt động từ thiện xã hội, chăm sóc sức khỏe như thế này rất có ý nghĩa đối với cuộc sống người dân địa phương”. Anh La Văn Giang, Bí thư Xã đoàn xã Vụ Bổn, cũng cảm kích chia sẻ: “Cảm ơn các bạn trẻ đã không ngại đường sá xa xôi đến với dân làng bằng tấm tình thân ái, chân thành sẻ chia, giúp khám chữa bệnh cho người nghèo”.
Anh Lường Văn Thắng (công tác tại Công an huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, thành viên nhóm Bụi kết nối) tâm sự: “Mang đến cho trẻ em những tiếng cười rộn rã, trao những phần quà nhỏ giúp người nghèo, tôi cũng thấy vui vì đó là những việc có ý nghĩa, nên làm”. Còn anh Võ Ngọc Hòa thì tâm đắc với việc vừa làm từ thiện xã hội với tình cảm nhân ái, vừa có thể góp phần vun đắp tình dân tộc, nghĩa đồng bào.
Nói về hoạt động hướng về nguồn cội của nhóm bạn trẻ quê Đắk Lắk tại TPHCM, anh Đỗ Duy Tuyến chia sẻ: “Nhiều nơi người dân còn nhiều khó khăn quá. Mỗi phần quà tuy nhỏ, nhưng đó là tấm lòng của các bạn trẻ đam mê hoạt động thiện nguyện”.