Siêu thị “nội” mất dần năng lực cạnh tranh

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu thương mại, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, với quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020. Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. 
Thấy mà lo!
Tuy nhiên, miếng bánh thị phần bán lẻ, đặc biệt là kênh phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) đang dần rơi vào tay các doanh nghiệp (DN) nước ngoài, trong đó họ đã nắm tới 53% doanh thu.
Dự báo của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor (Anh), đến năm 2020, nhà bán lẻ nước ngoài sẽ chiếm lĩnh khoảng 68,3% thị phần bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. 
Tổng Giám đốc một DN sản xuất thực phẩm hàng đầu Việt Nam nhận xét, Saigon Co.op nói riêng và các DN bán lẻ trong nước nói chung đang mất dần sức cạnh tranh. Siêu thị của các DN Việt đang tỏ ra thất thế trước hệ thống siêu thị có vốn ngoại như Aeon, E-mart, Lotte Mart, Mega Market…
Để chứng minh điều này, vị tổng giám đốc cho biết, trong 2 năm qua, Saigon Co.op chỉ mở được rất ít các điểm bán mới là siêu thị, họ tập trung vào mảng cửa hàng tiện lợi. Nhưng nếu so với tốc độ của “tân binh” Bách Hóa Xanh thì mảng cửa hàng Co.opFood phát triển rất chậm. 
Vậy các DN bán lẻ trong nước là ai? Có thể điểm danh, Saigon Co.op hiện vẫn giữ vị trí đầu bảng trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị Co.opmart, ngoài ra còn có cửa hàng Co.opFood, Co.op Smile, Co.opXtra và Trung tâm thương mại (TTTM) Sense City. Tập đoàn VinGroup với hệ thống siêu thị Vinmart, cửa hàng Vinmart+, VinPro.
Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) với chuỗi cửa hàng SatraFood, 1 siêu thị Satramart và 1 TTTM. Thế Giới Di Động với chuỗi Cửa hàng Bách Hóa Xanh; Công ty Đông Hưng có chuỗi siêu thị và cửa hàng Citimart…
Siêu thị “nội” mất dần năng lực cạnh tranh ảnh 1 Mua sắm tại siêu thị doanh nghiệp trong nước. Ảnh: CAO THĂNG
Phân tích về khả năng cạnh tranh của các nhà bán lẻ trong nước cho thấy, thế mạnh của Vingroup không thực sự nằm ở mảng bán lẻ mà là đầu tư bất động sản. Hơn nữa, mảng bán lẻ của đơn vị này đã nhận khoản đầu tư tới 300 triệu USD.
Tương tự, với Satra bán lẻ lâu nay không phải là “nồi cơm chính”, do vậy thương hiệu Satrafood còn rất mờ nhạt trên thị trường. Chuỗi Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động cũng đã thực hiện IPO và bán cho các quỹ đầu tư nước ngoài; hơn nữa, do mới tham gia nên hệ thống này không đủ sức để tác động đến thị trường.
Riêng Citimart đã bán cho Aeon 40%. Như vậy, nhìn tới, nhìn lui chỉ còn mỗi Saigon Co.op là nhà bán lẻ thuần Việt. Nếu để Saigon Co.op “bán mình”, xem như kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam sẽ được các DN FDI chia nhau thị phần! Nhiều khả năng, Việt Nam sẽ trở thành vùng trũng tiêu thụ sản phẩm cho các nước.
Đâu là năng lực cốt lõi của “Nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam”?
Trong bối cảnh khối ngoại đang tiến về phía trước, tập trung để phát triển mạnh các siêu thị, đại siêu thị, TTTM thông qua việc đầu tư mới và thực hiện các thương vụ M&A, thì các DN trong nước chỉ “chạy vòng ngoài” để phát triển các cửa hàng tiện lợi.
Nói theo cách của một chuyên gia thị trường (đề nghị giấu tên), ngay cả nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Saigon Co.op, trong 2 năm gần đây đã có dấu hiệu chựng lại, thậm chí là thụt lùi trong việc phát triển các siêu thị mới. 
Trên thực tế, Saigon Co.op chưa giải quyết được những vấn đề lớn, cả về mặt tổ chức và kinh doanh. Saigon Co.op hiện đã quá hạn thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã (HTX) 2012. Khi không chuyển đổi cũng đồng nghĩa chính danh của đơn vị này chưa có, chưa định danh Saigon Co.op là đơn vị HTX hay là DN.
Vì lẽ, nếu là HTX thì phải chuyển đổi và hình thành HTX tiêu dùng, bởi quy mô của Saigon Co.op đã lên đến 16.000 người, đó là chưa kể hơn 2 triệu khách hàng thân thiết. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, nếu tiếp tục duy trì mô hình kinh tế HTX, Saigon Co.op phải cần đến một đội ngũ hàng triệu khách hàng tham gia để hình thành HTX tiêu dùng.
Nói cách khác, người tiêu dùng chính là khách hàng thân thiết phải tham gia gắn kết thì Saigon Co.op mới có thể tiếp tục viết tiếp chặng đường lịch sử. Xã viên trong HTX tiêu dùng sẽ tạo ra một lực mới cho Saigon Co.op, điều mà các đối thủ khác không có được. 
Trở lại với tốc độ phát triển, một số ý kiến cho rằng, thời gian qua, khi mà Metro và Big C đều vướng phải một số vấn đề pháp lý từ việc chuyển nhượng, đây là “thời điểm vàng” cho Saigon Co.op tăng tốc đầu tư phát triển mảng siêu thị, vốn là thế mạnh của đơn vị này. Kết quả, họ không những không tận dụng được mà còn bị các đối thủ bỏ xa trong việc không ngừng làm mới mình, kết hợp với phát triển mới điểm bán.
Chiến thuật, chiến lược trong “cuộc chiến” bán lẻ hiện nay phải là “cuộc chiến nhân dân”, chứ không phải DN nào “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” là có thể thắng! Vì thế, với mô hình HTX, Saigon Co.op sẽ làm gì để giữ chân người tiêu dùng Việt - những xã viên đã gắn bó nhiều năm của mình, nếu không muốn nhìn thấy các đối thủ từng bước “hút” dần khách hàng từ Saigon Co.op. 
Thị trường bán lẻ của Việt Nam là mảnh đất màu mỡ không chỉ của các nhà bán lẻ nước ngoài, mà ngay cả các thương hiệu thời trang toàn cầu cũng xuất hiện với tốc độ chóng mặt.
Ngoài Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc đang hình thành những thế đối trọng tại thị trường bán lẻ Việt Nam, nhiều DN FDI khác đã chen chân vào tất cả các lĩnh vực bán lẻ, đặc biệt là phân khúc trung và cao cấp, cửa hàng tiện lợi.
Trong bối cảnh đó, nếu không nhanh chóng có giải pháp thay chiếc áo mới, chiến lược mới phù hợp, e rằng Saigon Co.op - một thương hiệu phân phối Việt đã lớn mạnh nhiều năm, từng là niềm tự hào của ngành thương mại TPHCM - sẽ khó duy trì vị thế nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Liên quan đến nguồn lực, tài chính cho đầu tư, Saigon Co.op chỉ cần 1/2 số lượng khách hàng thân thiết tham gia vào HTX tiêu dùng, mỗi xã viên góp vốn khoảng 1 triệu đồng, ngay lập tức huy động được hàng ngàn tỷ đồng. Một thương hiệu lớn như Saigon Co.op, có thể phát hành trái phiếu, hoặc vay vốn dễ dàng từ ngân hàng, để phát triển chuỗi bán lẻ.

Tin cùng chuyên mục