Việc làm nhỏ, tấm lòng lớn
Mấy ngày nay, cô giáo Minh Tâm cùng đồng nghiệp và học trò bận rộn với chương trình làm bánh kem gây quỹ giúp học sinh nghèo. 1.500 chiếc bánh được bán ra, thu về gần 9 triệu đồng, giá trị vật chất tuy không lớn nhưng tình cảm cô trò thì không gì đong đếm được.
Cô Tâm vẫn xúc động khi nhắc đến dòng tin nhắn của Phạm Văn Ngọc Em (học sinh lớp 11CB1) vào đêm mùng 2 Tết vừa rồi: “Cô ơi, mẹ con bị tai nạn giao thông, cô có thể giúp con được không?”. Mất ngủ cả đêm, sáng sớm chạy vội đến bệnh viện, cô không kìm được nước mắt khi nhìn cậu học trò bé nhỏ ngồi ôm mẹ trong lòng. Bố mất, nhà chỉ còn ba mẹ con, gia đình thuộc diện hộ nghèo, đêm giao thừa mẹ của Ngọc Em đi làm về, không may gặp tai nạn. Từ sự vận động của cô, gia đình Ngọc Em nhận được sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm, riêng Em được tặng học bổng “Thắp sáng ước mơ”.
Từ nỗi đau của bản thân, cô Tâm thấu hiểu và luôn muốn chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn. Năm 2015, quỹ “Nhất Tâm” ra đời. Để thuyết phục mọi người về mục đích và tính minh bạch của quỹ, cô Tâm tự mình đi bán hoa tươi, tự tay gói những chiếc kẹo nhỏ xinh, tự làm thiệp bán vào các ngày lễ. Tấm lòng và từng việc làm nhỏ bé của cô giáo khuyết tật đã chạm đến trái tim của nhiều người.
Đến nay, quỹ đã đi vào hoạt động ổn định. Dù số tiền trong quỹ không quá lớn, thường dao động trong khoảng 100 triệu đồng, nhưng tinh thần tương thân tương ái là điều mà cô Tâm cùng các bạn của mình luôn mong muốn lan tỏa. Tặng quà cho học sinh nghèo khuyết tật; chung tay với hội phụ nữ làm bánh mứt tặng người nghèo; phát cơm, cháo cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp; tặng thịt kho, bánh tét, dưa cải cho chiến sĩ biên phòng; chăm sóc mẹ Việt Nam anh hùng… là những hoạt động thường xuyên của quỹ “Nhất Tâm” với sự tham gia của cô trò Trường THPT Thiên Hộ Dương.
Vượt lên nghịch cảnh
12 năm trước, tai nạn giao thông cướp đi chân trái của cô giáo trẻ Minh Tâm. Bình phục, trở lại trường với một bên chân giả, cô Tâm cười tươi, tâm sự với học sinh: “Số phận đã lấy đi một phần cơ thể của cô, nhưng không thể lấy ở cô ý chí và nghị lực vượt lên nghịch cảnh”. Nhiều thế hệ học sinh Trường THPT Thiên Hộ Dương mỗi khi có dịp về trường đều tìm đến thăm cô Tâm. Cô được học trò yêu quý không chỉ vì dạy dễ hiểu, mà trong mỗi tiết học của cô đều có một câu chuyện về cuộc sống, về bài học làm người.
Không ngại xuất hiện trước đám đông, tự tin đăng ký chạy marathon vì người khuyết tật bị ảnh hưởng chất độc da cam, chơi cầu lông, bơi lội…, sự tự tin, năng lượng tích cực luôn thể hiện rõ qua nụ cười của người nữ thủ lĩnh Đoàn. Cô luôn biết làm mới các hoạt động đoàn thể. Từ ý tưởng của cô, câu lạc bộ “Phát triển bản thân” mới ra đời hơn 3 tháng đã thu hút nhiều học sinh tham gia. Bài học từ sự tự tin, nghiêm khắc với chính bản thân mình được cô Tâm truyền đến học sinh; thông qua những hành động nhỏ như lượm rác ở sân trường hay “chủ nhật xanh” ở công viên, tập thể dục buổi sớm rồi ôn bài trước khi đến lớp.
Đặc biệt, hướng các bạn trẻ rèn thói quen đọc sách và học ngoại ngữ là mong muốn cháy bỏng của cô Tâm với hy vọng các em biết cân đối thời gian sử dụng phương tiện điện tử, đồng thời bồi đắp nhân cách, tâm hồn. Như tên cha mẹ đặt cho, chữ “Tâm” luôn được cô giáo sinh năm 1986 đặt lên hàng đầu. “Tôi sợ nhất là khuyết tật về tâm hồn. Thái độ sống sẽ quyết định số phận của mỗi người”, cô Tâm tâm sự.
Nhiều năm qua, cô giáo đất sen hồng được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các tổ chức đoàn thể, trong đó có bằng khen “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc”, đồng thời là gương khuyết tật tiêu biểu được vinh danh trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực” do Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao tặng năm 2020. Cô vẫn không ngừng nỗ lực mỗi ngày, kiên trì chiến thắng bản thân, bởi như cô chia sẻ, có như thế cô mới cống hiến được nhiều hơn cho quê hương mình. |