Tai biến, đột quỵ, viêm phổi vì giá rét

Các tỉnh, thành phía Bắc đang trong đợt rét đậm, rét hại với nền nhiệt nhiều nơi chỉ từ 6-7°C, thậm chí vùng núi cao chỉ ở mức 1-2°C, gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe người dân, khiến không ít người phải nhập viện cấp cứu vì đột quỵ, tai biến mạch máu não, viêm đường hô hấp.

Tai biến “tấn công” người trẻ

Anh L.H.T. (34 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được người thân đưa tới Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E trong tình trạng yếu nửa người, nói khó. Các bác sĩ đã cấp cứu cho anh L.H.T. và làm các xét nghiệm, chiếu, chụp cần thiết. Bệnh nhân được chẩn đoán bị tắc mạch máu não cấp và được chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối tái tưới thông mạch máu não.

Trong khi đó, ông N.M.H. (89 tuổi, ở Nam Trực, Nam Định) được chuyển từ Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội đến Bệnh viện E với chẩn đoán theo dõi cơn đau thắt ngực kèm viêm phế quản. Ngay qua cấp cứu, chẩn đoán ban đầu, các bác sĩ xác định bệnh nhân N.M.H. có nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Vĩnh Yên, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện E) cho biết, thời tiết rét đậm, rét hại những ngày qua, khiến người bệnh nhập viện gia tăng đột biến, nhất là các bệnh lý về đột quỵ não và tim mạch.

cac-bac-si-benh-vien-e-tham-kham-cho-mot-benh-nhan-tre-bi-tai-bien-nao-9895.jpg
Bác sĩ Bệnh viện E thăm khám cho 1 bệnh nhân còn khá trẻ nhưng đã bị tai biến mạch máu não

Tại Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu tăng lên rất cao. Bác sĩ Võ Hồng Khôi, Giám đốc Trung tâm Thần kinh cho biết, bình thường, trung tâm tiếp nhận 30-50 bệnh nhân/ngày nhưng trong những ngày thời tiết rất lạnh, bệnh nhân cấp cứu tăng lên 60-70 ca/ngày. Đáng lưu ý, nhiều người trẻ tuổi cũng bị đột quỵ, tai biến mạch máu não.

thoi-tiet-ret-dam-ret-hai-gay-anh-huong-nhieu-toi-suc-khoe-nguoi-dan-7453.png
Thời tiết rét đậm rét hại làm nhiều người đổ bệnh phải nhập viện điều trị

Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng ghi nhận số bệnh nhân cao tuổi tăng cao, trong đó nhiều trường hợp nhập viện rất nặng, phải thở oxy, thở máy và đã có vài ca tử vong.

Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng Khoa Cấp cứu và đột quỵ cho biết, hiện nay, mỗi ngày khoa tiếp nhận trên 30 ca cấp cứu, thường gặp nhất là viêm phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính và tăng huyết áp. “Thời tiết rét đậm, rét hại rất nguy hiểm với người cao tuổi do dễ mắc các bệnh về hô hấp vì khả năng bảo vệ đường thở kém, sức đề kháng giảm, diễn biến phổi nhanh, có thể sáng chỉ ho, đến trưa đã tức ngực, khó thở, khi vào viện đã viêm phổi, suy hô hấp nặng”, bác sĩ Thắng cảnh báo.

Gia tăng bệnh đường hô hấp

Thời tiết lạnh cóng không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người cao tuổi mà còn rất nguy hại tới trẻ nhỏ.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, số trẻ được người thân đưa đến thăm khám do giá lạnh kéo dài tăng khá cao, mỗi ngày tại bệnh viện tiếp nhận không dưới 2.000 ca, trong đó trẻ mắc các bệnh về hô hấp chiếm đa số. Đặc biệt, nhiều bệnh viện tuyến dưới cũng quá tải bệnh nhi do ảnh hưởng của thời tiết rét đậm, rét hại.

bac-si-benh-vien-tinh-cao-bang-tham-kham-cho-benh-nhi-bi-viem-duong-ho-hap-do-anh-huong-ret-dam-4147.jpg
Rét đậm, rét hại gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe trẻ em

Trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại còn kéo dài trong nhiều ngày tới, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi, phải giữ ấm khu vực cổ và ngực, tránh ra ngoài đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy hoặc đêm khuya khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp... Đặc biệt, người cao tuổi thường có nhiều bệnh nền nên khi có các dấu hiệu viêm phổi, tim mạch, tai biến mạch máu não phải nhanh chóng đưa người bệnh vào cơ sở y tế gần nhất. Đối với trẻ nhỏ cùng với việc giữ ấm cơ thể, đảm bảo dinh dưỡng đủ chất thì cần tiêm ngừa đầy đủ các loại vaccine theo khuyến cáo của cơ quan y tế.

Tin cùng chuyên mục