Tạm ứng bồi thường hơn 1,1 tỷ đồng cho gia đình đại tá phi công Chu Quang Minh

Liên quan tới vụ trực thăng Bell 505 số hiệu VN 8650 gặp tai nạn ngày 5-4, Tổng công ty Bảo hiểm PVI (PVI) đã tạm ứng chi trả bồi thường cho gia đình đại tá phi công Chu Quang Minh số tiền 50.000 USD (tương đương hơn 1,1 tỷ đồng); số còn lại (150.000 USD) sẽ được bảo hiểm chi trả ngay sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan.

Thông tin này được PVI báo cáo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) liên quan tới trách nhiệm bảo hiểm trong vụ tai nạn trực thăng trên.

Theo PVI, đơn bảo hiểm thân trách nhiệm hàng không của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (VNH) được cấp bởi Liên danh Bảo hiểm PVI (45%), Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (40%) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (15%) do PVI làm "leader" bảo hiểm cho toàn bộ đội tàu bay và trách nhiệm hàng không của VNH với thời hạn bảo hiểm từ 21-4-2022 đến 20-4-2023 trong đó bao gồm phạm vi bảo hiểm cho thân tàu bay Bell 505 số đăng ký VN-8650 với giá trị 1.652.000 USD (mức miễn thường 5% giá trị tàu bay) và bảo hiểm cho trách nhiệm của VNH với giới hạn trách nhiệm chung cho cả tổn thương thân thể, thiệt hại tính mạng cho hành khách, tổn thất, thiệt hại tài sản đối với bên thứ ba là 30 triệu USD/ tàu bay Bell 505 gặp sự cố.

Trục vớt thân trực thăng Bell 505 gặp tai nạn 5-4

Trục vớt thân trực thăng Bell 505 gặp tai nạn 5-4

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, PVI đã cử đại diện ban lãnh đạo và cán bộ chuyên môn có mặt tại hiện trường vụ tai nạn, tích cực phối hợp chặt chẽ với VNH và các cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan theo quy định tại Đơn bảo hiểm của VNH.

Theo PVI, việc thanh toán bồi thường theo phạm vi bảo hiểm trách nhiệm của VNH đối với hành khách tử vong sẽ căn cứ theo thỏa thuận giữa VNH và thân nhân hành khách trên cơ sở đánh giá số tiền yêu cầu bồi thường là phù hợp với hoàn cảnh gia đình và tập quán quốc tế trong các trường hợp tương tự.

Trước mắt, PVI đã tư vấn cho VNH có thể tạm ứng cho thân nhân hành khách một khoản tiền để chi trả cho các công việc liên quan, trong khi tìm hiểu nguyện vọng cụ thể của gia đình.

"Việc thanh toán bồi thường theo phạm vi bảo hiểm thân tàu bay sẽ được thực hiện sau khi có kết luận nguyên nhân tai nạn của nhà chức trách có thẩm quyền và VNH hoàn tất các chứng từ cần thiết theo quy định tại đơn bảo hiểm", PVI nêu trong công văn.

Bên cạnh đó, đơn bảo hiểm cũng có điều khoản chi trả cho các chi phí tìm kiếm cứu nạn và các chi phí hợp lý khác để giảm thiểu thiệt hại do vụ tai nạn trên cơ sở hóa đơn chứng từ hợp lệ.

Hiện tại, theo PVI, VNH chưa có yêu cầu cụ thể về việc tạm ứng bồi thường thân tàu bay và các chi phí liên quan, tuy nhiên PVI sẽ chi trả bồi thường cho VNH trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, PVI đã giải quyết sự cố tương tự liên quan đến tổn thất toàn bộ tàu bay EC-135 T2 của VNH bị tai nạn ngày 18-10-2016 tại Vũng Tàu và việc thanh toán bồi thường được PVI thực hiện ngay sau đó.

Để bảo vệ quyền lợi cho VNH theo đơn bảo hiểm, PVI đã chỉ định Công ty Giám định CTA Robert McParlin và Công ty Luật Kennedys Singapore hỗ trợ VNH trong vụ tai nạn trên.

Như Báo SGGP đã thông tin, lúc 17 giờ 6 phút 5-4, chiếc trực thăng Bell-505 mang số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng miền Bắc, Binh đoàn 18, gặp tai nạn tại tọa độ 20051'55''N - 107001'31''E.

Thời điểm đó, trên máy bay có 5 người, gồm đại tá phi công Chu Quang Minh (sinh năm 1964) và 4 du khách từ TP Đà Nẵng ra du lịch: ông Hồ Tá Lực (sinh năm 1964), bà Nguyễn Thị Hội (sinh năm 1963), bà Hồ Thị Oanh (sinh năm 1962) và bà Phạm Thị Bê (sinh năm 1958).

Ngay sau khi mất tín hiệu, lực lượng chức năng đã tổ chức tìm kiếm, cứu nạn. Trong ngày 6-4, nhiều lực lượng của quân đội, công an, biên phòng, cảnh sát giao thông… tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn. Đến sáng 7-4, toàn bộ 5 thi thể trên chiếc trực thăng đã được tìm thấy, trong đó có đại tá phi công Chu Quang Minh; nguyên nhân vụ tai nạn đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Tin cùng chuyên mục