Tăng cường giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa

Ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa (ô nhiễm trắng) đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người. Do vậy, Việt Nam đã có nhiều chương trình hành động kêu gọi, khuyến khích cộng đồng tiết giảm, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa.

Mục tiêu tái chế 85% rác thải nhựa

Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Đề án phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị. Đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh. Giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển, đại dương và 100% khu du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Để thực hiện những mục tiêu này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, quản lý chất thải nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường. Xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ trên cả nước mô hình trung tâm thương mại, siêu thị không sử dụng túi ni lông hoặc sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy.

Không dừng lại ở đó, chúng ta cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa; công nghệ tái chế chất thải nhựa thành nhiên liệu, vật liệu xây dựng, giao thông và sản phẩm nhựa khác. Đồng thời, nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm trọng điểm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá và chứng nhận chất lượng các sản phẩm bao bì thay thế sản phẩm nhựa và sản phẩm túi ni lông phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường, đáp ứng quy định của Việt Nam.

Tăng cường giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa ảnh 1 Toàn cảnh Nhà máy xử lý chất thải nhựa tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Song song đó là các giải pháp về tăng cường triển khai hoạt động kiểm tra, thanh tra xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực sản xuất, phân phối sản phẩm nhựa; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, trong đó có chất thải nhựa.

Nâng cao vai trò của doanh nghiệp

Chưa bao giờ ở Việt Nam, phong trào “chống rác thải nhựa” có được sự nhập cuộc mạnh mẽ, đồng bộ như hiện nay. Chính phủ, doanh nghiệp đều có những chương trình hành động rất cụ thể, thiết thực. Trên hành trình gìn giữ môi trường xanh, chống rác thải nhựa, Bộ TN-MT luôn ghi nhận nỗ lực của tổ chức, cá nhân có nhiều sáng kiến thiết thực, góp phần làm thay đổi ý thức, thói quen của người dân và xã hội.

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam đang triển khai các động thái giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Đơn cử như Co.op mart đã tiên phong thay túi ni lông khó phân hủy thông thường bằng túi ni lông thân thiện với môi trường và đang dần mở rộng việc gói thực phẩm bằng lá chuối trên toàn hệ thống; ngưng kinh doanh sản phẩm ống hút bằng nhựa.

Hay nhãn hàng Milo thuộc Công ty Nestlé Việt Nam cũng chủ động trong việc nói không với ống hút nhựa. Theo kế hoạch, nhãn hàng này hoàn thành chuyển đổi 90% lượng sản xuất dùng ống hút giấy vào cuối năm 2021 (và đạt 100% vào tháng 5-2022). Ước tính việc sản xuất ống hút giấy giúp giảm được gần 700 tấn rác thải nhựa mỗi năm.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết công ty và Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng mạng lưới thu gom và xử lý chất thải tái chế từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Các bên sẽ phối hợp xây dựng dự án trong các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ thu gom, phân loại và xử lý sơ bộ chất thải có thể tái chế; xây dựng mạng lưới với các nhà tái chế để phát triển mô hình khuyến khích cho chất thải có thể tái chế. Vận động chính sách tạo cơ chế khuyến khích và tạo điều kiện thị trường thuận lợi cho chất thải có thể tái chế cũng như truyền thông về phân loại rác tại nguồn đến các hộ gia đình và người thu gom rác độc lập.

Dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy, nâng cao hiệu quả trong triển khai, thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; quản lý, thu hồi, tái chế và sử dụng chất thải tái chế một cách hiệu quả và giúp nâng cao nhận thức cộng đồng; thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất xanh, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn gắn với mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân từng chia sẻ, trong cuộc chiến chống rác thải nhựa hiện nay, vai trò và trách nhiệm của các doanh nghiệp đặc biệt quan trọng, nhất là xử lý các loại rác thải nhựa khó thu gom và tái chế như sản phẩm, bao bì nhựa sử dụng một lần. Doanh nghiệp không chỉ là một phần của vấn đề mà hoàn toàn có thể trở thành một phần quan trọng của giải pháp. 

Tin cùng chuyên mục