Tạo dựng nền kinh tế phi phát thải

Ứng phó biến đổi khí hậu, theo đuổi nền kinh tế xanh hướng tới bền vững đã, đang và sẽ được Chính phủ ưu tiên trong các chương trình hành động. Vì vậy, các doanh nghiệp (DN) phải “chuyển mình” để thích ứng.

Xanh hóa sản xuất

Hiện nay, nhiều DN đang tích cực thúc đẩy thực hành mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, hành động thích ứng với biến đổi khí hậu. Các DN chủ động xanh hóa sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới tăng trưởng bền vững không chỉ mang lại những lợi ích thiết thực cho chính DN mà còn mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và môi trường.

Chia sẻ về lĩnh vực này, đại diện Nestlé Việt Nam cho biết, Nestlé Việt Nam đã hợp tác với Bộ NN-PTNT, Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên để hỗ trợ người nông dân trồng cà phê, từ khâu phát triển và lựa chọn hạt giống đến thực hành canh tác theo tiêu chuẩn quốc tế.

Dự án đã giúp người nông dân trồng cà phê giảm 40% lượng nước tưới và 20% phân hóa học, thuốc trừ sâu, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người nông dân và giúp tăng tỷ lệ hấp thụ khí carbon, cải thiện đa dạng sinh học. Riêng với mô hình sản xuất cà phê tuần hoàn, Nestlé Việt Nam góp phần giảm thiểu phát thải trung bình 12.679 tấn CO2/năm, và sử dụng 100% năng lượng sinh khối từ bã cà phê thay thế cho 74,4% nguồn nhiêu liệu từ dầu DO làm chất đốt để vận hành lò hơi. Bên cạnh đó, với sáng kiến sử dụng bao bì bền vững, chỉ tính riêng việc chuyển đổi 100% ống hút nhựa sang ống hút giấy đã giúp giảm khoảng 700 tấn rác thải nhựa mỗi năm.

Tạo dựng nền kinh tế phi phát thải ảnh 1 Nông dân tham gia thực hành phương pháp canh tác cà phê bền vững do Nestlé Việt Nam triển khai

Cũng phát triển theo xu hướng xanh, ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc điều hành khối nghiên cứu và phát triển, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), thông tin, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Vinamilk đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, Vinamilk chú trọng canh tác hữu cơ; thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064 nhằm quản lý dấu chân carbon; thực hành chăn nuôi theo tiêu chuẩn Organic châu Âu, Global GAP.

Ngoài ra, Vinamilk đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo biogas, biomass, năng lượng mặt trời, sử dụng đèn LED. Đặc biệt, để hạn chế sử dụng bao bì nhựa, Vinamilk đang đẩy mạnh nghiên cứu các bao bì có thể mở và uống trực tiếp mà không cần ống hút. Không chỉ vậy, 100% trang trại nuôi bò của Vinamilk được đầu tư công nghệ xử lý chất thải theo công nghệ yếm khí biogas. 

Trong khi đó, khí mê-tan từ hệ thống xử lý nước thải được thu hồi để sử dụng nấu nước nóng tắm cho bò… Những sáng kiến được áp dụng, triển khai đã giúp Vinamilk tiết kiệm gần 171kWh điện/năm, 86.000m3 nước/năm,100kg dầu/năm và giảm 980kg hóa chất/năm.

Xu thế chung

Ông Mark Birnbaum, Giám đốc Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam, thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), phân tích, cách thức mà các DN tương tác với xã hội và môi trường tự nhiên có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường và thành công của họ. Thực hành kinh doanh bền vững không chỉ giới hạn ở các vấn đề môi trường mà còn liên quan đến yếu tố con người, nguồn lực và hệ thống. Các DN chủ động đầu tư mạnh cho phát triển xanh, luôn quan tâm đến tác động của họ đối với cộng đồng thường có xu hướng đạt được mức tăng trưởng nhất quán và có tính chống chịu cao hơn so với các DN khác.

Nhằm đồng hành cùng các DN Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, USAID và Bộ KH-ĐT đã triển khai “Sáng kiến thúc đẩy thực hành khung đánh giá môi trường, xã hội, quản trị (ESG) trong khu vực tư nhân hướng tới tăng trưởng bền vững giai đoạn 2023-2025”.

Sáng kiến mới này sẽ được triển khai thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam, với tổng số vốn khoảng 36 triệu USD do USAID tài trợ. Sáng kiến tập trung vào việc cải thiện các khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy thực hành và nâng cao năng lực về ESG cho các DN. Mục tiêu đến năm 2025, sáng kiến sẽ tập trung nâng cao nhận thức cho 100.000 DN nhỏ về phát triển bền vững; hỗ trợ kỹ thuật về ESG cho 300 DN nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững của các thị trường xuất khẩu trọng tâm.

Ông Mark Birnbaum cũng cho rằng, thúc đẩy thực hành theo phương pháp ESG được triển khai sẽ là cơ sở tìm kiếm những ý tưởng xuất sắc, tạo thành những mô hình, câu chuyện điển hình, giúp tạo tác động lan tỏa, khuyến khích nhiều DN tích cực tham gia hướng tới một nền kinh tế bền vững hơn.

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương nhận định, biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội của mọi quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhằm ứng phó với tác động này, xu hướng tiêu dùng mới đang diễn ra là yêu cầu từ đối tác, thị trường bắt buộc DN sản xuất phải theo hướng bền vững. DN Việt Nam cần phải đổi mới để bắt kịp xu thế này, nếu không sẽ bị giảm sức cạnh tranh và bị mất cơ hội tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Vì vậy, Bộ KH-ĐT đã tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy, hỗ trợ các DN thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững, bảo đảm kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030…

Tất cả những hành động, định hướng và các mục tiêu của Chính phủ đã được thể chế hóa tại các văn bản, có thể kể đến như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Kế hoạch phát triển bền vững DN khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; và Chương trình hỗ trợ DN kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025.

Tin cùng chuyên mục