Thái Lan ghi nhận ngày có số tử vong cao nhất

Ngày 1-5, Bộ Y tế Thái Lan thông báo nước này ghi nhận thêm 21 ca tử vong do Covid-19 - mức tăng trong 1 ngày cao nhất từ trước tới nay.
Nhân viên siêu thị tại Bangkok đeo khẩu trang và che mặt để phòng, ngừa Covid-19
Nhân viên siêu thị tại Bangkok đeo khẩu trang và che mặt để phòng, ngừa Covid-19

Cũng trong 24 giờ qua, nước này có thêm 1.891 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 lên tới 67.022 ca, bao gồm 224 ca tử vong. 

Thái Lan đang phải ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 3. Đây là đợt dịch lây lan mạnh nhất tại nước này sau hơn 1 năm thành công kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Đợt dịch bùng phát có liên quan đến biến thể lây nhiễm nhanh B.1.1.7, chiếm tới 50% tổng số ca nhiễm và tử vong. 

Thái Lan ghi nhận ngày có số tử vong cao nhất ảnh 1 Người dân Thái Lan tiêm vaccine Covid-19 tại Bệnh viện BNH, Bangkok

Trong khi đó, từ ngày 1-5, người dân Thái Lan đã có thể đăng ký tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Đối tượng ưu tiên tiêm chủng gồm 16 triệu người trên 60 tuổi có hoặc không có bệnh lý nền như tiểu đường.

Theo kế hoạch, chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đại trà của Thái Lan sẽ bắt đầu từ tháng 6 khi nước này có được lô vaccine AstraZeneca gồm 61 triệu mũi sản xuất trong nước. Thái Lan đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 tiêm chủng cho 70% dân số.

* Sáng 1-5, Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc thông báo có 627 ca nhiễm mới, trong đó có 593 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Hàn Quôc ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày trên 600 ca/ngày. 

Thái Lan ghi nhận ngày có số tử vong cao nhất ảnh 2 Số ca mắc mới Covid-19 tại Hàn Quốc vẫn ở mức trên 600 ca/ngày trong 3 ngày liên tiếp, trong bối cảnh lo ngại về một làn sóng Covid-19 mới. Ảnh: Yonhap

Trong bối cảnh đó, chính phủ Hàn Quốc đã quyết định gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội thêm 3 tuần.

Theo đó, mức độ 2 giãn cách xã hội đang thực hiện sẽ tiếp tục được duy trì đến ngày 23-5 tại thủ đô Seoul và tỉnh Gyeonggi, trong khi các địa phương khác tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội mức độ 1.5. 

Biện pháp giãn cách xã hội ở Hàn Quốc có 5 mức. Ở mức 2, các địa điểm giải trí như câu lạc bộ đêm đều không được phép hoạt động, tuy nhiên, chính quyền các địa phương có quyền xem xét cho phép các cơ sở kinh doanh, trong đó có nhà hàng hoạt động đến 22 giờ nếu đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. 

Tính đến nay, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 122.634 ca nhiễm, bao gồm 1.831 ca tử vong do Covid-19.

* Trong khi đó, ngày 1-5 cho biết lực lượng quân y Campuchia sáng cùng ngày đã bắt đầu chiến dịch tiêm phòng quy mô lớn cho khoảng 500.000 người ở nơi có mức độ lây nhiễm Covid-19 cao hay còn gọi là "Khu vực Đỏ" thuộc thủ đô Phnom Penh.
Thái Lan ghi nhận ngày có số tử vong cao nhất ảnh 3 Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 bắt đầu tại "Khu vực Đỏ thuộc thủ đô Phnom Penh. Ảnh: khmertimeskh
Tướng Ith Sarath, Phó Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia và Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng sẽ chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ chương trình tiêm chủng lần này tại gần 33 phường trên địa bàn 4 quận là Dangkor, Meanchey, Por Senchey và Kampol.
Tướng Ith Sarath cho biết "Khu vực Đỏ" ở Phnom Penh có tổng số 805.033 người dân và công nhân cần được tiêm phòng Covid-19. Khoảng 29% trong số này (tương đương 233.460 người dân) đã được tiêm phòng và khoảng 100.000 công nhân tiếp tục được tiêm mũi thứ hai. 
Bộ Quốc phòng Campuchia chuẩn bị sẵn sàng 500.000 liều vaccine Sinovac và 400.000 liều Sinopharm trong kho dự trữ.
Theo Tướng Tea Banh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, chỉ trong một tháng, quân đội nước này sẽ hoàn thành chiến dịch tiêm phòng Covid-19 cho người dân "Khu vực Đỏ".
Tính đến nay, Campuchia đã nhận được tổng cộng hơn 4 triệu liều vaccine phòng Covid-19 gồm ba loại là Sinovac, Sinopharm (do Trung Quốc sản xuất) và AstraZeneca (do Ấn Độ sản xuất).
Trong thông điệp nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cam kết duy trì và tạo việc làm cho người dân đồng thời tiếp tục trợ cấp cho công nhân.
Ông Hun Sen cho biết khoảng 1.103 cơ sở sản xuất mới đã bắt đầu hoạt động, mang lại khoảng 60.000 việc làm mới. Cơ quan Việc làm Quốc gia đã tiếp nhận 17.201 hồ sơ tìm việc và phối hợp thông báo tuyển dụng 184.808 vị trí việc làm, hoàn thành việc tuyển lao động nông nghiệp đáp ứng nhu cầu của các địa phương.
Trước đó, báo chí Campuchia đưa tin trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhất là trong thời gian Phnom Penh và Ta Khmau thưc hiện phong tỏa, đã có hơn 690 nhà máy may mặc, giày dép và phụ kiện phục vụ du lịch, doanh nghiệp nhỏ tại 7.000 cơ sở thuộc thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmau bị ảnh hưởng, tác động đến đời sống của hơn 1,2 triệu công nhân. Để hỗ trợ cho công nhân bị nghỉ việc do lệnh phong tỏa, Bộ Lao động Campuchia yêu cầu các chủ nhà máy phải trả 50% lương tháng 4 và một khoản hỗ trợ cho công nhân.
Trong khi đó, dịch Covid-19 tại Campuchia tiếp tục diễn biến xấu. Lệnh phong tỏa Phnom Penh và Takhmao được áp dụng từ ngày 15-4 nhưng số ca mắc mới Covid-19 liên tục tăng kỷ lục. Ngày 29-4, Campuchia ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao nhất từ trước đến nay với 880 ca và đến ngày 30-4 cũng gần 800 ca.
* Tại Nhật Bản, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại 3 tỉnh vùng Kansai đang diễn biến phức tạp, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế các địa phương này.
Theo thống kê ngày 30-4, tỉnh Osaka ghi nhận 1.043 ca mắc mới Covid-19, tỉnh Hyogo là 333 ca và 126 ca ở tỉnh Kyoto. Nghiêm trọng nhất là tại Osaka với 8 ca tử vong và tỷ lệ sử dụng giường bệnh đã lên đến 98,3%, có tới 68 ca bệnh nặng không thể được đảm bảo điều trị đúng quy trình vì thiếu giường bệnh.
Thái Lan ghi nhận ngày có số tử vong cao nhất ảnh 4 Một người đàn ông được tiêm vaccine Covid-19 tại Minabe, tỉnh Wakayama. Ảnh: The Yomiuri Shimbun
Trong một diễn biến khác, với nỗ lực đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng tại vùng thủ đô, tối ngày 30-4, Bộ Quốc phòng và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của Sở chỉ huy hỗn hợp. Cuộc họp quyết định trưng dụng một toàn nhà hành chính tại Otemachi, thủ đô Tokyo làm trung tâm tiêm chủng.
Dự kiến trung tâm sẽ hoạt động trong 3 tháng từ ngày 24-5, thời gian phục vụ từ 8 giờ đến 20 giờ mỗi ngày, kể cả ngày lễ và thứ bảy, chủ nhật. Trước mắt, Trung tâm này sẽ tập trung tiêm vaccine cho đối tượng là người già, người mắc bệnh nền tại Tokyo và các địa phương lân cận như Kanagawa, Chiba và Saitama.
Ngoài ra, ngày 1-5, SDF cũng đã cử nhân viên đến Osaka để khảo sát vị trí đặt trung tâm tương tự mô hình này ở Tokyo. Sau đó, việc điều động cán bộ, nhân viên của SDF trên toàn quốc đến các trung tâm này tại Tokyo và Osaka để phục vụ chiến dịch tiêm chủng, sẽ được quyết định vào ngày 7-5.
Một tín hiệu lạc quan khác là lô vaccine đầu tiên của hãng dược phẩm Mỹ Moderna đã đến sân bay quốc tế Kansai của Nhật Bản vào ngày 30-4. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), dự kiến chính phủ nước này sẽ cấp phép lưu hành cho vaccine của hãng Moderna vào ngày 21-5 và chính thức cùng với vaccine Pfizer tham gia vào chiến dịch tiêm chủng tại Nhật Bản.
Trước đó, Công ty dược phẩm Takeda, đơn vị phụ trách thử nghiệm lâm sàng và phân phối vaccine tại Nhật Bản, đã nộp đơn xin phê duyệt lên MHLW vào tháng 3 vừa qua. Để rút ngắn thời gian kiểm định chất lượng vaccine, Chính phủ Nhật Bản đã áp dụng hình thức “phê duyệt đặc biệt”, đồng thời cho phép sử dụng dữ liệu thử nghiệm lâm sàng ở nước ngoài để phục vụ công tác đánh giá kiểm định chất lượng vaccine trong nước.
Cùng ngày 30-4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa vaccine ngừa Covid-19 của hãng Moderna vào danh mục sử dụng khẩn cấp. Đây là loại vaccine phòng Covid-19 thứ 5 được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp, bên cạnh của Pfizer BioNTech, AstraZeneca, Janssen và Viện Serum Ấn Độ. Trước đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã cấp phép đối với loại vaccine này.

Tin cùng chuyên mục