Ngày 12-10, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về quản lý rủi ro thiên tai cho vùng đất thấp.
Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, từ đầu mùa lũ 2018 đến nay, đã có 1.548ha lúa ở ĐBSCL bị mất trắng. Trong đó, tình trạng sạt lở lan nhanh. Đặt biệt, trong những ngày gần đây do ảnh hưởng từ lũ đầu nguồn kết hợp với kỳ triều cường, mực nước cao nhất đo được tại Mỹ Thuận là 2,07m, Cần Thơ 2,23m... đều vượt số liệu lịch sử 40 năm qua (1977-2017), gây ngập cho nhiều vùng tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN - PTNT), nhận định: Hiện nay tình hình thiên tai trên thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp với những thảm họa động đất và siêu bão diễn ra ở nhiều nơi. Tại Việt Nam, hàng năm, thiên tai đã gây thiệt hại khoảng 1,5% GDP, làm trên 300 người chết và mất tích.
“Việt Nam đang điều chỉnh Chiến lược quốc gia về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai từ Trung ương đến cấp xã, đồng thời lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành, trong đó các giải pháp phi công trình như: bảo vệ và phát triển rừng cùng các hệ sinh thái, quản lý việc khai thác tài nguyên một cách bền vững, chuyển đổi sinh kế cho người dân chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng, nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm thiên tai, tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng để giảm nhẹ rủi ro thiên tai”- ông Nguyễn Trường Sơn cho biết.
Theo bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc Quốc gia UNDP (Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam), Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, gây thiệt hại hơn 1% GDP quốc gia và có thể tăng từ 3-5% GDP vào năm 2030.