Thiếu bác sĩ, nhiều bệnh viện ngưng khám bệnh ngoài giờ

Tại nhiều bệnh viện công ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang xảy ra tình trạng bác sĩ bỏ việc. Vì thiếu bác sĩ, nhiều bệnh viện công ngưng khám bệnh ngoài giờ, làm cho người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) thiệt thòi, ảnh hưởng đến phát triển BHYT toàn dân…

Thời gian qua, các bệnh viện công ở ĐBSCL đối diện với tình trạng bác sĩ xin nghỉ việc hoặc tự ý bỏ việc. Một bác sĩ ở Kiên Giang bỏ việc ở bệnh viện công chia sẻ: “Học ra trường với tấm bằng loại khá, tôi xin vào làm việc tại một bệnh viện tuyến huyện. Bác sĩ mới ra trường lương thấp. Trong khi một giám đốc phòng khám tư ở TPHCM, sẵn sàng trả cho tôi mức lương ban đầu 18 triệu đồng/tháng. Vì vậy, tôi đã quyết định nghỉ việc ở Kiên Giang lên TPHCM”. 

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau, cho biết tình trạng bác sĩ bỏ việc bệnh viện công sang bệnh viện tư là thực trạng đau đầu. Từ năm 2015 trở lại đây, toàn tỉnh có khoảng 150 bác sĩ nghỉ việc. Riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, 5 năm nay có khoảng 30 bác sĩ nghỉ việc.

“Bác sĩ bỏ việc có nhiều nguyên nhân nhưng qua theo dõi đánh giá thì nguyên nhân cơ bản nhất là tiền lương và thu nhập. Bác sĩ mới vào làm,  chưa tuyển viên chức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng, trong khi đó khu vực tư nhân trả khoảng 20 triệu/tháng”, ông Dũng giải thích.

Vì thiếu bác sĩ, nhiều bệnh viện đã ngưng tổ chức khám ngoài giờ, đã gây nhiều khó khăn cho người dân. Chị Nguyễn Thị Ngọc (ngụ phường 9, TP Cà Mau) có con nhỏ và tham gia BHYT với nơi khám chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Sản nhi Cà Mau.

Vợ chồng chị đều đi làm việc, nên sắp xếp đưa con đi khám bệnh vào ngày thứ bảy, chủ nhật thì bệnh viện đã ngưng khám. Chị Ngọc cho biết: “Do bệnh viện công không khám ngoài giờ, nên tôi phải đưa con đến khám các phòng khám, bệnh viện tư trên địa bàn. Vì khám trái tuyến nên tiền chi trả cũng cao hơn”. 

Theo Công văn số 285 ngày 21-1-2019 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (hướng dẫn thực hiện Thông tư số 39/2018 của Bộ Y tế, số lượt khám chữa bệnh/1 bàn khám/1 ngày không vượt quá định mức 65 bệnh/bàn khám/ngày (8 giờ) bao gồm cả người bệnh BHYT và người bệnh không có BHYT, lớn hơn 65 lượt; thanh toán bằng 50%.

Nhân lực tham gia khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ hành chính, thứ bảy, chủ nhật đảm bảo thời gian làm thêm tối đa không quá 200 giờ/1 người/1 năm theo quy định của Bộ luật Lao động.

Như vậy, theo định mức lượt khám bệnh, chữa bệnh và thời gian làm ngoài giờ như trên thì Bệnh viện Sản nhi Cà Mau và các bệnh viện, trung tâm y tế có giường bệnh trong tỉnh không đủ nhân lực để đảm bảo công việc khám bệnh, chữa bệnh BHYT ngoài giờ hành chính, thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ.

Hiện nay, nhu cầu khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính của người dân rất cao. Tuy nhiên, khi rà soát lại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Cà Mau không đủ nhân lực để thực hiện chữa bệnh ngoài giờ hành chính.

Ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu, cho biết việc khám bệnh ngoài giờ không có quy định bắt buộc nhưng để tạo thuận lợi cho bà con thì một số bệnh viện công trên địa bàn tỉnh tổ chức khám vào sáng thứ bảy.

“Nhiều năm nay, ngành y tế Bạc Liêu có đề xuất khám bệnh ngoài giờ. Tuy nhiên, việc tổ chức khám bệnh ngoài giờ không phải bệnh viện nào cũng thực hiện được vì thiếu nhân lực. Người dân lại có nhu cầu khám bệnh ngoài giờ, vì vậy nếu bỏ thì cũng tội cho bà con”, ông Nam chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục