Thiếu cơ sở phục hồi chức năng sau đột quỵ

Hiện nay, tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng vẫn chưa có nhiều cơ sở phục hồi chức năng dành cho người bệnh đột quỵ... 
TS-BS Nguyễn Bá Thắng đang thăm khám cho người bệnh đột quỵ
TS-BS Nguyễn Bá Thắng đang thăm khám cho người bệnh đột quỵ

Dù tỷ lệ tử vong do đột quỵ tại Việt Nam đã giảm, nhờ có sự ra đời của hệ thống các đơn vị phòng chống đột quỵ trên cả nước, nhưng có đến gần 90% người bệnh đột quỵ được cứu sống phải chịu nhiều di chứng nặng nề, cần được hướng dẫn phục hồi chức năng để hòa nhập với cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay, tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng vẫn chưa có nhiều cơ sở phục hồi chức năng dành cho đối tượng này. Hậu quả là chất lượng sống của người bệnh sau đột quỵ giảm sút nghiêm trọng.

Đỏ mắt tìm nơi lập luyện

Gần một tháng qua, chị Trần Ánh Tuyết (ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) phải chạy đôn chạy đáo tìm nơi phục hồi chức năng cho người mẹ vừa bị đột quỵ. Ban đầu, chị được các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 hướng dẫn chuyển đến BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM (tại quận 8) nhưng BV ở xa, đi lại khó khăn.

Sau đó, chị Tuyết tìm đến các dịch vụ tập phục hồi chức năng tư nhân thì chi phí lại quá cao, trong khi chưa biết chất lượng của những nơi này như thế nào. “Bí quá, tôi phải tham gia một lớp hướng dẫn tập vật lý trị liệu, xoa bóp để tự tập cho mẹ tại nhà”, chị Tuyết chia sẻ.

Ở TPHCM đã khó, với bệnh nhân các tỉnh thành khác, việc tìm cơ sở tập phục hồi chức năng sau đột quỵ càng khó khăn hơn. Sau 3 tháng điều trị phục hồi chức năng cho chồng là ông Lý Văn Út (65 tuổi, ngụ Bến Tre) tại BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TPHCM, bà Lê Thị Hiền (vợ ông Út) đành phải cho chồng xin xuất viện về quê, dù các chức năng vận động của người chồng vẫn chưa trở lại bình thường.

Chia sẻ về quyết định này, bà Hiền cho hay, sau cơn đột quỵ của chồng, 3 tháng qua cả gia đình bà gần như phải bỏ hết công việc để thay phiên nhau vào viện chăm sóc cho ông. Sau khi được cứu sống khỏi cơn đột quỵ, ông Út bị liệt nửa người, được BV Nhân dân 115 chuyển sang BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp để phục hồi chức năng. “Sau 3 tháng điều trị phục hồi chức năng trong bệnh viện thì ông ấy đã nhúc nhích được tay, chân nhưng tôi xin cho ông ấy về nhà tự tập chứ không thể đi lên đi xuống mãi như thế này được”, bà Hiền tâm sự.

Theo TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, BV Nhân dân 115, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 bệnh nhân đột quỵ, trong đó có 70% cần được tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng sau khi xuất viện. Thế nhưng, họ không biết phải tập ở đâu, ai có thể hỗ trợ được họ.

Tại BV Nhân dân 115, mỗi năm điều trị cho gần 20.000 trường hợp đột quỵ và luôn trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, trung bình Khoa Bệnh lý mạch máu não của BV chỉ có thể tiếp nhận khoảng 180 bệnh nhân nội trú. Mỗi ngày, một nhân viên y tế tại đây phải tập vật lý trị liệu cho trên 10 bệnh nhân và thường phải ưu tiên tập cho những ca nặng, những ca nhẹ bắt buộc phải chuyển đến các bệnh viện tuyến dưới hoặc hướng dẫn tự tập tại nhà.

Theo TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học thần kinh, BV Đại học Y Dược TPHCM, đa phần bệnh nhân đột quỵ não sẽ có di chứng như liệt tay chân, rối loạn cảm giác, nói khó, vận động khó, sa sút trí tuệ... và cần phải can thiệp phục hồi chức năng để có thể hòa nhập trở lại với cuộc sống. Thực tế hiện nay tại Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng chưa có nhiều cơ sở phục hồi chức năng dành cho người bệnh đột quỵ. Một số nơi có tiếp nhận nhưng số lượng không đủ và không phủ khắp các vùng miền, đặc biệt là các tỉnh.

“Do tình trạng quá tải nên các bệnh viện có xu hướng giải phóng bệnh nhân sớm, thường sau điều trị xong giai đoạn cấp sẽ cho người bệnh xuất viện và họ phải tự bươn chải tìm nơi để tập phục hồi chức năng hoặc mướn người về nhà tập, vì thế có nhiều người không tập gì hết. Điều này ảnh hưởng vô cùng lớn đến chất lượng sống của người bệnh đột quỵ”, TS-BS Nguyễn Bá Thắng cho biết.

Phục hồi chức năng sau đột quỵ: cần đúng và đủ

 Mặc dù tỷ lệ tử vong do đột quỵ não giảm, nhờ hệ thống các cơ sở y tế chuyên sâu về phòng chống đột quỵ được thành lập và các phương pháp can thiệp điều trị đột quỵ não được áp dụng ngay trong những giờ đầu, tuy nhiên việc phát triển mô hình phục hồi chức năng sau đột quỵ lại chưa thực sự đồng bộ và chưa được quan tâm đúng mức; hầu hết mới chỉ tập trung tại các bệnh viện tuyến Trung ương và chỉ ở một số tỉnh thành lớn.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, BV Nhân dân 115, cho rằng, vật lý trị liệu là liệu trình bắt buộc cho bệnh nhân sau đột quỵ, tất cả bệnh nhân đều phải tập. Trong giai đoạn đột quỵ cấp và giai đoạn sau là giai đoạn di chứng thì tập vật lý trị liệu vẫn là phương pháp có tác dụng.

“Cho đến nay, tập vật lý trị liệu đã chứng minh thật sự có hiệu quả trong việc phục hồi chức năng cho người sau đột quỵ. Trong khi đó, những phương pháp khác cũng chưa chứng minh rõ ràng về tác dụng của nó trong việc này. Hiện vẫn chưa có khái niệm thời gian vàng trong vật lý trị liệu cho người đột quỵ nhưng theo tôi, người bệnh đột quỵ nên tập sau 24 giờ. Bệnh nhân không nên vội vàng để tập sớm, sẽ làm tăng nguy cơ tai biến lần nữa, tập đúng cách từ 3-6 tháng”, bác sĩ Nguyễn Xuân Thắng nhận định.

Cũng theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Xuân Thắng, tổn thương hay gặp nhất ở người đột quỵ là mất chức năng vận động, khiến bệnh nhân bị liệt, các động tác không thực hiện được. Ngoài ra, những tổn thương khác có thể gặp như tổn thương về ngôn ngữ, nuốt, rối loạn về tâm lý... Mặc dù vậy, hiện nay nhiều người, nhiều nơi mới chỉ quan tâm về phục hồi chức năng vận động. Để người bệnh phục hồi hoàn thiện hơn, chúng ta cần quan tâm nhiều đến ngữ âm trị liệu, chức năng nuốt, nói...

Ngoài ra, các bài tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân phải phân ra từng giai đoạn, từng mức độ bệnh để có các bài tập khác nhau. Chẳng hạn, trong giai đoạn đầu, bệnh nhân duỗi được chân nhưng không co chân được thì họ phải tập chủ động là duỗi chân, kết hợp tập thụ động là co chân. Ở giai đoạn sau, bệnh nhân có thể tập duỗi và co chủ động được rồi thì chuyển sang chủ động tập cả co và duỗi, có thêm kháng lực.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong do đột quỵ từ năm 2013 đến nay giảm 17% so với trước đây, nhưng số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90% với nhiều di chứng nặng như: liệt nửa người, rối loạn nuốt, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm…

Hậu quả là bệnh nhân trở thành người tàn tật, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân, là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Nghiên cứu cho thấy, chỉ có 25%-30% bệnh nhân sau đột quỵ tự đi lại, phục vụ bản thân; 20%-25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày; 15%-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.

Tin cùng chuyên mục