Thiếu việc làm, người ra tù dễ tái phạm

Lần đầu tiên, Bộ Công an đã có cuộc điều tra, khảo sát tình hình người chấp hành xong án phạt tù về cư trú ở địa phương trên phạm vi cả nước trong 10 năm (2002 - 2012).

Theo Trung tướng Nguyễn Văn Ninh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục VIII (Bộ Công an), qua điều tra, khảo sát tình hình, công an các địa phương đã rà soát 424.878 người chấp hành xong án phạt tù từ năm 2002 - 2012 về cư trú ở các địa phương. Kết quả cho thấy, tổng số người chấp hành xong án phạt tù có việc làm chiếm trên 82%; số người chưa có việc làm chiếm gần 18%. Mặc dù số đối tượng này có việc làm cao nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, lao động nông nghiệp. Trong đó, người có thu nhập bình quân hàng tháng dưới 3 triệu đồng chiếm trên 85%, người có thu nhập 5 triệu đồng/tháng trở lên có tỷ lệ chỉ khoảng 2,5%.

Nguyên nhân người chấp hành xong án phạt tù không có việc làm là do không có nghề, thiếu vốn, bản thân không chủ động tìm kiếm việc làm hoặc không thích lao động. Họ rất khó có khả năng, điều kiện để tạo lập cuộc sống ổn định. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái phạm tội.

Về tình hình vi phạm pháp luật và tái phạm tội, kết quả điều tra, khảo sát cũng cho thấy, có 79.906 người chấp hành xong án phạt tù trong giai đoạn này tái vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính hoặc hình sự, chiếm tỷ lệ 25,64% trong tổng số người được điều tra.

Trước tình hình này, Trung tướng Nguyễn Văn Ninh yêu cầu cấp thiết phải quan tâm đúng mức đến công tác phòng ngừa tái phạm tội. “Thực tế, mong muốn của người chấp hành xong án phạt tù rất đơn giản, chủ yếu chỉ mong có việc làm, được học nghề, được vay vốn sản xuất, kinh doanh tạo việc làm để có cuộc sống ổn định. Đồng thời, họ mong xã hội bớt thành kiến, kỳ thị với họ. Nếu không có việc làm, thiếu công việc, thiếu vốn làm ăn, rất dễ đưa họ đến con đường tái phạm”, Trung tướng Nguyễn Văn Ninh cho biết.

Từ thực tế cuộc điều tra này, công an trong cả nước đã đưa ra nhiều kiến nghị để quản lý tốt người chấp hành xong án phạt tù về cư trú ở các địa phương. Công an các tỉnh, thành đều đề xuất Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách ưu đãi cho người tái hòa nhập cộng đồng như được vay vốn sản xuất của ngân hàng chính sách xã hội; cho thành lập hoặc giao cho một tổ chức chính trị xã hội nào đó làm cầu nối trung gian để giúp người tái hòa nhập cộng đồng tiếp cận dễ dàng các cơ chế chính sách...

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục