“Thời gian vàng” trong chữa cháy

Bất kỳ vụ cháy lớn nào cũng đều xuất phát từ một đám cháy nhỏ. Vì vậy, nếu ngay khi sự cháy vừa mới phát sinh mà được phát hiện, xử lý kịp thời thì ngọn lửa không có thời gian phát triển và thiệt hại để lại cũng không đáng kể.

Gọi 114 ngay khi phát hiện cháy

Đối với công tác chữa cháy, giai đoạn ban đầu được xem là “khoảng thời gian vàng”. Bởi vì lúc này, ngọn lửa chưa phát triển và phạm vi cháy chưa lớn nên việc chữa cháy của lực lượng tại chỗ dễ dàng đạt hiệu quả cao.

Điều lệnh chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH (Công an TPHCM) quy định: Khi có chuông báo cháy thì chỉ trong vòng 1 phút, đơn vị phải xuất quân ra khỏi doanh trại để có thể đến hiện trường một cách nhanh nhất, tổ chức cứu chữa đám cháy kịp thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân. Vì thế, thời gian để lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp tiếp cận điểm cháy sẽ rất nhanh.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, trong quá trình điều tra nguyên nhân gây ra các vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn quản lý, lực lượng PCCC chuyên nghiệp của thành phố đã nhiều lần xác định: việc phát hiện cháy trễ là tác nhân chính khiến công tác chữa cháy của lực lượng cơ sở rơi vào bế tắc; đồng thời cũng gây rất nhiều khó khăn cho Cảnh sát PCCC-CNCH.

Điển hình như trường hợp ở Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tuấn Thông (chuyên kinh doanh và sản xuất mút xốp cao su ở đường Võ Văn Vân, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh), nhân viên phát hiện cháy sớm và cùng nhau ra sức chữa cháy nhưng không thông tin đến lực lượng Cảnh sát PCCC.

Hơn 20 phút sau, ngọn lửa phát triển lớn vượt quá tầm kiểm soát thì cơ sở mới gọi lên tổng đài khẩn cấp 114 để báo cháy. Khi lực lượng PCCC chuyên nghiệp đến nơi, cơ sở đã bị ngọn lửa bao trùm và thiệt hại về tài sản từ vụ cháy này là rất lớn.

Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (Công an TPHCM), khuyến cáo: “Báo cháy chậm là một trong những tác nhân chủ yếu dẫn đến hầu hết vụ cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Người dân không nên lãng phí “khoảng thời gian vàng” trong công tác chữa cháy. Ngay khi phát hiện ra cháy, song song với nỗ lực tổ chức cứu chữa ban đầu, người dân phải đồng thời thông tin báo cháy cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp để được hỗ trợ kịp thời, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra”.

“Thời gian vàng” trong chữa cháy ảnh 1 Báo cháy chậm - tác nhân chủ yếu dẫn đến cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng
Nên lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy nhanh

Việc phát hiện cháy sớm giữ vai trò quan trọng giúp con người có được sự chủ động nhất định trong công tác tổ chức chữa cháy. Bên cạnh thao tác thông tin báo cháy bằng điện thoại qua tổng đài khẩn cấp 114, việc lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy nhanh có kết nối trực tiếp với Trung tâm thông tin chỉ huy của lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH là một giải pháp tối ưu khác cho vấn đề này.

Đối với những cơ sở thuộc diện nguy hiểm về cháy, nổ, lực lượng PCCC chuyên nghiệp vẫn thường xuyên khuyến cáo lắp đặt hệ thống này. Bởi, ngay khi phát hiện cháy, người dân chỉ cần thực hiện một động tác ấn nút. Khi ấy, tín hiệu báo cháy, kèm theo những thông tin liên quan như tên và địa chỉ, hệ thống giao thông, nguồn nước, hệ thống thông tin liên lạc, phương tiện, lực lượng chữa cháy tại chỗ và phương án PCCC của cơ sở... sẽ được hiển thị trên hệ thống màn hình theo dõi tại Trung tâm thông tin chỉ huy của lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH. Từ đó, lực lượng PCCC chuyên nghiệp sẽ tổ chức ứng cứu kịp thời và hiệu quả hơn rất nhiều. Chính vì vậy, người đứng đầu các cơ sở nên dành sự quan tâm đến việc lắp đặt hệ thống này vì lợi ích của chính mình.

Không phải ngẫu nhiên mà đa số vụ hỏa hoạn xảy ra vào ban đêm thường có diện tích cháy lớn và mức độ thiệt hại hết sức nghiêm trọng, bởi vì, đây là khoảng thời gian phần đông chúng ta đều dành cho việc nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.

Theo đó, sự cảnh giác đối với “giặc lửa” sẽ xuống thấp và nếu có cháy phát sinh thì khả năng phát hiện sớm để có thể tổ chức cứu chữa của đội ngũ PCCC tại chỗ cũng sẽ không cao. Do vậy, việc tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về PCCC-CNCH cùng sự chủ động phòng ngừa các nguy cơ có thể gây cháy, nổ ngay tại nơi ở, nơi làm việc của mỗi người dân cũng chính là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này. Thế nên, các doanh nghiệp cần phải quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác trực bảo vệ tại cơ sở vào ban đêm để có thể phát hiện sớm và xử lý kịp thời những tình huống cháy, nổ ngay khi vừa mới phát sinh, tránh để cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.

Còn đối với các hộ dân, vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, người dân cần kiểm tra lại hệ thống điện, khu vực đun nấu, thờ cúng và các nguồn sinh lửa, sinh nhiệt khác trong gia đình; đồng thời, cũng phải chú ý đến giải pháp thoát nạn khi không may xảy ra cháy, nổ.

Tin cùng chuyên mục