Thông tin “bắt đầu thực hiện sống chung với Covid-19 từ 15-9” là sai sự thật

Hiện nay, trên mạng lan truyền một số thông tin, “bắt đầu thực hiện sống chung với Covid-19 từ 15-9, mọi hoạt động kinh doanh sản xuất bình thường khi đảm bảo điều kiện phòng chống dịch, tăng dần tỷ lệ từ 30-50-70%...”, đồng chí Phạm Đức Hải khẳng định đây là thông tin sai sự thật.
Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải thông tin tại buổi họp báo
Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải thông tin tại buổi họp báo

Chiều 5-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT-TT tổ chức họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP. Chủ trì họp báo có các đồng chí: Lê Hải Bình, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM; Lê Văn Minh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Thành lập 4 tổ công tác phòng chống dịch và phục hồi kinh tế

Thông tin tại buổi họp báo, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM Phạm Đức Hải cho biết, đến nay, có 245.707 trường hợp mắc Covid-19 tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, trong đó có 245.247 mắc trong cộng đồng, 460 ca nhập cảnh. Trong ngày 4-9, có 2.706 bệnh nhân xuất viện, tổng số cộng dồn xuất viện từ ngày 1-1-2021 là 125.481; có 222 trường hợp tử vong trong ngày, tích lũy từ ngày 1-1-2021 là 10.452 ca tử vong.

UBND TPHCM đã ký quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM, thành lập 4 tổ công tác.

Cụ thể, Tổ phòng chống dịch Covid-19 có nhiệm vụ chuẩn bị nội dung, các kịch bản và giải pháp cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP, giai đoạn 1 từ ngày 15-9 đến 31-12, giai đoạn 2 vào năm 2022 và những năm tiếp theo.

Tổ công tác an sinh xã hội chuẩn bị nội dung cho các công tác an sinh xã hội trong 2 giai đoạn tương tự.

Tổ phục hồi kinh tế chuẩn bị nội dung về các giải pháp phục hồi kinh tế TPHCM, cũng trong 2 giai đoạn trên.

Tổ thứ 4 là Tổ công tác thúc đẩy các dự án đầu tư.

“Tất cả các tổ công tác đều đang chuẩn bị nội dung, giải pháp”, đồng chí Phạm Đức Hải khẳng định.

Theo đồng chí Phạm Đức Hải, hiện nay, trên mạng lan truyền một số thông tin, ví dụ “bắt đầu thực hiện sống chung với Covid-19 từ 15-9, mọi hoạt động kinh doanh sản xuất bình thường khi đảm bảo điều kiện phòng chống dịch, tăng dần tỷ lệ từ 30-50-70%...”, là thông tin sai sự thật.

Về thông tin, “chỉ những ai tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 sẽ được tham gia hoạt động kinh tế - xã hội sau ngày 6-9 hoặc 15-9”, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM khẳng định, sau khi TP kiểm soát dịch bệnh, sẽ có quy định cụ thể cho từng đối tượng. Do đó mong bà con bình tĩnh, chờ các quy định cụ thể của UBND TP.

Đồng chí Phạm Đức Hải cho biết, sáng 5-9, trong buổi làm việc với Quận ủy quận 7 và UBND quận 7, UBND quận 7 có trình phương án dự kiến: “Thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi kiểm soát dịch bệnh Covid-19, đưa hoạt động kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới”. Đối với thông tin này, đồng chí Phạm Đức Hải nhấn mạnh, đây mới chỉ là phương án dự kiến, UBND quận 7 đang trình xin ý kiến UBND TPHCM.

Giấy đi đường đã cấp sẽ được gia hạn nếu tiếp tục giãn cách

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, hiện nay, các cơ quan tư pháp hoạt động bình thường nhưng luật sư không nằm trong diện được cấp giấy đi đường. Công an TP đã có chỉ đạo đến các cơ quan tố tụng, cơ quan điều tra của Công an TP, tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan yêu cầu và tiếp nhận yêu cầu sẽ báo cáo về Ban Giám đốc Công an TP để cấp giấy đi đường, quy định rõ trong một khoảng thời gian giới hạn để thực hiện từng vụ việc khác nhau.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng cho biết, UBND TP quyết định kéo dài thời gian giãn cách đến ngày nào, thì giấy đi đường đã cấp sẽ được gia hạn đến thời điểm đó. Thời gian tới, các đơn vị khống chế được dịch bệnh như quận 7 và huyện Củ Chi, TP sẽ có phương án mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, Công an TP hiện tính toán các giải pháp.

Hiện, Công an TP và Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin Truyền thông và UBND các quận huyện đang cập nhật dữ liệu tiêm vaccine, bệnh nhân Covid-19, các trường hợp cấp giấy đi đường vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi TP đặt ra điều kiện an toàn, diện nào, đối tượng nào được lưu thông thì công an TP sẽ kiểm soát được. QR code sẽ được áp dụng trong quản lý thay cho giấy đi đường sau này. Mong người dân tham gia tiêm vaccine sớm để hoạt động an toàn.

Tỷ lệ ca mắc Covid-19 đã giảm nhưng không như kỳ vọng

Thông tin về tiến độ xét nghiệm diện rộng toàn TP, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, tùy từng vùng nguy cơ sẽ có cách thức xét nghiệm khác nhau. "Vùng xanh" và "cận xanh" xét nghiệm theo đại diện hộ gia đình gộp 10 mẫu, "vùng vàng" gộp 5. "Vùng cam", "vùng đỏ" thì thực hiện test nhanh toàn bộ cư dân. Tùy từng vùng khác nhau, thực hiện test nhanh khác nhau.

Test nhanh thì sau 30 phút có kết quả nhưng PCR thì 2-3 ngày sau. Ưu tiên cho vùng nguy cơ cao và rất cao (vùng đỏ và cam), do đó, số lượng hoàn thành và phát hiện ở các vùng khác nhau, một số quận huyện có tốc độ hoàn thành khác nhau.

Đến ngày 4-9, các quận huyện đã hoàn thành xét nghiệm hoàn toàn 5 vùng. Trong đó Cần Giờ, quận 7, Gò Vấp, Củ Chi hoàn thành sớm nhất. Đến nay, các địa phương hoàn thành 80% trong đợt 2, dự kiến hoàn thành trong ngày 6-9. Do đó chưa đánh giá được tình hình. “Tỷ lệ dương tính khi xét nghiệm vùng xanh là 0,8%, vùng vàng là 1,5%. Trong đợt 1, tỷ lệ dương tính của vùng cam và vùng đỏ là 3,6%; trong đợt 2 tỷ lệ là 2,7%. Tỷ lệ dương đã giảm nhưng không được như kỳ vọng”, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm đánh giá.

 

Thông tin về kế hoạch mở lại chợ truyền thống, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, việc tạm ngưng hoạt động là do yêu cầu phòng chống dịch và yêu cầu tình hình thực tế của địa phương trên địa bàn quận huyện.

Sở Công thương đã tính toán đề xuất với UBND TP các mô hình, các cách thức mở lại các chợ truyền thống trong trường hợp sau khi tạm ngừng hoạt động do có các ca lây nhiễm. Sở Công thương đã làm việc với các ngành liên quan, công ty chợ Bình Điền,… dự kiến đến ngày 7-9, sẽ bắt đầu tổ chức lại việc luân chuyển hàng hóa giúp cho các thương nhân đưa hàng hóa về cung ứng cho hệ thống phân phối, bếp ăn tập thể và các chợ truyền thống.

Tin cùng chuyên mục