Thu hồi đất làm dự án cần chia sẻ lợi ích cho dân

Góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đề nghị, khi thu hồi đất làm dự án cần cân nhắc đến chuyện chia sẻ lợi ích cho người dân.

Ngày 9-6, Quốc hội thảo luận tổ cho ý kiến góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Ngăn chặn đầu cơ đất

ĐB Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM nhìn nhận thời gian qua, khiếu nại, khiếu kiện nhiều nhất liên quan đến bồi thường giải tỏa, thu hồi đất và tất cả những việc này liên quan đến giá cả.

Nguyên nhân theo ĐB là khung giá đất không theo sát giá thị trường dẫn đến bảng giá đất cũng bất cập vì bảng giá đất có điều chỉnh cũng phải nằm trong giới hạn của khung giá đất quy định.

Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải. Ảnh: QUANG PHÚC

Chính điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, hậu quả từ đầu cơ, nâng giá, thổi giá và nhà đầu tư có lợi nhuận rất lớn, trong khi người dân luôn luôn bị ép giá khi bồi thường giải tỏa, tái định cư.

Mặt khác, để chống thất thu thuế, Bộ Tài chính cũng đã có quy định giao dịch mua bán đất phải tính theo giá thị trường nhưng giá thị trường thì chưa có quy định như thế nào.

Hiện nay trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ khung giá đất, chỉ còn bảng giá đất. ĐB Dương Ngọc Hải cho rằng việc này là phù hợp và bảng giá đất là cơ sở tính tiền sử dụng đất, tính thuế, cơ sở cho việc bồi thường giải tỏa, thu hồi đất và đấu giá…

Tuy nhiên, ĐB đề nghị khi có bảng giá đất rồi thì nên kéo dài thời gian, cần thiết thì điều chỉnh giá đất bằng hệ số, tránh tình trạng mỗi năm xây dựng lại tốn nhiều thời gian cho việc này.

Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (TPHCM) góp ý dự thảo luật. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến (TPHCM) góp ý dự thảo luật. Ảnh: QUANG PHÚC

Đồng tình, ĐB Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cũng đề nghị có quy định ràng buộc rất chặt chẽ để giới hạn các đối tượng góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo hình thức BT và có những quy định góp vốn, chuyển giao phải hết sức chặt chẽ, giới hạn các đối tượng để không bị thất thu thuế.

ĐB cũng chỉ ra, việc thu hồi đất phục vụ dự án vì mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, cộng đồng. Nhưng sau một thời gian thu hồi, lại thay đổi mục đích thương mại dẫn đến chênh lệch địa tô rất lớn, giá đền bù cho người dân rất thấp.

Tổ đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận góp ý dự thảo luật. Ảnh: QUANG PHÚC

Tổ đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận góp ý dự thảo luật. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB dẫn chứng việc thu hồi đất đó để xây dựng công viên công cộng nhưng sau một thời gian không thực hiện, lại chuyển sang mục đích khác là xây dựng trung tâm thương mại kết hợp nhà ở trên khu đất đó. Điều này thực tế dẫn đến việc tranh chấp đất đai, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Khó xác định giá thị trường, phát sinh nhiều tiêu cực

Về giá đất, ĐB Nguyễn Minh Đức nhìn nhận lâu nay định giá đất bị ảo và không thực tế. "Có những đất trong khu dân cư xây dựng khu biệt thự liền kề không có giá trị kinh doanh, chỉ để ở nhưng giá lên tới vài chục tỷ đồng/căn.

Bây giờ nhà nước cần thu hồi khu đất đấy phục vụ cho lợi ích công cộng mà đền bù theo giá thị trường thì không được", ĐB nói đến bất cập của giá thị trường và đề nghị cơ quan soạn thảo luật tính toán để đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: QUANG PHÚC

Nói về bảng giá đất, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) góp ý, khi bảng giá đất không sát giá thị trường thì nâng lên, mà không biết nâng lên bao nhiêu là đủ và dẫn đến xuất hiện tiêu cực, thỏa thuận với nhau để chia chác.

"Tất nhiên quy định sát giá thị trường có tác dụng tăng thu cho ngân sách nhưng giải quyết chưa ổn sẽ sinh ra tiêu cực", ĐB Trương Trọng Nghĩa dẫn chứng và nhấn mạnh, trách nhiệm sát giá thị trường phải là trách nhiệm của nhà nước và phải đứng ra làm trọng tài trong chuyện này. Do đó, ĐB đề nghị dựa vào bảng giá đất của Nhà nước là căn cứ quan trọng để giải quyết tranh chấp và xử lý tiêu cực.

Về thu hồi đất, ĐB Trương Trọng Nghĩa góp ý cần làm rõ quy định thu hồi đất phục vụ cho mục đích xây nhà ở thương mại.

Mặt khác, ĐB cũng góp ý về việc thu hồi đất để phục vụ dự án vì mục đích quốc phòng an ninh, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích của quốc gia, công cộng. Qua đó, ĐB góp ý cần làm rõ để tránh lợi ích tư nhân nhảy vào.

"Khi thu hồi đất của dân để phục vụ dự án với giá thấp, lúc đấy không gian xung quanh chưa có gì. Nhưng khi dự án hoàn thành, kinh doanh và lợi nhuận khai thác từ không gian này rất lớn. Vậy lợi nhuận này có tính đến việc chia sẻ cho người dân hay không? Đan xen lợi ích này cũng cần tính đến", ĐB Trương Trọng Nghĩa góp ý, bởi theo ĐB nếu thu hồi đất phục vụ thuần túy cho mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích công cộng thì không người dân nào phản ứng, thắc mắc.

Tin cùng chuyên mục