Chiều 12-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM về quy trình thí điểm rút gọn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng để giảm thời gian thực hiện dự án trên địa bàn TP.
Dự buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có các đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM và nhiều đồng chí lãnh đạo khác.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho phép thực hiện cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn.
Cụ thể, cho phép TPHCM chủ động ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hàng năm để làm cơ sở lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho những người dân đồng ý. Mục tiêu của cơ chế, quy trình này nhằm rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng cần xác định các công đoạn quy trình, cơ quan chịu trách nhiệm và thời gian hoàn thành các nội dung công việc từng công đoạn để qua đó rút ngắn, xác định khung thời gian tối đa, để hoàn thành việc chi trả bồi thường… Kiến nghị tách công tác giải phóng mặt bằng ra thành dự án độc lập, qua đó tạo quỹ đất để kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội…
Ngoài kiến nghị trên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng kiến nghị Thủ tướng nhiều vấn đề khác, trong đó có việc tạm ứng vốn cho tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, theo kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020, dự án được bố trí 7.500 tỉ đồng so với nhu cầu đăng ký là 20.500 tỉ đồng, số còn lại đã được bố trí trong năm 2016 và 2017 là 2.709 tỉ đồng. Riêng năm 2018 và 2019, do vướng mắc trong việc điều chỉnh tổng mức đầu tư nên số vốn còn lại trong kế hoạch vốn trung hạn đã không được bố trí 4.791 tỉ đồng. Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thêm, trong kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án metro số 1 vẫn không được bố trí vốn.
Về dự án đầu tư xây dựng khu dân cư hơn 30 ha tại phường Bình Khánh (quận 2), đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, đây là khu dự án nằm trong chương trình xây dựng 12.500 căn tái định cư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm do Công ty TNHH Phát triển thế kỷ 21 làm chủ đầu tư. Nay, TP không còn nhu cầu sử dụng nhà tái định cư này nữa. Từ đó, đồng chí Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng cho phép UBND TPHCM thương lượng không thực hiện việc thanh toán cho nhà đầu tư, cho phép nhà đầu tư bán nhà ở thương mại, TP sẽ tính tiền sử dụng đất theo giá thị trường để các chủ đầu tư nộp cho ngân sách.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, TPHCM muốn phát triển dịch vụ phải có đất để xây dựng trung tâm thương mại, bệnh viện, khu vui chơi… Hiện nay TPHCM cũng không còn khu công nghiệp để thu hút nhà đầu tư nữa. Do đó trong năm 2019, TP sẽ đầu tư xây dựng mới hoàn toàn một khu công nghiệp rộng 365ha… Việc xin trung ương cơ chế đặc thù trong công tác giải phóng mặt bằng cũng nhằm tạo quỹ đất để phát triển kinh tế- xã hội, thu hút nhà đầu tư.
Về vướng mắc trong công tác giải ngân, Thủ tướng giao Bộ GTVT trong tuần sau phải xác định rõ đâu là đầu tư hạ tầng, đâu là đầu tư thiết bị để từ đó tháo gỡ khó khăn giải ngân cho dự án; khu tái định cư 30ha tập hợp hồ sơ báo cáo Chính phủ, không để thất thoát ngân sách nhà nước, về kiến nghị chuyển nhà tái định cư sang nhà ở thương mại, Thủ tướng cho biết phải thông qua đấu thầu.