Sáng 24-1, tại Sở Y tế TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã tới thăm, chúc tết và tặng quà đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế TPHCM. Đi cùng đoàn có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM.
TPHCM đã trở thành một "thành phố xanh"
Tại buổi làm việc, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM vui mừng báo cáo với Thủ tướng tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố tiếp tục được kiểm soát ổn định trong nhiều ngày qua, số ca mắc mới, số ca nặng và số ca tử vong tiếp tục được kéo giảm sâu.
TPHCM liên tục có tuần lễ thứ ba liên tiếp là "vùng xanh" với số ca mắc mới tiên tục giảm thấp dưới 300/ngày, số trường hợp tử vong liên tục được kéo giảm từ 123 trường hợp/ngày vào ngày 2/10 nay đã giảm sâu xuống còn 6 ca ngày vào ngày 23-1, trong đó có 2 ca từ tỉnh lân cận chuyển về.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2022, toàn thể nhân viên ngành y tế TPHCM sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng: đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất trong công tác phòng chống dịch Covid 19, đồng thời đảm bảo không làm gián đoạn công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân với chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất có thể của các cơ sở y tế.
Để làm được điều đó, người đứng đầu ngành y tế TPHCM kiến nghị với Thủ tướng, cần có cơ chế chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở; cơ chế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh Covid-19 cho y tế tư nhân trong năm 2021. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế mua sắm tập trung để giảm bớt áp lực, tâm lý lo lắng cho các cơ sở, tập trung vào công tác chuyên môn.
Ghi nhận, biểu dương những thành quả TPHCM đạt được trong năm 2021, đặc biệt là trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và bày tỏ, chia sẻ với những khó khăn, mất mát, hy sinh của nhân dân thành phố do tác động của dịch bệnh trong năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định rằng, TPHCM đã đóng góp rất quan trọng vào công tác phòng chống dịch của cả nước.
TPHCM đã thay đổi tư duy, biện pháp, "đi trước đón đầu", thực hiện các thí điểm có tính chất quyết định trong phòng chống dịch và giữ được bản lĩnh trong lúc khó khăn. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cấp, các ngành, các địa phương trong công tác phòng chống dịch.
“Đến nay, TPHCM đã trở thành một "thành phố xanh". Đóng góp vào những thành quả chung nói trên, có vai trò nòng cốt của ngành y tế thành phố”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh và cho rằng, TPHCM đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức rất lớn, gồm cả những khó khăn, thách thức chung và những khó khăn, thách thức do đặc thù của thành phố.
Theo Thủ tướng, khi dịch Covid-19 với biến chủng Delta lây lan nhanh và nguy hiểm xâm nhập sâu vào nước ta, với những diễn biến chưa có tiền lệ, khi vaccine khan hiếm trên toàn cầu, chưa có thuốc điều trị, chưa hiểu hết về biến chủng mới, chưa có nhiều kinh nghiệm ứng phó, năng lực y tế còn hạn chế, chúng ta không tránh khỏi những lúng túng ban đầu.
Nhưng với tinh thần đặt tính mạng, sức khỏe và người dân lên trên hết, trước hết, chúng ta bắt buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, trong đó có việc giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội tại TPHCM và các tỉnh thành phía Nam với khoảng 40 triệu người dân.
Thủ tướng cho biết, hàng loạt biện pháp quyết liệt đã được triển khai trong công tác phòng chống dịch. Trung ương quyết định tăng cường lực lượng quân đội, công an, y tế cho TPHCM và các tỉnh phía Nam, thiết lập hàng trăm trạm y tế lưu động trong thời gian ngắn; điều trị F0, cung cấp thuốc và hướng dẫn điều trị tại nhà; ưu tiên vaccine cho TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… TPHCM là địa phương đầu tiên triển khai Chiến dịch tiêm chủng vaccine, góp phần để Việt Nam từ một nước có tỷ lệ tiêm vaccine rất thấp trở thành một trong sáu nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới.
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều chính sách "chưa từng có tiền lệ" hỗ trợ người dân được xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện quyết liệt và hiệu quả, trên quy mô chưa từng có, trong thời hạn rất gấp rút nhưng lại kéo dài, trong điều kiện giãn cách xã hội để chống dịch và nguồn lực có hạn. Cả nước đã dành gần 71.500 tỷ đồng hỗ trợ 742.000 lượt người lao động, xuất cấp trên 158.000 tấn gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Theo Thủ tướng, đến nay, TPHCM đã bình tĩnh, tự tin mở cửa trở lại, thực hiện hiệu quả chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Vượt qua khó khăn, thách thức, TPHCM và ngành y tế đã trưởng thành lên rất nhiều.
Chúng ta đã sơ kết, đúc rút kinh nghiệm, dần hình thành và hoàn thiện lý luận và công thức phòng, chống dịch sát tình hình và phù hợp điều kiện Việt Nam cùng công thức "5K + vaccine + thuốc + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác".
Phân tích thêm về những thành quả phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng nêu rõ, với sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, ủng hộ, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự đồng lòng, nhất trí của các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, cả nước đã đoàn kết, chung sức, chung lòng quyết tâm thực hiện "đa mục tiêu", đất nước ta đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả rất đáng trân trọng trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2022, khó khăn, thách thức sẽ nhiều hơn là thời cơ và thuận lợi, dịch bệnh vẫn có thể diễn biến phức tạp với các biến chủng mới. Thủ tướng đề nghị TPHCM không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, tiếp tục sơ kết, tổng kết thực tiễn để phòng chống dịch tốt hơn, triển khai hiệu quả chương trình tổng thể phòng chống dịch trong năm 2022-2023, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng yêu cầu thần tốc, thần tốc và thần tốc hơn nữa trong tiêm vaccine cho toàn bộ các đối tượng theo quy định; đẩy mạnh tuyên truyền, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người. Đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine cho trẻ em 12-17 tuổi để mở cửa lại trường học từ sau tết gắn với an toàn dịch bệnh… Tiếp tục triển khai các biện pháp kiểm soát rủi ro, thực hiện hiệu quả chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong ngành y tế, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, củng cố y tế cơ sở, y tế dự phòng, củng cố năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, phát huy sức mạnh của ngành y tế.
"TPHCM cần quan tâm, chăm lo cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của thành phố hơn nữa; phát huy những thành quả, khắc phục những khó khăn, hạn chế. Nhất định năm 2022, TPHCM và ngành y tế thành phố sẽ đạt được những kết quả, thành tựu lớn hơn nữa, đóng góp vào thành tựu chung của cả nước”, Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng.