Thuê giám đốc doanh nghiệp nhà nước không phải là yêu cầu bắt buộc

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong khẳng định, thu hút nhân tài khu vực ngoài nhà nước, cho phép người không phải đảng viên, người nước ngoài tham gia các vị trí quản lý doanh nghiệp, đó là một nguồn để đa dạng hóa nguồn nhân lực chứ không phải là một đòi hỏi bắt buộc.

Chiều 27-4, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương và các bộ ngành do đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn, làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Buổi làm việc nhằm phục vụ công tác xây dựng Đề án quy định về tuyển dụng đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp thể chế chính trị, cơ chế thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thuê giám đốc doanh nghiệp nhà nước không phải là yêu cầu bắt buộc ảnh 1 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: CAO THĂNG
Cần quy định cụ thể

Báo cáo với đoàn công tác, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Lê Thanh Hưng nêu một số điểm khó khăn vướng mắc trong công tác cán bộ tại đơn vị.

Cụ thể, việc đồng nhất khái niệm tài sản của doanh nghiệp nhà nước như tài sản công làm hạn chế tính linh hoạt của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Quy định của Đảng, của Trung ương về công tác cán bộ cũng chưa quy định cụ thể về công tác cán bộ trong doanh nghiệp, dẫn đến doanh nghiệp còn lúng túng trong công tác cán bộ. Các văn bản của Đảng cũng chủ yếu nói đến công tác cán bộ của trung ương, bộ ngành, địa phương, ít đề cập chi tiết cho công tác cán bộ trong doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp có thể thuê giám đốc/tổng giám đốc để điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp. Tuy nhiên việc tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển đối với các chức danh quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước từ nguồn nhân sự ngoài hệ thống khối cơ quan nhà nước, khối doanh nghiệp nhà nước hoặc việc thuê tổng giám đốc và các thành viên ban điều hành doanh nghiệp đến nay vẫn khó khả thi vì chưa có hướng dẫn cụ thể.

Chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong Tập đoàn hiện hầu hết có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị đạt chuẩn. Tuy nhiên độ tuổi chậm được trẻ hóa, chủ yếu từ 41-60 tuổi, có sự thiếu hụt cán bộ trong tương lai.

Thuê giám đốc doanh nghiệp nhà nước không phải là yêu cầu bắt buộc ảnh 2 Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Lê Thanh Hưng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: CAO THĂNG

Từ thực tế công tác cán bộ, Tập đoàn kiến nghị có quy định hoặc hướng dẫn về cấp quản lý của tổ chức đảng trong doanh nghiệp có cơ cấu sở hữu vốn hỗn hợp để làm cơ sở thực hiện việc thành lập tổ chức Đảng trực thuộc khi có sự thay đổi về vốn sở hữu.

Đồng thời, kiến nghị xem xét có quy định riêng hoặc hướng dẫn mở rút gọn các bước quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử tại tổ chức đảng cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị, phòng ban có quy mô vừa và nhỏ.

Hiện quy định số 50 của Bộ chính trị quy định quy hoạch cán bộ mỗi chức danh không quá 3 cán bộ. Nhưng Nghị định 159 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ và người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong công tác quy hoạch quy định, 1 chức danh phải quy hoạch từ 2-4 người. Tập đoàn đề nghị sớm sửa đổi bổ sung để phù hợp.

Đề xuất có quy định riêng với doanh nghiệp tổ chức thực hiện việc kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên hằng năm, cùng với thời gian đánh giá người quản lý doanh nghiệp sao cho đảm bảo được việc thực hiện việc kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trước, làm cơ sở để đánh giá, xếp loại đảng viên.

Các đại biểu trong đoàn công tác đã đặt vấn đề liên quan đến công tác đào tạo, đề nghị đánh giá đội ngũ lãnh đạo quản lý quản trị hiện nay đã đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới chưa. Đoàn công tác cũng đề nghị Tập đoàn nêu rõ từ thực tiễn đơn vị để kiến nghị cụ thể các vấn đề.

Trao đổi lại, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam khẳng định, kết quả sản xuất kinh doanh chứng tỏ công tác lãnh đạo, quản lý đã đáp ứng được yêu cầu. Việc tuyển dụng nhân sự ngoài hệ thống là việc phức tạp cần khai thông tin, quy định đã có nhưng có nhiều quy định đan xen, cần được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể.

Nhấn mạnh đến yếu tố xã hội, an ninh quốc phòng của Tập đoàn, tính đặc trưng của ngành nghề cao su, lãnh đạo Tập đoàn cũng kiến nghị cần xem xét cơ chế để giữ chân cán bộ, tránh tình trạng vì thu nhập không đảm bảo được đời sống nên nhiều người phải bỏ đi.

Đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thành Phong đánh giá, thực tiễn ở Tập đoàn Công nghiệp Cao su là những tư liệu quan trọng góp phần xây dựng Đề án đạt kết quả tốt nhất để báo cáo Bộ Chính trị, Ban bí thư. Sản phẩm cuối cùng sẽ phải mang hơi thở cuộc sống, phản ánh được thực tế hiện nay. Đoàn sẽ còn lắng nghe nhiều phản ánh, bất cập, đặt ra các vấn đề cần điều chỉnh thời gian tới, vì mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh doanh ở các đơn vị, để đóng góp nhiều hơn vào GDP quốc gia.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, doanh nghiệp nhà nước phải đảm bảo vai trò lãnh đạo chỉ đạo của đảng với công tác cán bộ. Vấn đề ở đây là phân định rõ ranh giới giữa quyền hạn và trách nhiệm của cấp ủy đảng với sự lãnh đạo quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thuê giám đốc doanh nghiệp nhà nước không phải là yêu cầu bắt buộc ảnh 3 Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: CAO THĂNG

Theo đồng chí, việc xây dựng đội ngũ quản lý quản trị doanh nghiệp là nhân tố quyết định trong đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước như Nghị quyết 12 đã nêu. Việc tuyển dụng các chức danh quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước từ nhân sự ngoài hệ thống nên có quy định cụ thể, hướng dẫn cụ thể nếu không sẽ rất khó. Thu hút nhân tài khu vực ngoài nhà nước, cho phép người không phải đảng viên, người nước ngoài tham gia các vị trí quản lý doanh nghiệp, đó là một nguồn để đa dạng hóa nguồn nhân lực chứ không phải là một đòi hỏi bắt buộc.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng, ban hành hệ thống quy định đồng bộ, thống nhất theo cơ chế thị trường trong cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo trong cán bộ doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó là cơ chế kiểm tra đánh giá phân loại dựa trên hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là tập đoàn kinh tế nhà nước, là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến mủ cao su tại Việt Nam. Đảng bộ Tập đoàn trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp trung ương có 29 cơ sở đảng trực thuộc với 1.036 đảng viên. Tập đoàn đang quản lý hơn 402.000ha, đầu tư vào 101 công ty con với tổng số lao động là hơn 74.800 người. Vốn điều lệ Tập đoàn hiện là 40.000 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 96,77% cổ phần.

Tin cùng chuyên mục