Hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài từ nhiều ngày qua khiến các kênh, mương ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang khô cạn. Người dân vùng ngọt hóa bị ảnh hưởng nặng nề trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu sản xuất.
Gần 1 tháng qua, bà Bảy Út (xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông) và người thân phải thay nhau thức đêm, mang can nhựa đi lấy nước ngọt từ các vòi nước công cộng về sinh hoạt.
“Nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua, các tuyến kênh, ao gần nhà đã khô cạn nước. Hệ thống nước máy không đủ cung cấp sinh hoạt cho gia đình, vòi nước thì chảy nhỏ giọt nên người dân nơi đây chỉ biết trông chờ vào các vòi nước công cộng”, bà Út nói.
Ngoài xã Phước Trung, người dân các xã Tăng Hòa, Gia Thuận, Tân Phước… (thuộc huyện Gò Công Đông) cũng rơi vào cảnh thiếu nước ngọt tương tự.
Ông Nguyễn Văn Quí, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Gò Công Đông cho biết, nắng nóng kéo dài, tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, trong khi đó diện tích cây ăn trái, hoa màu trên địa bàn huyện cần lượng nước lớn để tưới, vì vậy mực nước các kênh trong vùng ngọt hóa đang dần cạn kiệt, nước mặt trên các kênh nội đồng cũng cạn.
Theo ông Quí, ngoài các vòi nước UBND tỉnh Tiền Giang đã lắp đặt cho người dân trước đó, đến thời điểm này, huyện Gò Công Đông đã lắp thêm 70 vòi nước công cộng tại 11 xã và 1 thị trấn trên địa bàn, để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
70 vòi nước công cộng này là do UBND huyện Gò Công Đông phối hợp đơn vị cấp nước tiến hành khảo sát vị trí nguồn nước mạnh, sau đó lắp đặt phục vụ miễn phí cho người dân.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang thông tin, để giải quyết tình trạng thiếu nước trong mùa khô hàng năm, tỉnh Tiền Giang đã bố trí kinh phí đầu tư 5 tuyến ống chính để chuyển tải nguồn nước của Nhà máy nước Đồng Tâm về cho các huyện phía Đông, đồng thời thực hiện Dự án Mạng lưới đường ống cấp nước phía Đông và Trạm bơm tăng áp Gò Công, kinh phí 345 tỉ đồng.
Ngoài ra, theo kế hoạch, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục đầu tư 18 công trình cấp nước chính; 11 công trình thuộc dự án đầu tư mạng lưới cấp nước thứ cấp phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn; 350 công trình cấp nước vùng lõm, với tổng kinh phí 1.752 tỷ đồng.
Tại Long An, những ngày qua, gần 5.000 hộ dân ở 2 huyện Tân Trụ, Cần Giuộc thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
Nước từ nhà máy không đủ công suất đáp ứng, còn các giếng khoan tầng thấp tại chỗ không thể lấy nước do bị khô cạn hoặc nguồn nước bị nhiễm mặn.
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã làm việc với các đơn vị cung cấp nước ngọt nhiều lần và chỉ giải quyết được theo phương án tạm thời là cấp nước luân phiên theo từng khu vực.
Cùng với đó, các đơn vị phải tổ chức chở nước bằng xe bồn về các địa điểm trên địa bàn xã để cung cấp tạm thời cho người dân sử dụng.
Mới đây, tại buổi làm việc với các đơn vị cung cấp nước sạch ở Long An, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Mai Văn Nhiều thống nhất phương án lắp đặt đường ống nước thô dọc theo đường tỉnh 818, chiều dài 2km dẫn nước để giải quyết nhanh bài toán khát nước ngọt cho cư dân vùng hạ. Hiện các đơn vị đang khẩn trương thi công để người dân vùng hạ sớm có đủ nước sạch sinh hoạt.