Tìm giải pháp thu hút và giữ chân nhân tài

Ngày 14-3, tại Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Kết nối Nhân tài (Talentnet Corporation), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Đà Nẵng phối hợp tổ chức hội thảo “Nguồn nhân lực Đà Nẵng – Bức tranh mới cho chiến lược mới”. Thách thức lớn về nguồn nhân lực mà doanh nghiệp Đà Nẵng đối mặt là thiếu hụt và giữ chân nhân tài.
Các đại biểu trao đổi về tuyển dụng nguồn nhân lực của đơn vị
Các đại biểu trao đổi về tuyển dụng nguồn nhân lực của đơn vị

Gen Z là nguồn lao động nòng cốt

Khảo sát nhanh 120 doanh nghiệp tại Đà Nẵng, chủ yếu thuộc ngành công nghệ cao, sản xuất và dịch vụ, cho thấy, thách thức lớn nhất về nguồn nhân lực mà họ đang đối mặt là thiếu hụt nhân tài và giữ chân nhân tài. 48% số doanh nghiệp khảo sát cho rằng đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng, giữ chân lao động cấp chuyên gia. 39% cho hay đang khó tuyển dụng, giữ chân cấp trưởng phòng. Trong khi đó, gần 80% đều đồng ý "môi trường làm việc" và "khả năng lãnh đạo" là 2 lợi thế cạnh tranh quan trọng trong cuộc đua nhân tài của các doanh nghiệp Đà Nẵng.

Tìm giải pháp thu hút và giữ chân nhân tài ảnh 1

Hội thảo "Nguồn nhân lực Đà Nẵng – Bức tranh mới cho chiến lược mới" diễn ra trong 3 tiếng

Theo bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch HĐQT L.I.F.E., Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân TP Đà Nẵng, doanh nghiệp Đà Nẵng đang đối diện với 3 thách thức lớn trong tuyển dụng nhân sự. Cụ thể, thế hệ Gen Z (Generatin Z, là thuật ngữ được dùng để chỉ nhóm người được sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012), một cộng đồng những bạn trẻ luôn sôi nổi, năng động và đầy nhiệt huyết, bước vào thị trường lao động và đang dần trở thành lực lượng lao động nòng cốt.

Đây là thế hệ với những nhu cầu, tính cách rất khác biệt với thế hệ trước, đòi hỏi doanh nghiệp cần chiến lược nhân sự phù hợp. Cạnh đó, việc lựa chọn nghề nghiệp của người lao động đang dựa vào cảm xúc nhiều hơn. Yêu cầu về tái tổ chức, chuyển đổi mô hình làm việc để phù hợp với tình hình biến động hiện tại cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động vận hành của doanh nghiệp.

“Tính cá nhân đang là vấn đề nổi cộm mà các doanh nghiệp cần chú ý khi quản trị nhân sự, bởi mỗi thế hệ có những tính cách, giá trị và nhu cầu khác nhau. Sự thấu cảm sẽ giúp doanh nghiệp thiết kế những chiến lược nhân sự cá nhân hóa, đánh đúng vào nhu cầu của từng đối tượng nhân viên. Thấu cảm cần trở thành văn hóa doanh nghiệp, và văn hóa doanh nghiệp cần linh hoạt để bắt kịp với thời đại biến động hiện nay”, bà Phương cho hay.

Hiện nguồn nhân lực của UAC được đánh giá là nguồn nhân lực chất lượng cao

Hiện nguồn nhân lực của UAC được đánh giá là nguồn nhân lực chất lượng cao

Còn ông Ciprian Vasile Bota, Giám đốc vận hành của Universal Alloy Corporation Việt Nam (UAC) nhìn nhận, Đà Nẵng có nhiều cơ sở đào tạo đa chuyên ngành. Đây chính nguồn lực có thể bổ sung cho đơn vị doanh nghiệp ngành công nghệ cao, sản xuất và dịch vụ. Tuy vậy, để người lao động có kỹ năng phù hợp thì doanh nghiệp phải cùng với cơ sở đào tạo tham gia vào việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với thực tế thị trường hiện nay cũng như kỹ năng cần thiết. Trong đó, hầu hết các doanh nghiệp FDI đều đòi hỏi người lao động có trình độ tiếng anh giao tiếp cơ bản.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp linh động

Theo ông Lê Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, yếu tố cạnh tranh của thị trường lao động Đà Nẵng so với thị trường sôi động như TPHCM hay Hà Nội chính là địa phương có vị trí địa chính trị tốt, là cửa ngõ hành lang kinh tế Đông – Tây cũng như có sự đồng thuận của người dân, sự quyết tâm các cấp chính quyền và khí chất dám nghĩ dám làm của người miền Trung.

Ông Lê Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng chia sẻ

Ông Lê Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Ban Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng chia sẻ

Theo ông Chris Vanloon, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Đà Nẵng, xu hướng nhân khẩu học của Đà Nẵng đang khá tích cực, thu hút được nguồn lao động trẻ. Đây là cơ hội cho Đà Nẵng phát triển. Tuy nhiên, Đà Nẵng cần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng tốt, bởi nhiều doanh nghiệp FDI phải tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho người lao động (gần 2 năm), mới có thể đáp ứng được công việc chuyên nghiệp. Để giữ chân lao động, doanh nghiệp phải thấu cảm, đồng hành với họ để tạo cái nhìn, hướng phát triển về dài hạn. Về lâu dài, đó là sự kết nối về tình cảm.

Xây dựng lộ trình thu hút, giữ chân nhân tài bền vững

Xây dựng lộ trình thu hút, giữ chân nhân tài bền vững

Bà Tiêu Yến Trinh, Giám đốc Talentnet Corporation cho rằng, 3 xu hướng nhân sự trọng tâm trong năm 2023 sẽ là ứng dụng công nghệ vào quản trị; chính sách làm việc linh hoạt và sự gắn kết nhân viên thông qua văn hóa doanh nghiệp. Trong đó, văn hóa doanh nghiệp đòi hỏi việc lãnh đạo thấu cảm, sự chung sức đồng hành cùng nhân viên, không ngừng cập nhật để thích ứng với nhân viên,… Quá trình này tạo thành chuỗi hoạt động gắn kết. Văn hóa doanh nghiệp cần tính linh hoạt và không thể hình thành trong một thời gian ngắn.

Tin cùng chuyên mục