
Trong một báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ của tháng 5-2008, Sở GTCC TPHCM đã nhận định: Tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM ngày càng diễn biến phức tạp và tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng trở lại.Vì sao?
- Ùn tắc giao thông nghiêm trọng do... đào đường
Theo Phòng cảnh sát giao thông đường bộ (PC26) Công an TPHCM, tình hình trật tự giao thông trong 5 tháng đầu năm 2008 nổi lên tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng (xảy ra 18 vụ, tăng 6 vụ so với cùng kỳ). Riêng tháng 5-2008 đã xảy ra 10 vụ ùn tắc giao thông (tăng 6 vụ so với tháng liền kề và tăng 9 vụ so với cùng kỳ năm 2007). Nguyên nhân chính là do việc thi công đào đường, sửa chữa lắp đặt hệ thống công trình ngầm tràn lan, kéo dài, làm thu hẹp mặt đường gây khó khăn cho phương tiện lưu thông đang ngày càng đông đúc.

Mặt khác, thành phố đang vào đầu mùa mưa, có nhiều điểm ngập nước nên rất dễ xảy ra ùn tắc. Cụ thể, lúc 18 giờ 45 ngày 5-5, tại khu vực Lý Chính Thắng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài tới 19 giờ 30 cùng ngày. Nguyên nhân là do ở gần đó có công trình đang thi công đào đường khiến mặt đường bị thu hẹp, phương tiện giao thông không thể lưu thông được.
Nghiêm trọng hơn, do trời mưa, nhiều đoạn đường bị đào xới nên chỉ trong ngày 9-5, TP xảy ra 3 vụ ùn tắc giao thông tại các giao lộ Cộng Hòa – Tân Kỳ Tân Quý, Đinh Tiên Hoàng - Trần Quang Khải và Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lý Chính Thắng - Võ Thị Sáu. Đến ngày 22-5, tại khu vực trên lại xảy ra một vụ ùn tắc giao thông kéo dài 1 giờ liền mà nguyên nhân được xác định là do thi công đào đường làm chắn lối đi tại khu vực này.
Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của Phòng QLGT đường bộ (Sở GTCC TPHCM), toàn thành phố hiện có đến 56 tuyến đường bị đào với 197 lô cốt (trong đó, dự án vệ sinh môi trường TP 133 lô cốt; dự án Cải thiện môi trường nước và Đại lộ Đông - Tây 53 lô cốt; dự án nâng cấp đô thị TP 7 lô cốt và các dự án khác 7 lô cốt). Đặc biệt, từ nay đến cuối năm 2009, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thi công nhiều công trình trọng điểm làm nhiều tuyến đường tiếp tục bị đào xới, làm ảnh hưởng lớn đến giao thông. Chỉ tính riêng dự án nâng cấp đô thị thành phần số 5, 6 dự kiến sẽ đào đến 38 km đường lớn để đặt cống thoát nước phi 2.000. Với khối lượng các công trình như vậy, giao thông trên địa bàn TP thời gian tới chắc chắn khó giảm việc ùn tắc.
- Tai nạn giao thông có xu hướng tăng trở lại?
Trong 5 tháng đầu năm, toàn TPHCM xảy ra 427 vụ TNGT đường bộ (giảm 128 vụ so với cùng kỳ), khiến 378 người chết (giảm 91 người) và 151 người bị thương (giảm 195 người). Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nhìn lại số vụ giao thông trong 5 tháng qua, nhiều người lo ngại khi số vụ TNGT tháng sau đa phần cao hơn tháng trước. Cụ thể, số vụ TNGT của tháng 3 cao hơn tháng 2 là 29 vụ và 97 người chết; tháng 4 cao hơn tháng 3 là 8 vụ và 7 người chết; số vụ TNGT của tháng 5 so với tháng 4 giảm 2 vụ nhưng lại tăng 7 người chết.
Theo PC26, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do lưu thông không đúng phần đường, chạy xe quá nhanh, đổi hướng và tránh, vượt không đúng quy định, lưu thông vào đường cấm, ngược chiều, số lượng xe cá nhân và ô tô vẫn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian qua.
Ở một khía cạnh khác, một lãnh đạo Sở GTCC TPHCM phân tích: Tại những tuyến đường có công trình đang thi công, tốc độ lưu thông sẽ rất chậm nên TNGT nếu có cũng ít hơn bình thường (khi đường rộng, thông thoáng). Tuy nhiên, để tránh kẹt xe, một số người sẽ chuyển sang lưu thông qua những tuyến đường khác khiến cho mật độ lưu thông trên những tuyến đường này gia tăng, tốc độ lưu thông cũng gia tăng nên dễ xảy ra tai nạn hơn. Một trong những giải pháp được xem là tối ưu nhất hiện nay để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại những tuyến đường thi công đào đường là phân luồng giao thông. Tuy nhiên, công tác phân luồng dù có nghiên cứu kỹ, dù có thực hiện tốt đến đâu cũng chỉ hạn chế được phần nào nạn ùn tắc giao thông.
Một điểm nữa cần lưu ý là ngoài số vụ TNGT do xe 2 bánh gây ra chiếm áp đảo (277 vụ) thì "á quân" gây ra TNGT là xe tải (69 vụ khiến 67 người chết). Theo đánh giá, một số lái xe chở container chạy trên đường trường khi vào vòng xoay hoặc quẹo cua thường không giảm tốc độ.
Thực tế cho thấy, các cá nhân, cơ quan tổ chức và doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng xe tải (trong đó có container) thường thuê cả xe và tài xế và khoán sản phẩm theo ngày. Điều đó khiến tài xế có tâm lý phải vận chuyển nhanh để được nhiều chuyến và có thu nhập cao dẫn đến tình trạng tranh thủ vận chuyển hàng, chạy nhanh, làm việc quá sức không đảm bảo sức khỏe nên khi điều khiển xe rất nguy hiểm
ĐƯỜNG LOAN – VÂN ANH
Không để tình hình ùn tắc giao thông diễn biến xấu hơn |
(SGGP).- Nguồn tin từ UBND TPHCM ngày 13-6 cho biết, UBND TPHCM đã có báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tình hình thực hiện chương trình chống kẹt xe nội thị của thành phố giai đoạn 2001-2005, năm 2006-2007 và kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2008-2010, định hướng đến năm 2020. |