Tình làng ở phố thị

Mọi người hay bảo, ở thành thị ai biết nhà nấy, làm gì có tình làng nghĩa xóm. Nhưng thực tế, ai cũng có khát khao quan tâm và được quan tâm, chỉ là chưa có điều kiện để tình cảm ấy được bộc lộ.

1. “Em có nhà không, ghé cầu thang bộ, chị đưa mấy trái bơ. Ngoại vừa mới gửi ở quê xuống, chị chia bớt cho sắp nhỏ ăn lấy thảo nè. Bơ nhà trồng, sạch lắm”, chị hàng xóm cùng tòa nhà chung cư nhưng khác tầng, nhắn tôi vậy. Chạy ra cầu thang bộ, chị em gặp nhau tám vài ba chuyện vặt, trao nhau túi bơ quê rồi ai về nhà nấy. Mỗi bận nhận được quà từ hàng xóm, hoặc có món gì ngon đem biếu, lại thấy trong lòng chộn rộn hẳn.

Chị hàng xóm ấy tôi vô tình quen khi mấy bác bảo vệ chung cư giao lộn túi hàng, vào thời điểm giãn cách phòng chống dịch. Liên hệ qua lại để lấy lại túi hàng, vậy mà quen rồi thân thiết với nhau. Dù dịch bệnh đã được kiểm soát, thứ gì cũng có thể dễ dàng mua ngoài chợ, trong siêu thị hoặc bận rộn quá thì đặt hàng online, có người giao tận cửa. Thế nhưng những trái bơ, những bó rau thơm thảo của hàng xóm chia cho từ quê gửi vào lại có ý nghĩa thật đặc biệt.

Thường các chung cư ra vào bằng thẻ từ riêng, tầng nào biết tầng nấy, tầng trên không thể tự do đi vào tầng dưới và ngược lại. Nhiều người bảo, khi người ta đã quý mến nhau thì mấy thứ ấy đâu cản được những tấm chân tình. Đôi khi, chỉ là hẹn nhau dưới công viên nội khu để cùng cho sắp nhỏ chạy nhảy, hoặc nấu nồi canh ngon, bưng tô lội bộ mấy bậc cầu thang rồi nhắn nhau ra lấy. Vậy mà vui!

Tình làng ở phố thị ảnh 1 Khuôn viên chung cư là nơi vui chơi, giao lưu của các hộ gia đình

2. Đấy là khác tầng, còn cùng tầng thì nhiều điều thú vị hơn. Chiều đến, đám nhỏ tụ tập ở hành lang chơi xe đẩy, trượt patin, y như những tối mùa hè trẻ con cả xóm thôn quê tụ lại chơi đuổi bắt. Còn người lớn, ai rảnh thì bắc ghế ra cửa trông cả đám. Lầu tôi ở, bầu anh Tường làm tổ trưởng “tổ trông coi”.

Thi thoảng lại thấy tiếng anh Tường nhắc: “Tí, đi cẩn thận con”, “Bé Kem, con chơi đằng này kẻo anh chị đụng vào người”, “Sò cho em chơi chung với”... Cả tầng có tới hai mấy, ba chục đứa trẻ, con nhà ai, tên gì, căn hộ bao nhiêu, hầu hết mọi người đều biết.

Cũng có hôm, chị hàng xóm đứng ngồi không yên vì đã hơn 6 giờ chiều mà chưa thấy bé Cà Rốt, con của hàng xóm, đi học về. Chờ hoài cũng nóng ruột, mà cứ để thằng bé ở trường thì tội nghiệp, chị gọi hỏi mẹ Cà Rốt xem có cần đón phụ không. Qua điện thoại, chị còn dặn mẹ Cà Rốt không phải mua đồ ăn sẵn, chị nấu thêm chút cơm, chén canh phần, về là có ăn ngay.

Thấy nói qua nói lại vài câu, chị dặn chồng canh chừng đám nhỏ rồi tất tả đi đón Cà Rốt về. Cũng có chiều cuối tuần, nhà bên này gọi với sang nhà kia, dặn chiều khỏi phải nấu cơm, sang bên này ăn luôn vì có mẻ cá nục tươi rói, hấp cuốn bánh tráng cho đổi vị.

Bản thân tôi cũng được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc của tình xóm giềng ở chung cư nhỏ này. Bữa hổm, bé Bin sốt cao giữa đêm, nhà có hai mẹ con cũng khó xoay xở. Tôi nhắn lên nhóm chung cư hỏi xem có ai chạy Grab thì chở mẹ con tôi đi bệnh viện một cuốc. Tin nhắn vừa gửi đi liền có người gọi lại hỏi tình hình của con, rồi bảo chuẩn bị đồ, chị xuống lấy xe đi liền, sẵn có xe nhà, chị đưa đi giúp chứ không chạy dịch vụ.

Chỉ vài phút sau, bác bảo vệ và một chị phụ nữ tuổi trung niên đã có mặt tận cửa để phụ tôi đưa con xuống xe. Đêm đó, không chỉ có mình tôi ở bệnh viện với thằng bé mà có cả chị hàng xóm ấy. Ngày hôm sau, nhiều người trong chung cư đọc tin biết con tôi sốt còn nhắn riêng hỏi thăm tình hình của cháu. Tất cả những điều đó thân thương hết sức!

3. Bác bảo vệ lớn tuổi trực ở sảnh chung cư chứng kiến những quan tâm ấy, bảo vơi phần nào nỗi nhớ quê. Bác bảo vệ xa quê vào thành phố tìm kế sinh nhai khi đã lớn tuổi, cũng không dễ dàng gì. Bác bảo, có lẽ hầu hết cư dân chung cư, nhất là mấy chung cư bình dân chỗ tôi, đều là con em từ những miền quê khác nhau, vào thành phố học tập, làm việc rồi mua nhà hoặc thuê nhà sinh sống, nên mới có thứ tình quê ấy.

Ai không sống trong khu chung cư sẽ nghĩ, chung cư phố thị thì nhà nào biết nhà nấy, tầng nào biết tầng nấy, lấy đâu ra tình cảm hàng xóm như ở quê. Vậy mà có. Nhất là từ khi TPHCM bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì nhiều thứ mới rõ nét. Có lẽ, giữa lằn ranh của những mất mát, giữa muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, mọi người dễ dàng cởi mở hơn, mạnh dạn xóa bỏ sự “lạnh lùng phố thị” mà định kiến choàng cho nó, để xích lại gần nhau.

Có chăng như vậy mà chị bạn tôi, khi phải đến một vùng đất khác để sinh sống, vẫn giữ lại căn hộ chung cư để lâu lâu có nơi chốn đi về. Rồi ngày nào chị cũng ghé vào trang mạng xã hội của chung cư vài bận, chỉ để được cảm nhận cái không khí nhộn nhịp, trong tình cảm mà bà con dành cho nhau. Chị bảo, khi người ta nếu đủ chân tình, sự bận rộn hay cuộc sống hiện đại khép kín ở chung cư không làm khó tình người đối đãi với nhau.

Tin cùng chuyên mục