Sáng 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành hoạt động chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất: Việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế…), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.
Chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến. Theo Báo cáo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tại phiên họp thứ 26 của UBTVQH, hiện nay tỷ lệ tảo hôn chung của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) là 26,6%, trong đó có 40 DTTS có tỷ lệ tảo hôn từ 20% trở lên; có 13 DTTS có tỷ lệ tảo hôn trên 50%. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống ở một số DTTS còn cao 4 – 5%. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em DTTS còn cao. Tỷ lệ khám thai của phụ nữ DTTS tại trạm y tế mới đạt 70,9%. Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại nhà là 36,3%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em DTTS còn 32%.
Tỷ lệ biết đọc, biết viết của người DTTS chỉ đạt 79,2% trong khi cả nước là 94,7% (tương đương với khoảng 20% người DTTS mù chữ), phụ nữ DTTS từ 15 tuổi trở lên biết chữ là 15%. Tỷ lệ học sinh đi học trung học cơ sở đạt 83,9%, trung học phổ thông đạt 41,8%.
Một số chính sách giáo dục cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) vẫn còn những bất cập, như chưa có mã ngành tiếng dân tộc, giáo trình song ngữ chưa được quan tâm; quy định về trường bán trú; phụ cấp dạy bằng tiếng và chữ viết của người DTTS… chưa hợp lý. Tình trạng thất nghiệp của thanh niên DTTS cũng đang là vấn đề nổi cộm, lên đến 5,76%, cao hơn gấp 2,5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp của cả nước (2,34%)...
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) chiếm gần ¾ diện tích tự nhiên của cả nước, là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với gần 13,4 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước. Kinh tế - xã hội vùng miền núi những năm vừa qua có sự tăng trưởng và phát triển đáng kể, song đây vẫn là vùng có điều kiện sống khó khăn nhất trong cả nước. Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi Tây Bắc là: 28,1%, miền núi Đông Bắc 14,87%; Tây Nguyên 12,86%; các tỉnh Bắc Trung bộ là 8,2% (tỷ lệ hộ nghèo cả nước là 6,7%).
Đáng lưu ý, vẫn còn tình trạng hộ DTTS thiếu đất sản xuất, thiếu đất ở, nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển các hình thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm ở nông thôn còn nhiều hạn chế.