TPHCM đủ điều kiện cho trung tâm tài chính quốc tế

Ngày 27-4, Trường Đại học Kinh tế TPHCM và Báo SGGP phối hợp tổ chức Hội thảo “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam”.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp và các tổ chức đã thảo luận về những chuyển động của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp. Một trong những chủ đề được các đại biểu quan tâm, thảo luận nhiều nhất là sự cần thiết hình thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế Việt Nam.

Xu hướng tất yếu

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, TPHCM sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên và là động lực kinh tế lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành phố cũng như một số quốc gia trong khu vực nên đủ điều kiện để hình thành TTTC quốc tế. Việc hình thành TTTC khu vực và quốc tế tại TPHCM là xu hướng tất yếu. Nhất là trong bối cảnh các TTTC quốc tế được cho là sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu trong thời gian tới. Mục tiêu TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế là khát vọng lớn; hình thành được TTTC quốc tế phải là vấn đề mang tầm quốc gia.

TPHCM đủ điều kiện cho trung tâm tài chính quốc tế ảnh 1 TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo

TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ phân tích, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) có đề ra nhiệm vụ: Phát triển có hiệu quả các đô thị lớn và vùng TPHCM; nghiên cứu và thiết lập cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển TPHCM trở thành TTTC quốc tế. Đây là cơ sở quan trọng trong bối cảnh TPHCM đang tái khởi động việc xây dựng TTTC khu vực và quốc tế.

Bởi vì, mục tiêu xây dựng TTTC khu vực và quốc tế đã được TPHCM ấp ủ từ 20 năm trước. Thời điểm đó, quy mô thị trường tài chính tại TPHCM rất lớn. Đến nay, quy mô thị trường tài chính của TPHCM đang nhỏ dần, mặc dù vẫn gia tăng trị số tuyệt đối nhưng thực tế tỷ trọng đóng góp cho cả nước có dấu hiệu giảm dần. Do đó, mục tiêu này cần sớm được hình thành và quyết tâm thực hiện để TPHCM không đánh mất cơ hội trở thành TTTC quốc tế.

TS Trần Du Lịch đưa ra lộ trình 3 giai đoạn phát triển TTTC quốc tế tại TPHCM. Cụ thể, 2021-2025 sẽ là giai đoạn khẳng định vai trò TTTC của TPHCM. Giai đoạn 2026-2030 sẽ nâng tầm trở thành TTTC của khu vực. Giai đoạn 10-15 năm tiếp theo sẽ là TTTC quốc tế thực sự, vì muốn hình thành TTTC quốc tế phải gắn với 2 điều kiện nữa là tự do hóa tài khoản vốn và chuyển đổi đồng tiền. Những việc đó cần có thời gian.

Về việc các tỉnh - thành phố khác cũng muốn trở thành TTTC, TS Trần Du Lịch cho rằng, mô hình mà các tỉnh - thành phố đang nhắm đến chỉ mới là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm công nghệ số chứ chưa hẳn hội tụ đủ các điều kiện thành TTTC. “Không nơi nào trên đất nước này đủ điều kiện trở thành TTTC khu vực và quốc tế ngoài TPHCM. Nếu TPHCM không làm được thì không nơi nào có thể làm được”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh. Tuy nhiên, để hình thành một TTTC quốc tế, TPHCM nên đi đầu về các sản phẩm Fintech (công nghệ tài chính) chứ không phải là những sản phẩm truyền thống.

Cần cơ chế đặc thù

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, mục tiêu TPHCM trở thành TTTC quốc tế là khát vọng lớn. Để hình thành được TTTC quốc tế, vấn đề này nên được xây dựng dưới đề án quốc gia và đặc biệt cần phải có cơ chế đặc thù trong quá trình xây dựng. 

GS-TS Sử Đình Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, dù TPHCM đưa ra mục tiêu trở thành TTTC quốc tế từ 20 năm nay, nhưng nếu không có tham vọng, không có quyết tâm, lựa chọn mô hình và hướng đi đúng thì khó thành công. TPHCM cần có những sandbox (cơ chế thử nghiệm có kiểm soát), cho phép một số ít doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới dưới sự giám sát của nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp, ngăn hậu quả của sự thất bại để không ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính quốc gia thì TTTC quốc tế mới dần được định hình rõ.

Tuy nhiên, với tỷ lệ ngân sách TPHCM được giữ lại chỉ còn 18% như hiện nay, rất khó để phát triển vì thiếu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phục vụ dân sinh. Chính vì thế, cần có chính sách thuận lợi hơn cho các tỉnh, thành phố giữ vai trò động lực phát triển, đặc biệt là TPHCM thì nền kinh tế đất nước mới có cơ hội bứt phá.

TPHCM đủ điều kiện cho trung tâm tài chính quốc tế ảnh 2 Nhiều ngân hàng ứng dụng công nghệ trong giao dịch. Ảnh: CAO THĂNG

Theo TS Trương Văn Phước, thành viên chuyên trách Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, có quan điểm cho rằng, TTTC TPHCM phải có tòa nhà chọc trời ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tập trung các ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty tài chính… là có sự nhầm lẫn giữa việc xây dựng và phát triển hạ tầng vật chất với hạ tầng cơ chế. Vấn đề quan trọng đặt ra ở đây là phải có cơ chế có thể tạo ra được các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của giới tài chính, đầu tư quốc tế. Xây dựng TTTC cần có sự đồng thuận, ý chí thống nhất của cả nước và sự trợ giúp của cả hệ thống chính trị.

Bởi lẽ, TTTC là thể chế của cả thị trường vốn, thị trường tiền tệ mà nếu các cơ quan Nhà nước như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước không đồng tình sẽ không làm được. “Tôi cho rằng, nên xây dựng TTTC quốc gia đặt tại TPHCM nhằm phục vụ cho đất nước. Và sandbox không chỉ để dành cho TPHCM mà cho cả Việt Nam”, ông Phước chia sẻ.

Để TPHCM thực sự trở thành một TTTC khu vực và quốc tế, TS Trần Du Lịch cho rằng cần giải quyết được 3 vấn đề: Có cơ chế đặc thù riêng cho TPHCM thực hiện đề án; TPHCM phải thực sự là nơi đáng sống cho các nhà đầu tư quốc tế; cần có chương trình hành động cấp quốc gia, thay vì của địa phương.

* GS-TS Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia:

Phải có tham vọng lớn

Nếu không có tham vọng ngang bằng hoặc vượt trội với các TTTC quốc tế lớn hiện nay, việc xây dựng TTTC quốc tế đặt tại TPHCM có thành công không? Với dân số gần 100 triệu dân, được thế giới đánh giá có tiềm năng trở thành trụ cột công nghệ của khu vực với “kỳ lân” đầu tiên là VNG, với giá trị thị trường ước tính 2,2 tỷ USD cùng với nhiều startup (công ty khởi nghiệp) công nghệ đáng gờm khác như FastGo, Abivin, Logivan, VNPay…, tiềm năng này đang chứng kiến làn sóng các quỹ đầu tư mạo hiểm tràn vào Việt Nam. Tuy nhiên, những bất cập trong các quy định nghiêm ngặt về tài chính, chứng khoán đã khiến cho các làn sóng đổi mới công nghệ và các nguồn đầu tư mạo hiểm tài trợ cho chúng ta gặp nhiều hạn chế. Do vậy, đã đến lúc Việt Nam cần đến cơ chế đột phá để tạo ra các khu kinh tế (SEZ) thế hệ mới theo mô hình khu kinh tế tự do kỹ thuật số (DFTZ). Với “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, TPHCM được xem là nơi hội đủ nhiều điều kiện lập ra một khu tài chính đặc biệt - TTTC quốc tế Việt Nam.

* Ông Thomas Hung Tran, chuyên gia Phòng chống Gian lận và Tội phạm tài chính (Anh quốc):

Nâng cao khả năng ứng phó với tội phạm tài chính

Phát triển thị trường tài chính và trở thành TTTC đã trở thành mục tiêu và chiến lược của các quốc gia mới nổi. Đây là chiến lược phát triển kinh tế đúng đắn, vì chỉ khi thị trường tài chính đạt đến một mức độ phát triển nhất định, nguồn vốn từ giới chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư mới được lưu thông hiệu quả đến các chủ thể có nhu cầu sử dụng vốn trong nền kinh tế, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ, chất xám và kinh nghiệm quản lý. Tuy nhiên, chiến lược này đồng thời thu hút giới tội phạm tài chính, những người hiểu rõ nhu cầu vốn tại các thị trường mới nổi, cũng như tính sơ khai của các biện pháp nhận diện và phòng thủ trước tội phạm tài chính của các thị trường này. Hiện Việt Nam đang là mục tiêu của nhiều nhóm tội phạm tài chính xuyên quốc gia để rửa tiền. Vì vậy, Việt Nam cần nâng cao khả năng ứng phó tội phạm tài chính, giúp thị trường tài chính Việt Nam giữ vững mục tiêu là điểm đến hấp dẫn cho giới chủ doanh nghiệp và nhà đầu tư chân chính.
                                                                                               MINH HUY ghi

Tin cùng chuyên mục