TPHCM: Hướng dẫn dạy học trực tuyến đối với các trường THCS và THPT

Sở GD-ĐT TPHCM vừa có văn bản gửi Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, hiệu trưởng các trường THPT, trường phổ thông nhiều cấp học (có cấp THPT) về hướng dẫn một số nội dung cụ thể trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục trực tuyến tại các trường THCS, THPT trên địa bàn TPHCM. 

Theo đó, việc thực hiện kế hoạch giáo dục trực tuyến nhằm mục tiêu hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại các trường trung học, giúp các đơn vị linh động trong tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường và hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện thực tiễn tại đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng dạy học của đơn vị.

Việc tổ chức dạy học trực tuyến là phương án thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông trong thời gian học sinh không thể đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, phương tiện thông tin và internet trong dạy và học, phát triển năng lực hướng dẫn tự học, tự đào tạo của giáo viên và khả năng tự học của học sinh.

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, giáo dục trực tuyến còn nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để học sinh được học ở mọi nơi, mọi lúc.

Để thực hiện tốt các mục tiêu đó, nội dung dạy học trực tuyến phải đáp ứng mức độ cần đạt hoặc yêu cầu cần đạt được của chương trình giáo dục phổ thông. Hoạt động dạy học trực tuyến được thực hiện theo các chủ đề và được xây dựng trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

Chuyên đề dạy học trực tuyến phải đảm bảo sự tương tác giữa giáo viên với người học, người học với người học và giáo viên phải giám sát được toàn bộ quá trình học tập này.

Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các nhà trường xây dựng thời gian biểu dạy học trực tuyến phù hợp, thông báo lịch học, xây dựng đầy đủ các phương án tổ chức hoạt động dạy và học phù hợp với các đối tượng học sinh.
Giáo viên dạy học trực tuyến phải thiết kế chủ đề/bài học trực tuyến, tổ chức giờ học trực tuyến để hướng dẫn học sinh học tập, giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến, tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh, quản lý quá trình học tập, kiểm tra đánh giá của học sinh trên hệ thống.

Riêng đối với học sinh, khi tham gia học tập trực tuyến, học sinh phải thực hiện các hoạt động học tập, tham dự giờ học trực tuyến do giáo viên tổ chức, thực hiện kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của giáo viên, khai thác và ứng dụng các nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến, đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi của giáo viên, trao đổi thảo luận với các học sinh khác, đồng thời theo dõi kết quả học tập và rèn luyện của mình trên hệ thống.

Hệ thống dạy học trực tuyến sẻ tổ chức lưu trữ, chuyển tải học liệu dạy học trực tuyến tới học sinh, giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, theo dõi và hỗ trợ học sinh khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến cũng như tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của học sinh.

Ngoài ra, hệ thống dạy học trực tuyến sẽ hỗ trợ học sinh có không gian tương tác, trao đổi thông tin với giáo viên và những học sinh khác trong cùng một không gian học tập, có hệ thống trao đổi, thảo luận theo nhóm trong cùng một không gian học tập khi được giáo viên yêu cầu và tổ chức thảo luận, trao đổi nhóm.

Sở GD-ĐT TPHCM giao nhiệm vụ cho các nhà trường quản lý hồ sơ, tiến trình học tập, kết quả học tập của học sinh và các hoạt động dạy của giáo viên, phân công tổ bộ môn, giáo viên tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến, quản lý thời khóa biểu, lịch dạy và học của giáo viên và học sinh.

Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, khi tổ chức dạy học trực tuyến, các cơ sở giáo dục phải thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Cụ thể, các trường được yêu cầu xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục phổ thông theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, thực hiện dạy học theo chương trình bảo đảm nội dung cốt lõi theo yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục.
TPHCM: Hướng dẫn dạy học trực tuyến đối với các trường THCS và THPT ảnh 1 Học sinh Trường THPT Đào Duy Anh (năm học 2020-2021)
Đặc biệt, khi xây dựng kế hoạch giáo dục của từng môn học, tổ/nhóm chuyên môn xây dựng các hoạt động giáo dục theo hướng linh động, tinh gọn theo chương trình, các chủ đề dạy học trực tuyến phải phù hợp với các chủ đề tương ứng trong chương trình, tạo thuận lợi cho việc thiết kế tiến trình dạy học thành các nhiệm vụ học tập của học sinh theo phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực để thực hiện trên không gian internet qua hệ thống học tập trực tuyến LMS.

Kế hoạch giáo dục của nhà trường thể hiện rõ sự kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và đơn vị. Trường học cần có tối thiểu 2 kịch bản dạy học trong nhà trường để ứng phó trong các trường hợp bất khả kháng, đáp ứng mục tiêu hoàn thành kế hoạch dạy và học tại đơn vị, đồng thời xây dựng, bổ sung, điều chỉnh quy chế kiểm tra, đánh giá học sinh phù hợp với việc tổ chức dạy học trực tuyến và trực tiếp.

Trong đó, giáo viên xây dựng và lựa chọn học liệu, cách thức tổ chức khóa học/chuyên đề một cách hợp lý và khoa học, theo hướng xây dựng quá trình học tập, nâng cao hoạt động tự học của học sinh, tăng cường tương tác giữa học sinh với giáo viên, giữa học sinh với học sinh.
Tất cả chủ đề dạy học và học liệu phải được xây dựng theo chuẩn kiến thức và kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông theo quy định, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với đối tượng học sinh theo từng cấp học cũng như truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh trong quá trình học tập trực tuyến qua các bài kiểm tra trên hệ thống phần mềm, các bản báo cáo quá trình học tập của học sinh, các bài thu hoạch sau các khóa học của sinh…

Nhà trường vận dụng văn bản của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT để xây dựng hướng dẫn giáo viên sử dụng kết quả kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của học sinh trong quá trình học trực tuyến thay cho các bài kiểm tra thường xuyên, đúng quy định.

Đối với yêu cầu kiểm tra, đánh giá học sinh, việc kiểm tra, đánh giá định kỳ và kiểm tra lại kết quả học tập của học sinh được thực hiện trực tiếp tại nhà trường theo quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ của Bộ GD-ĐT.

Trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm kiểm tra, đánh giá vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ có thể được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.

Khi thực hiện bằng hình thức trực tuyến, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.

Việc kiểm tra, đánh giá trực tuyến cần được xây dựng thành quy trình kiểm tra, đánh giá bao gồm đánh giá theo quá trình trực tuyến kết hợp với hình thức kiểm tra và thực hiện hồ sơ kiểm tra đánh giá theo quy định. 

Tới đây, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tiếp tục tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng dạy học trực tuyến cho giáo viên, cán bộ quản lý, hướng dẫn các Phòng GD-ĐT và các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức dạy học trực tuyến, kiểm tra, giám sát việc tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trong quá trình dạy học trực tuyến của các cơ sở giáo dục phổ thông thuộc phạm vi quản lý. 

Song song đó, Phòng GD-ĐT được giao trách nhiệm tham mưu UBND cấp quận, huyện bố trí nguồn lực để tổ chức dạy học qua Internet cho các trường THCS thuộc phạm vi quản lý, chỉ đạo các trường THCS tổ chức dạy học qua Internet, kiểm tra và giám sát việc tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh qua Internet tại các trường THCS thuộc phạm vi quản lý.

Tin cùng chuyên mục