Tại buổi tiếp xúc, 18 cử tri đã nêu ý kiến, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị giải pháp khắc phục liên quan đến các vấn đề: chống tham nhũng, chống ngập, ô nhiễm môi trường, gia tăng tội phạm…
Kiến nghị nâng mức phạt tội tham nhũng
Phần lớn các ý kiến của cử tri nêu ra tại buổi tiếp xúc liên quan đến các bất cập, tồn tại ở địa phương. Cử tri Lê Tuấn Sơn, ngụ số 7 đường số 36 (phường Bình Trị Đông B) bức xúc nêu, khu dân cư Tên Lửa là khu dân cư mới, hạ tầng giao thông trong khu vực đưa vào sử dụng chưa lâu, tuy nhiên hiện nay cứ mưa là ngập. “Nhiều năm qua, bà con liên tục phản ánh, ý kiến đến chính quyền các cấp từ phường đến TP nhưng không có kết quả. Nếu tình trạng này không được khắc phục, e rằng chất lượng sống của người dân, sự phát triển của Bình Tân sẽ bị kéo giảm”, ông Sơn lo ngại.
Cử tri Trần Thanh Liêm (phường An Lạc) bày tỏ sự bất an khi thời gian gần đây tội phạm trong nước diễn biến phức tạp, đáng ngại nhất là các loại tội phạm tham nhũng, mua bán trái phép chất ma túy, cho vay nặng lãi đang có chiều hướng gia tăng mạnh, trong khi các giải pháp ngăn chặn chưa mang lại hiệu quả cao. “Một trong những giải pháp để góp phần kéo giảm tội phạm mua bán ma túy, tham nhũng, tín dụng đen, theo tôi cần phải nâng mức xử lý hình sự, phải phạt tù nặng hơn”, ông Liêm đề xuất.
Một số cử tri nêu bức xúc, tại phường Bình Hưng Hòa B - khu vực giáp ranh với các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) được quy hoạch là khu dân cư, tuy nhiên thời gian qua có rất nhiều cơ sở sản xuất mọc lên. Các cơ sở này xả nước thải, khí thải, rác thải lén ra xung quanh, gây ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng. Cử tri đề xuất các sở ngành TP, phòng ban ở quận Bình Tân cần rà soát, xử lý nghiêm các vi phạm về xây dựng, môi trường tại khu vực này, đảm bảo môi trường sống trong lành cho người dân.
Cử tri Phan Văn Tú (phường Bình Hưng Hòa B) cho biết, rất đồng tình trước việc Trung ương kiên quyết chống tham nhũng trong thời gian qua, và nêu ý kiến: “Tôi đề nghị TP làm tốt hơn công tác này ở cấp TP, quận huyện. Trường hợp nào vi phạm, khi bị xử lý, TP phải công khai để người dân biết, theo dõi tiến trình xử lý, tránh tình trạng che giấu, “giơ cao đánh khẽ” trong xử lý cán bộ, dẫn đến lờn luật. Đặc biệt, trong xử lý tội phạm tham nhũng, phải làm tốt việc thu hồi tài sản”. Cử tri Phan Văn Tú thắc mắc, thời gian qua TP nói nhiều, bàn nhiều đến công tác cải cách hành chính, tuy nhiên trên thực tế tình trạng chậm trễ trong giải quyết hồ sơ cho người dân vẫn diễn ra phổ biến. Ông Tú đề nghị TP và các quận huyện cần tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp căn cơ, khắc phục hiệu quả, không để thủ tục hành chính nhiêu khê, làm phát sinh tiêu cực, gây mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.
Tấn công tội phạm ma túy ở vũ trường, quán bar
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, tổ đại biểu sẽ ghi nhận đầy đủ các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Liên quan đến công tác chống tham nhũng, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cho biết, hiện nay TP đang thực hiện quyết liệt công tác chống tham nhũng. Với các trường hợp cán bộ, lãnh đạo sai phạm do Trung ương quản lý, TP chủ động phối hợp cung cấp hồ sơ để các cơ quan trung ương nhanh chóng vào cuộc thanh tra, điều tra làm rõ. Ngoài ra, từ đầu năm 2018 đến nay, TP cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải đọc báo, nghe đài, đọc kỹ hơn các khiếu nại, phản ánh của cử tri để kịp thời phát hiện những trường hợp có dấu hiệu suy thoái, tham nhũng, sai phạm, qua đó có biện pháp xử lý nghiêm, triệt để.
Tính đến hết tháng 9-2019, TPHCM nhận được hơn 1.200 tin phản ánh của người dân, qua đó kỷ luật 102 đảng viên, 75 cán bộ, công chức, viên chức. “Để góp phần nâng cao hiệu quả trong đấu tranh, phòng chống tham nhũng, ngoài cơ quan chính quyền, hiện nay người dân khi phát hiện tổ chức, cá nhân sai phạm có thể khiếu nại, tố cáo đến Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, quận/huyện ủy. Hai ủy ban này sẽ chuyển đơn thư của dân đến các cơ quan liên quan và giám sát việc giải quyết”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thông tin. Ngoài ra, để nâng hiệu quả trong xử lý tội phạm tham nhũng, gia tăng tính răn đe, thời gian qua TPHCM phối hợp với Trung ương làm tốt việc thu hồi tài sản tham nhũng. “Tại TPHCM, trong 3 tháng gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng khá hơn. Các cơ quan liên quan không dừng lại ở việc chờ đến khi tòa tuyên án mới kê biên tài sản mà ngay từ khi điều tra đã tìm tài sản để phong tỏa”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho hay.
Về vấn đề tội phạm ma túy, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, tội phạm ma túy đang là vấn đề nhức nhối của TP. Đồng chí cho biết, vừa qua TP tổng kết 10 năm thực hiện công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy. TP đã xác định sẽ thực hiện căn cơ một số giải pháp trong thời gian tới, cụ thể: nơi mua bán ma túy chủ yếu hiện nay ở TPHCM là các nhà hàng, quán bar, vũ trường, karaoke, do đó thời gian tới TP sẽ tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các tụ điểm ăn chơi vi phạm. Song song đó, TP sẽ làm việc với Trung ương và các ngành liên quan để nâng cao hiệu quả trong việc ngăn chặn ma túy từ biên giới, không để thẩm lậu vào nội địa. Bên cạnh đó, TP chỉ đạo công an TP, các quận huyện làm tốt công tác theo dõi địa bàn, nhất là đối với các cơ sở sản xuất, kho xưởng do người nước ngoài thuê mướn hoạt động.