TPHCM tận dụng tất cả nguồn lực, cơ hội để mang vaccine đảm bảo chất lượng về cho người dân

TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, tìm kiếm cơ hội, trong đó có lô 5 triệu liều Moderna do Sapharco đứng ra nhập khẩu, VinaCapital tài trợ. Nhưng hiện nhu cầu toàn thế giới về vaccine, trong đó vaccine Moderna rất cao, do đó việc có thể mang được vaccine về TPHCM là trong tháng 10 này là rất khó khăn, nhưng TPHCM đang rất quyết tâm.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chủ trì buổi họp báo tại điểm cầu Trung tâm báo chí
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chủ trì buổi họp báo tại điểm cầu Trung tâm báo chí

Sáng 13-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 và các vấn đề dư luận quan tâm. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chủ trì tại điểm cầu Thành ủy. Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì tại điểm cầu Trung tâm Báo chí TP.

Số ca bệnh đi ngang, số ca tử vong vẫn ở mức cao

Mở đầu buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức thông tin, chỉ còn 2 ngày nữa là đến 15-8, ngày TPHCM kết thúc đợt thực hiện Chỉ thị 16 với các biện pháp tăng cường. Thời gian qua, lãnh đạo TPHCM đã họp, tổng hợp, phân tích đánh giá tình hình để thời gian tới công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại TPHCM, đồng chí Dương Anh Đức cho biết, trung bình trong 7 ngày (từ 5-8 đến nay), TP ghi nhận 3.687 ca mắc/ngày. Trong đó 78,6% trong khu phong tỏa, 2,3% trong khu cách ly, 17,7% sàng lọc tại bệnh viện. TPHCM đã điều trị khỏi hơn 68.900 trường hợp, hiện đang điều trị hơn 32.000 trường hợp. Trong đó có 1.558 bệnh nhân nặng và 16 bệnh nhân nguy kịch đang chạy ECMO.

TPHCM cũng có 10.420 F0 không triệu chứng đang điều trị tại nhà, 12.200 F0 đã điều trị trên 7 ngày và tải lượng virus trên 30 (CT>30), theo quy định có thể về cách ly theo dõi tại nhà. Hiện tỷ lệ tử vong ở TP đang ở mức cao với trung bình 241 ca/ngày trong những ngày gần đây.

Trước tình hình trên, TPHCM đã tập trung để nâng cao hiệu quả điều trị và đặt mục tiêu thời gian tới phải giảm số lượng tử vong. Để làm được điều này, một trong những yếu tố tiên quyết là phải giảm được những trường hợp chuyển nặng từ những tầng điều trị 2-3 để sau đó giảm áp lực cho tầng trên và có biện pháp giảm tử vong.

Theo đồng chí Dương Anh Đức, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, có thể kéo dài. Số ca nhiễm đang đi ngang, có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững. Số ca tử vong vẫn ở mức cao. Dự kiến sau 15-8, số lượng F0 vẫn ở mức 3.000 ca/ngày, là số lượng lớn.

“Nếu chúng ta không thực hiện triệt để, quyết liệt các biện pháp chống dịch mạnh mẽ thì rất khó giữ vững những thành quả đã đạt được, thậm chí tình hình xấu đi nếu không đồng lòng, quyết liệt, quyết tâm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch”, đồng chí Dương Anh Đức nhận định và cho biết, thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, TPHCM sẽ xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trong giai đoạn từ 15-8 đến 15-9. Trong đó phân thành 2 giai đoạn, quyết tâm đến 15-9 kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Các kế hoạch này sẽ được công bố trong thời gian ngắn sắp tới.

Giữ vững vùng xanh; chuyển vùng vàng, đỏ thành vùng an toàn

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, thời gian tới cần giữ vững thành quả chống dịch bằng cách giữ vững vùng xanh, chuyển hóa các vùng vàng, vùng đỏ thành vùng an toàn.

Về công tác bóc tách F0 thì xét nghiệm cũng rất quan trọng, cần thực hiện theo chiến lược có trọng tâm trọng điểm, đảm bảo khoa học, không lãng phí nguồn lực, tài nguyên, và là căn cứ quan trọng mở rộng vùng xanh, đưa các vùng xanh về trạng thái bình thường mới. Ở các khu phong tỏa phải xét nghiệm thực sự khoa học, sớm bóc tách F0 giảm nguồn lây, kết hợp với cách ly gia đình với gia đình, người với người. Nếu làm tốt, sẽ giảm mạnh F0 trong khu phong tỏa.

Bên cạnh đó, một nhiệm vụ quan trọng khác để giảm tử vong là phải sàng lọc, phân loại, tổ chức điều trị hiệu quả ở tất cả các tầng điều trị. Việc phân loại, điều phối hiệu quả của Trung tâm 115, khai thác tốt nguồn lực và năng lực điều trị thì tình hình sẽ được cải thiện.

“Hiện TPHCM đã mạnh mẽ nâng cấp bệnh viện tầng 2-3, như các bệnh viện dã chiến thu dung từ tầng 2 được nâng lên thành tầng 3. Củng cố khả năng cung cấp oxy cho các trường hợp nhiễm bệnh, song song đó là tư vấn sức khỏe, hỗ trợ tốt công tác cách ly F0, F1 tại nhà về tâm lý, lương thực, điều trị, củng cố sức khỏe của F0,… thì sẽ giúp các F0 có tinh thần tốt, hạn chế tối đa việc trở nặng”, đồng chí Dương Anh Đức thông tin.

Liên quan vaccine, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, TP vừa qua đã đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, trong đó ngày cao nhất đạt trên 318.000 liều. Đến nay, hầu như toàn bộ nguồn vaccine Bộ Y tế cấp cho TPHCM đã được tiêm hết. Hiện có 87 bệnh viện tham gia tiêm vaccine và 1.200 đội tiêm tại các quận huyện. Ngoài điểm tiêm cố định còn có các điểm tiêm di động, xe lưu động len lỏi đến với những người không thể đi tiêm được. Ngoài ra, TPHCM cũng tổ chức tiêm cho người nước ngoài đang sinh sống tại TP.

“Đến nay, TPHCM đã tiêm được 456.391 người (khoảng trên 70%) người có bệnh nền và người trên 65 tuổi. Trên toàn địa bàn TPHCM, riêng trong đợt 5-6 đã tiêm được 3,2 triệu liều. Cộng với các đợt tiêm trước, đến nay TPHCM đã có hơn 4,3 triệu người đã được tiêm, trong đó hơn 100.000 người đã tiêm đủ hai mũi”, đồng chí Dương Anh Đức thông tin.

Theo đồng chí Dương Anh Đức, bắt đầu từ hôm nay, 13-8, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh tiếp cận các nguồn vaccine khác, tiếp tục đề nghị Bộ Y tế bổ sung vaccine của Bộ Y tế, khai thác thêm 1 triệu liều Sinopharm để tiếp tục kế hoạch tiêm. Đồng thời, TPHCM chủ trương tận dụng tất cả nguồn lực, cơ hội để mang vaccine đảm bảo chất lượng về cho người dân.

Với sự tham vấn của các chuyên gia, TPHCM khẳng định cần tạo độ phủ vaccine cho người dân càng sớm càng tốt. Do vậy, ngoài lô 1 triệu liều vaccine Sinopharm đã được kiểm định, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, tìm kiếm cơ hội, trong đó có lô 5 triệu liều Moderna do Sapharco đứng ra nhập khẩu, VinaCapital tài trợ. Nhưng hiện nhu cầu toàn thế giới về vaccine, trong đó vaccine Moderna rất cao, do đó việc có thể mang được vaccine về Việt Nam trong năm 2021 và mong muốn của TPHCM là trong tháng 10 này là rất khó khăn, nhưng TPHCM đang rất quyết tâm.

Đồng chí Dương Anh Đức cho biết, TPHCM cũng tận dụng các cơ hội khác thông qua hợp tác quốc tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ có quan hệ tốt với Việt Nam và TPHCM. Hiện một số quốc gia đã cam kết tặng cho TPHCM những lượng vaccine. Nếu kịp, trong tháng 8 này sẽ có thêm nhiều liều nữa, đồng chí Dương Anh Đức kỳ vọng và khẳng định “vaccine tốt nhất là vaccine đến trước”, “cái đang có là cái tốt nhất”.

Liên quan đến 5 triệu liều Moderna, Phó Chủ tịch UBND TPHCM giải thích, đây là mô hình phi lợi nhuận, với sự đóng góp của các doanh nghiệp, để đảm bảo đủ vaccine cho nhân viên của mình trước, sau đó hỗ trợ TP để tiêm cho các đối tượng ưu tiên. Toàn bộ kinh phí gồm giá mua, chi phí vận hành, tổ chức tiêm… nếu đóng góp của các doanh nghiệp vượt quá số kinh phí này, thì số dư ra sẽ tích lũy vào quỹ vaccine để tiếp tục mua vaccine tiêm miễn phí cho người dân.

Nếu phủ được vaccine sớm thì sớm khôi phục sản xuất, kinh tế quay lại đà phát triển, đóng góp cho quốc gia. Ý thức được tầm quan trọng của vaccine, quỹ VinaCapital đã tập hợp các tập đoàn, doanh nghiệp cùng đóng góp. “Đây là dự án phi lợi nhuận, hợp tác công tư chính là như vậy”, Phó Chủ tịch UBND TP nói và đánh giá đây là cách làm tích cực. Với cách làm này, các doanh nghiệp thay vì đơn giản là góp tiền cho quỹ vaccine thì chủ động tìm nguồn cung cấp vaccine – đây là việc khó, TPHCM đã tìm kiếm hàng trăm cơ hội, nỗ lực hết sức nhưng đến nay chỉ 2 cơ hội có thể trở thành hiện thực.

Đồng chí Dương Anh Đức khẳng định, TPHCM rất trân trọng khi có những quốc gia, địa phương, các tổ chức cá nhân liên hệ và muốn tìm nguồn vaccine về tặng cho thành phố. Một số cam kết cũng sắp đến hạn, khi nào có được, TPHCM ngay lập tức công bố thông tin cho người dân biết tin vui.

Tiêm 2 mũi vaccine vẫn có nguy cơ mắc bệnh


Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, vaccine rất hiệu quả sau khi tiêm vào cơ thể sẽ tạo ra kháng thể, kháng thể thường xuất hiện ở tuần thứ 2 đến tuần thứ 4 sau khi tiêm. Tùy theo loại vaccine sẽ đạt được mức độ trung hòa kháng thể khác nhau, giúp ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào trong cơ thể giúp con người không bị bệnh.

Không có vaccine nào ngăn chặn được 100% sau khi tiêm không bị bệnh, riêng đối với Covid-19, các vaccine hiện nay có ngăn chặn một phần, tuy nhiên vẫn có xuất hiện nhiễm bệnh. Nếu trường hợp bị nhiễm thì kháng thể trung hòa sẽ ngăn chặn virus xâm nhập vào trong các tế bào, cơ quan trong cơ thể giúp giảm quá trình gây tổn thương các tế bào, cơ quan trong cơ thể như ở: phổi, tim, thận, gan,…

Những người được tiêm vaccine, có kháng thể trung hòa, đa phần khi mắc có xét nghiệm dương tính nhưng không triệu chứng, hoặc có triệu chứng nhẹ và ít biến chứng nặng. Bên cạnh việc giãn cách xã hội, cách ly, 5K thì việc bao phủ tỷ lệ tiêm vaccine có hiệu quả, chất lượng sẽ giúp giảm những ca mắc mới, giảm ca bệnh nặng và giảm ca tử vong. Việc tiêm vaccine sẽ tạo kháng cho bản thân là cực kỳ quan trọng, nhất là đối với những người dễ bị tổn thương khi mắc Covid-19 như nhóm người lớn tuổi, người có bệnh nền, mang thai,…

"Nhiều người nghĩ rằng tiêm 2 mũi vaccine sẽ không mắc Covid-19, tuy nhiên điều đó là sai lầm, thời gian qua rất nhiều trường hợp trên thế giới, dù đã tiêm 2 mũi vaccine thì mức độ bảo vệ cũng không phải hoàn toàn và có khá nhiều trường hợp vẫn mắc. Nhất là hiện nay, biến chủng Delta có khả năng lây nhanh và chủng này khiến bệnh lý của người mắc Covid-19 nặng hơn so với biến chủng trước đây. Dù đã tiêm vaccine thì vẫn phải thực hiện nghiêm 5K tránh tình trạng mình không có triệu chứng, bệnh nhẹ mang virus sẽ lây cho những người mình tiếp xúc trong cộng đồng", bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu khuyến cáo.

Tin cùng chuyên mục